Măng Đen, miền đất kỳ bí ở đại ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Măng Đen, thị trấn của H.Kon Plông (Kon Tum), được xem là vùng kinh tế động lực và là 'thiên đường' du lịch của tỉnh.

Thế nhưng ít ai biết rằng ở vùng đất này từ lâu đã lưu truyền những câu chuyện về các vị thần mang đầy vẻ kỳ bí, huyền ảo.

Vùng đất thần tiên

Ở độ cao trên 1.200 m so với mực nước biển, Măng Đen có nhiệt độ trung bình từ 16 - 20 độ C. Với địa hình chủ yếu là đồi núi, độ che phủ rừng đạt 82%, nơi đây có nhiều danh lam thắng cảnh, hồ thác, suối đá và văn hóa bản địa nguyên sơ.

Những ngày đầu xuân, Măng Đen se lạnh, khắp các ngọn đồi, đỉnh núi được bao phủ bởi màn sương trắng mỏng manh như dòng sữa. Lẩn khuất sau cánh rừng thông là hàng trăm căn biệt thự ẩn hiện trong màn sương. Trên các tuyến đường ở Măng Đen, hoa mai anh đào được trồng dày đặc.

Ông Trần Văn Lâm, Phó trưởng phòng Di sản, Sở VH-TT-DL tỉnh Kon Tum, chia sẻ: Ngoài địa hình đồi núi và những cánh rừng nguyên sinh, Măng Đen còn sở hữu nhiều hồ và thác tuyệt đẹp. Đây cũng chính là thế mạnh để H.Kon Plông phát triển du lịch theo hướng sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa - lịch sử.

Măng Đen vẫn giữ được những giá trị văn hóa bản địa nguyên sơ. Ảnh: ĐỨC NHẬT
Măng Đen vẫn giữ được những giá trị văn hóa bản địa nguyên sơ. Ảnh: ĐỨC NHẬT

Ông Lâm kể rằng từ xa xưa người Mơ Nâm luôn truyền tụng câu chuyện truyền thuyết để lý giải về sự hình thành của 7 hồ 3 thác ở Măng Đen. Theo truyền thuyết, Măng Đen có tên gọi là T'Măng Deeng. T'Măng có nghĩa là nơi ở, còn Deeng là thần linh. T'Măng Deeng nghĩa là nơi trú ngụ của các thần linh.

Thuở hồng hoang, T'Măng Deeng là vùng đất hoang dại. Khắp nơi chỉ là rừng núi, không có dấu chân con người. Bên bìa rừng từng bầy hươu, nai thảnh thơi gặm cỏ. Vắt qua dãy núi cao, một dòng sông trong vắt uốn lượn như dải lụa mềm mại.

Lúc bấy giờ, Plinh Huynh là vị thần tối cao nhất ở trên trời và có quyền năng tạo ra vạn vật. Thấy T'Măng Deeng trù phú nhưng hoang dại, thần Plinh Huynh liền phái 7 người con trai của mình xuống lập làng và sinh sống.

Khi 7 người con đến tuổi lập gia đình, thần Plinh Huynh lại hạ phàm, tìm đến các làng lân cận xin cưới những cô gái xinh đẹp, tài giỏi, khéo tay cho các con trai mình. Kết hôn xong, 7 cặp vợ chồng ấy lập thành 7 ngôi làng quanh vùng T'Măng Deeng. Plinh Huynh gia phong 7 người con trai làm các vị thần cai quản vùng đất đó; còn những người vợ biến thành linh vật đại diện cho các loài heo, nai, cá, thằn lằn...

Thần Plinh Huynh yêu cầu vị thần cai quản phải lập lời thề là không được ăn thịt loài vật mà vợ mình là linh vật. Nếu ai vi phạm thì sẽ bị Plinh Huynh trừng phạt.

Khắp các ngọn đồi, đỉnh núi tại Kon Plông được bao phủ bởi màn sương trắng mỏng manh. Ảnh: ĐỨC NHẬT

Khắp các ngọn đồi, đỉnh núi tại Kon Plông được bao phủ bởi màn sương trắng mỏng manh. Ảnh: ĐỨC NHẬT

Truyền thuyết "7 hồ, 3 thác"

Thời gian đầu mỗi năm một lần, 7 người con trai bay về trời để báo cáo với thần Plinh Huynh công việc, đời sống ở trần gian. Lâu dần, những người con chẳng ai quay về trời nữa. Mỗi năm lúa đầy kho, heo gà đầy sân, thịt thú rừng được sấy khô gác đầy chạn bếp và trâu, bò, dê thả trong rừng béo mập, 7 vị thần cai quản dạy dân làm lễ cúng Deeng.

Đến một ngày, vào dịp cúng Deeng mừng năm mới, dân làng mở hội ăn uống linh đình, hát hò từ đêm này sang đêm khác. Thế rồi trong men say, các vị thần cai quản vòng quanh cây nêu uống rượu và ăn hết các loại thức ăn mà dân làng mang đến, trong đó có thịt các loài vật mà vợ mình làm linh vật.

Từ trên trời, thần Plinh Huynh nhìn xuống thấy các con của mình vi phạm luật cấm, ông đùng đùng nổi giận và dùng phép lạ để trừng phạt những đứa con phạm phải lời thề.

