Mang Tết đến vùng biên cương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khi những cánh hoa đào rừng bắt đầu hé nụ, cũng là lúc những chuyến ngược rừng của các nhà thiện nguyện mang quà Tết đến cho đồng bào dân tộc thiểu số sống vùng biên viễn. Họ như những cánh én mang hơi ấm mùa xuân đến những nơi xã xôi, hẻo lánh.

Tết sớm nơi tộc người sợ bão nhất hành tinh

Đường 20 - Quyết Thắng nối từ nhánh Đông đường Hồ Chí Minh lên biên giới Việt - Lào, mặc dù Tết đang cận kề nhưng vẫn heo hút, vắng bóng người qua lại. Nếu không có những bông đào rừng đang hé nụ rũ xuống hai bên đường, khó có thể nhận biết một mùa xuân mới đang về.

 

Người A Rem (xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch) phấn khởi nhận quà Tết.
Người A Rem (xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch) phấn khởi nhận quà Tết.

Ngồi trên ca bin chiếc xe tải chở đầy quà Tết, ì ạch vượt dốc, chị nữ doanh nhân đến từ TP Hồ Chí Minh (xin được giấu tên) cứ xuýt xoa: “Cuối năm rồi, không ai đi sắm Tết hay sao mà đường vắng tanh thế này?”.

Đây là lần thứ hai chị mang quà lên đồng bào A Rem, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Lần trước, trong một chuyến lên thăm người ARem, đồng cảm với những khó khăn của đồng bào nơi vùng biên viễn này, chị đã quyết định mỗi năm đều trích một phần lợi nhuận của công ty để mua quà Tết tặng bà con.

Nằm sâu giữa núi rừng Phong Nha - Kẻ Bàng, bốn bề là những dãy núi đá vôi vây quanh, đất canh tác không có nên cuộc sống của người A Rem vẫn luôn gặp khó khăn. Đặc biệt, năm nay lần đầu tiên người A Rem còn bị cơn bão số 10 (tháng 9-2017) tấn công, phá hỏng 25 ngôi nhà và thổi bay toàn bộ 35 ha lúa rẫy sắp thu hoạch…

Còn nhớ, ngay sau khi cơn bão vừa đi qua, người A Rem bỗng dưng nổi tiếng cả nước vì sợ bão. Một cụ bà tử vong trong bão vì chết khiếp khi lần đầu tiên nhìn thấy bão, trong lúc đó nhiều người muốn trở lại hang đá sinh sống vì không muốn nhìn thấy bão một lần nữa. Danh hiệu sợ bão nhất hành tinh của người A Rem bắt đầu có từ đây.

Đọc được thông tin này trên báo Tiền Phong, ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã kịp thời lên thăm và động viên bà con yên tâm ổn định cuộc sống… Đồng thời, ông kêu gọi cộng đồng cùng chung tay hỗ trợ người A Rem vơi bớt những khó khăn sau bão. Chỉ trong một thời gian ngắn, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong tỉnh và trong cả nước đã gửi tặng mái tôn, tiền, quà… giúp người A Rem sửa chữa lại những căn nhà đã bị cơn bão làm hư hỏng và ổn định cuộc sống.

Gặp lại chúng tôi, chị Y Chinh, một người phụ nữ A Rem đơn thân có nhà bị cơn bão số 10 cuốn bay mất mái hồi tháng 9/2017, cười tít mắt: “Tưởng cái bão thổi bay mất nhà, mẹ con mình không còn nơi để ở nữa rồi. Nhưng nhờ cán bộ vận động, các nhà hảo tâm hỗ trợ lợp lại mái mà mấy mẹ con mình vẫn có nhà để ở. Mà có nhà thì mình không vô hang đá để ở mô, trong đó cũng lạnh lẽo lắm”.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch Nguyễn Chí Sỹ cho biết, lâu nay đồng bào A Rem vẫn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện và các nhà hảo tâm trong cả nước. Đặc biệt từ sau cơn bão số 10, hàng chục đoàn thiện nguyện đã lên tận nơi, trao tận tay bà con hàng trăm suất quà gồm tiền mặt, lương thực và nhu yếu phẩm, giúp bà con vượt qua khó khăn. “Một cái Tết nữa đã đến, cảm ơn những nhà hảo tâm, những tấm lòng của mọi người đã quan tâm đến người A Rem những lúc khó khăn và giúp họ có được một cái Tết ấm cúng” - ông Sỹ nói.

 

Tết này nhà của vợ chồng anh Hồ Văn Thơ và chị Hồ Thị Toàn ở xóm Lu Bu, bản Chân Trộng (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh) vừa có điện thắp sáng, vừa được tặng tivi để xem.
Tết này nhà của vợ chồng anh Hồ Văn Thơ và chị Hồ Thị Toàn ở xóm Lu Bu, bản Chân Trộng (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh) vừa có điện thắp sáng, vừa được tặng tivi để xem.

Đón điện về trước Tết  

Sau bao đời phải sống trong cảnh đèn dầu hiu hắt, thì Tết này, 15 hộ gia đình người Vân Kiều ở xóm Lu Bu, bản Chân Trộng, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh sẽ được đón một cái Tết tràn đầy niềm vui. Ước nguyện có nguồn điện chiếu sáng của bà con đã trở thành hiện thực. Ông Nguyễn Văn Tráng, Chủ tịch Mặt trận xã Trường Sơn cho biết: Chứng kiến cảnh 15 hộ đồng bào Vân Kiều ở đây dù chỉ ở cách đường điện lưới 3.000 mét nhưng hàng chục năm qua phải chịu cảnh tối tăm vì không có tiền để mua dây kéo điện về, trong lúc ngân sách địa phương cũng eo hẹp, nên ông đã mạnh dạn viết thư kêu gọi cộng đồng giúp đỡ.

Nhận được thư ông Tráng, nhà thơ, họa sỹ Đỗ Trung Quân (TP Hồ Chí Minh) đã vẽ bức tranh Tết có tên “Đôi mắt”, bán đấu giá lấy tiền giúp 15 hộ người Vân Kiều kéo điện. Bức tranh “Đôi mắt” bán được 45 triệu đồng, cùng với sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm khác trong và ngoài nước, khát khao có nguồn điện sáng của 15 hộ dân Vân Kiều ở bản Chân Trộng đã trở thành hiện thực. Hưởng ứng chương trình, Tập đoàn Tân Hiệp Phát (Bình Dương) cũng đã mua tặng bà con 15 cái tivi 32in mới tinh.

Ngày đầu tiên có điện, được tặng tivi, cũng là ngày diễn ra trận đấu chung kết U23 châu Á giữa đội tuyển U23 Việt Nam và U23 Uzbekistan. Lần đầu tiên dân bản được xem trận chung kết trong mơ ngay giữa bản làng của mình nên ai nấy đều rất vui, phấn khởi. Trong niềm vui lần đầu tiên có điện, Trưởng bản Chân Trộng Hồ Văn Tiến đã gửi lời cảm ơn đến các nhà tài trợ, các mạnh thường quân đã chung tay kéo điện về cho đồng bào Vân Kiều, ông nói: “Không biết nói gì hơn, thay mặt bà con dân bản, mình cảm ơn Mặt trận xã, các nhà tài trợ đã giúp người dân bản kéo điện về. Tết này bản vừa có điện thắp sáng, vừa có tivi để coi nên ai nấy đều vui lắm. Mọi người đùa nhau nên thay tên xóm Lu Bu thành tên Sáng Chói. Đây có lẽ là cái Tết vui nhất của bà con rồi…”.

Hoàng Nam/tienphong

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.