Măng Đen bao giờ bừng sáng? - Kỳ 2: Giữ hồn cho rừng thiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Du lịch cộng đồng không chỉ giúp bảo vệ nguyên vẹn môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn, phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương. Du khách sẽ được ăn, ngủ, trải nghiệm văn hóa của người dân tại chỗ. Bởi vậy, huyện Kon Plông, Kon Tum đã tạo mọi điều kiện, hỗ trợ để người dân Xơ Đăng nơi đây phát triển loại hình du lịch này.

Nghề mới

Du lịch cộng đồng không chỉ mang nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa, mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương. Từ khi được chính quyền hỗ trợ đón khách du lịch, làng Kon Chênh, xã Măng Cành đã hình thành và phát triển tổ liên kết hợp tác du lịch. 24 người trong tổ đều biết đánh cồng chiêng sẵn sàng phục vụ du khách. Ngoài cồng chiêng, múa xoang, tổ hợp tác du lịch còn dẫn khách tham quan trực tiếp trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa như đan lát, dệt thổ cẩm… Nhờ làm du lịch, thu nhập của bà con được nâng lên đáng kể, không còn cảnh phụ thuộc vào cây lúa, củ mì như trước đây.

Người dân ở Măng Đen rất vui khi được đón tiếp hoa hậu H’Hen Niê

Người dân ở Măng Đen rất vui khi được đón tiếp hoa hậu H’Hen Niê

Lần theo các con dốc đứng, đất đỏ gập ghềnh, chúng tôi đến thăm nhà Nghệ nhân ưu tú đan lát A Lễ (67 tuổi), làng Kon Chênh. Căn nhà sàn truyền thống, đơn sơ của ông A Lễ đã bao bọc hai thế hệ. Là một trong những người được xã hỗ trợ đón khách du lịch, ông A Lễ tâm sự: “Mình làm du lịch văn hóa xuất phát từ niềm đam mê giữ gìn bản sắc dân tộc và muốn giới thiệu văn hóa dân tộc mình đến với du khách trong và ngoài nước. Mình luôn khuyên bà con cùng tham gia để khôi phục, giữ nghề truyền thống bởi làng mình còn nhiều người biết tự làm đàn nêu, gùi, trang phục trong lễ hội... Đội cồng chiêng phục vụ du khách đều là con cháu trong làng, vừa giữ gìn được văn hóa dân tộc, mọi người đoàn kết, lại có việc làm cho con cháu”.

Không chỉ chiêng hay, cứ vài hôm ông A Lễ lại gọi con cháu tới nhà để dạy kỹ thuật đan lát. Ông mong rằng thế hệ kế cận phải thật sự yêu và lưu giữ nghề đan lát. Từ cách riêng lựa vật liệu, trau chuốt từng nếp đan, ông Lễ đã có những sản phẩm mang giá trị bản sắc văn hóa riêng của người Xơ Đăng.

Nghệ nhân Ưu tú đan lát A Lễ

Nghệ nhân Ưu tú đan lát A Lễ

Là lớp trẻ đi sau, anh A Nấc (33 tuổi, làng Kon Chênh), chủ “Homestay Hiêm A Nấc” luôn khắc ghi phải giữ được văn hóa cồng chiêng mà cha ông để lại. Anh A Nấc cho biết mình đã học đánh chiêng và múa xoang với các thanh niên trong làng từ khi rất nhỏ. Càng học, lớp thanh niên như anh càng hiểu, thêm yêu nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. “24 người trong tổ hợp tác du lịch luôn sẵn sàng, hễ có đoàn khách du lịch ngỏ ý đặt lịch xem hát múa cồng chiêng chỉ chục phút là huy động đầy đủ. Đây là các nghệ nhân, thanh niên trong làng, mỗi người một sở trường”, anh A Nấc chia sẻ.

Cán bộ tâm huyết

Những món ăn đơn giản, mộc mạc của người Xơ Đăng nhưng lại rất được thực khách ưu chuộng

Những món ăn đơn giản, mộc mạc của người Xơ Đăng nhưng lại rất được thực khách ưu chuộng

Mới đây, làng Vi Rơ Ngheo (xã Đắk Tăng) được UBND tỉnh công nhận làng du lịch cộng đồng. Đến nơi đây chứng kiến thiên nhiên, nhà rông truyền thống, đặc biệt lên đồi lan khiến ai từng đến đều đắm say.