Trong khi dân làng đang tổ chức lễ hội, ăn uống say sưa bỗng mặt đất ở các ngôi làng bị sụt xuống tạo thành những hố lớn. Từ dưới lòng đất, lửa khói phun lên mù mịt.

Thác Pa Sỹ, một trong những điểm đến nổi tiếng tại khu du lịch sinh thái Măng Đen. Ảnh: ĐỨC NHẬT

Thác Pa Sỹ, một trong những điểm đến nổi tiếng tại khu du lịch sinh thái Măng Đen. Ảnh: ĐỨC NHẬT

Làng mạc, nhà cửa đều chìm trong biển lửa. Những tia lửa bắn vào vách núi tạo thành 3 dòng thác lớn. Nước từ thác đổ xuống dập tắt những ngọn lửa từ các hố sâu và biến chúng thành 7 hồ nước.

7 hồ được gọi theo tên các con của thần Plinh Huynh là: Toong Đam, Toong Rpông, Toong Zơ Ri, Toong Ziu, Toong Săng, Toong Li Lung và Toong Pô. Còn 3 tia lửa tạo thành 3 dòng thác là Pa Sỹ, Đăk Ke và Pne.

Cũng từ câu chuyện này, những người còn sống sót luôn răn dạy con cháu phải giữ trọn lời thề, không thất hứa và biết ơn những người đã hy sinh, bảo vệ sự yên bình cho dân làng.

Măng Đen thu hút khách du lịch bởi vẻ nguyên sơ. Ảnh: ĐỨC NHẬT

Măng Đen thu hút khách du lịch bởi vẻ nguyên sơ. Ảnh: ĐỨC NHẬT

Trung tâm du lịch tầm cỡ quốc gia

Là người dân tộc Mơ Nâm, ông A Tạm, Phó trưởng phòng VH-TT H.Kon Plông, cho biết truyền thuyết "7 hồ, 3 thác" có từ bao giờ chẳng ai rõ. Ngoài câu chuyện ở trên, còn có một số dị bản lưu truyền qua lời kể của người Mơ Nâm ở vùng Măng Đen.

Ngày nay, 7 hồ và 3 thác là một trong những địa điểm thu hút du khách về với Măng Đen. Thế nhưng một số hồ đã cạn nước nên địa phương có chủ trương khôi phục, chỉnh trang nhằm phát triển du lịch. Địa phương đang kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư lớn để xứng tầm với tiềm năng du lịch của vùng đất này.

Cũng theo ông Tạm, đã có một số hồ và thác trên địa bàn được địa phương hoặc cá nhân, tổ chức đầu tư trở thành địa điểm tham quan, du lịch. Dù thế H.Kon Plông vẫn yêu cầu các cá nhân, tổ chức phát triển du lịch song song với gìn giữ môi trường sinh thái. Địa phương cũng tổ chức trồng hơn 12.000 cây mai anh đào để tạo cảnh quan, thu hút du khách và làm xanh hơn mảnh đất Măng Đen.

Hồ Toong Rpông, một trong 7 hồ nước trong truyền thuyết ở vùng đất T’Măng Deeng. Ảnh: ĐỨC NHẬT
Hồ Toong Rpông, một trong 7 hồ nước trong truyền thuyết ở vùng đất T’Măng Deeng. Ảnh: ĐỨC NHẬT

"Sau đại dịch Covid-19, du lịch Măng Đen được nhiều du khách biết và tìm đến. Địa phương ưu tiên phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống. Đặc biệt, người dân rất có ý thức bảo vệ môi trường. Hằng năm, người dân cùng chính quyền thường xuyên dọn dẹp, chỉnh trang lại các tuyến đường để Măng Đen thêm xanh - sạch - đẹp", ông A Tạm chia sẻ.

Theo ông Đặng Quang Hà, Chủ tịch UBND H.Kon Plông, trong năm 2023 đã có 1 triệu du khách đến Măng Đen. Huyện đã và đang đẩy mạnh công tác trồng rừng, duy trì và nâng cao độ che phủ rừng, bảo tồn hệ sinh thái đa dạng, ổn định thời tiết mát mẻ ở địa phương; chú trọng các hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái, trồng hàng nghìn cây hoa, cây xanh tại các tuyến đường phố, công viên, cơ sở lưu trú, điểm du lịch, cơ quan, đơn vị để tạo nét đặc trưng về cảnh quan thiên nhiên ở Măng Đen, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen đến năm 2045. Diện tích nghiên cứu lập quy hoạch gồm TT. Măng Đen và 5 xã: Măng Bút, Đăk Tăng, Măng Cành, Hiếu và Pờ Ê, với tổng cộng trên 90.000 ha. Trong đó, 19.000 ha không có rừng tự nhiên được sử dụng xây dựng các công trình nhà ở, đô thị...; khoảng 71.000 ha rừng tự nhiên được quy hoạch khai thác hoạt động du lịch. Trong tương lai, Măng Đen sẽ trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia và khu vực; thành điểm đến hấp dẫn của vùng Tây nguyên với cảnh quan thiên nhiên phong phú, đa dạng sinh học...

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.