Ông Phạm Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông nhớ mãi thời gian đầu cùng anh em cán bộ huyện tới nhà rông làng Vi Rơ Ngheo bàn với người dân, bàn về du lịch để thay đổi cách làm của người Xơ Đăng nơi đây. Đoàn công tác giải thích rằng khi làm du lịch cộng đồng bà con vừa có công ăn việc làm, vừa bảo tồn giá trị văn hóa xưa nay. Sau đó huyện tổ chức đưa người dân đi các điểm du lịch nổi tiếng ở Hòa Bình, Sơn La, Gia Lai, Cò Gõ Quảng Ngãi... Từ đây ông cùng người dân đúc kết kinh nghiệm để làm nếp nhà sao cho sạch sẽ, gọn gàng. Về, mọi người bắt tay vào việc, biết bài trí căn nhà, khu nào là tiếp khách, khu nào để trồng hoa, rồi đưa lan về nhân giống.

Làng Vi Rơ Ngheo có nét riêng là tận dụng được rất nhiều gỗ cũ bên hồ thủy lợi, nên cả làng tràn ngập các loại lan rừng. Dân và cán bộ đồng lòng làm việc, những hàng rào của nhà nào xấu sẽ được dỡ bỏ. Làng được khôi phục theo văn hóa của dân tộc Xơ Đăng bản địa ở đây từ máng nước, sinh hoạt hằng ngày, ăn uống.

Ông Phạm Văn Thắng cho biết, giờ huyện có 4 làng du lịch cộng đồng với những nét riêng, đặc biệt, đạt tiêu chuẩn để khai thác. Ông thổ lộ, trước đây huyện cũng xây dựng một làng du lịch cộng đồng ở xã Măng Cành. Tuy nhiên, làng này đã bị phá vỡ, thay đổi về kiến trúc bản địa khi người lợp tôn, người lợp ngói. Nguyên nhân phần lớn xuất phát từ việc người nơi khác tới mua bán rồi xây nhà, không tuân theo quy hoạch. Với xã này huyện sẽ xây dựng theo hướng làm riêng cho từng hộ, chứ không phát triển ra cả một thôn như các làng khác.

“Phải tìm hiểu lại văn hóa của người Xơ Đăng, xem trên căn bếp ngày xưa họ có gì, anh em cán bộ phải nghiên cứu, phục dựng lại. Khi làm mới thấy đủ việc, riêng chuyện vận động người dân không nhốt trâu bò trong nhà là cả một vấn đề rồi, bởi vì làm du lịch mà để trong làng sẽ rất bẩn, hôi. Chúng tôi vận động bà con đưa trâu bò ra bìa rừng, ngoài đầm để nuôi nhốt. Khó nhất là khâu phục dựng các lễ hội truyền thống”, ông Thắng chia sẻ.

Khi cơ sở vật chất đâu vào đó, ông Thắng và cán bộ văn hóa huyện tập huấn người dân nơi đây cách làm cơm lam gà nướng. Món ăn tưởng chừng đơn giản này thực tế lại rất khó, bởi đòi hỏi quan trọng nhất chính là nguyên liệu phải của người dân bản địa. Làng thiếu cồng chiêng, lãnh đạo huyện Kon Plông lại phải tìm nguồn xã hội hóa. Để người dân không xung đột về lợi ích, cán bộ huyện phải đưa ra quan điểm, rằng lợi ích phải chia sẻ với cộng đồng, hôm nay nhà này đón khách thì hôm sau nhà khác.

Bằng tình yêu, sự cống hiến, ông Thắng và mọi người đã được đền đáp khi làng Vi Rơ Ngheo đã có 7 nhà đón khách đủ điều kiện, đang xây dựng thêm 57 nhà.

“A Thắng” là cái tên thân thương của người dân Xơ Đăng hay gọi vị Phó Chủ tịch huyện này. Với ông Thắng, phương hướng làm du lịch cộng đồng phải bảo tồn, phục dựng được nguyên bản, từ nhà tới các lễ hội, phong tục tập quán, sinh hoạt hằng ngày. Thứ hai là lợi ích phải chia sẻ cộng đồng. Thứ ba, không được bán đất cho người ngoài, cùng với đó là sự đồng lòng của người dân qua người đứng đầu làng đó. Cái cuối cùng là đầu tư, chỉnh trang, tổ chức ở đó, đón khách, ai đứng ra tổ chức hoạt động, chỉ cho nhà nào làm gì.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.