(GLO)- Cách đây mấy năm, tôi được tham dự đám cưới của người em gái Bahnar ở làng Tờ Nùng (xã Ya Ma, huyện Kông Chro) và ấn tượng mãi. Tôi đã được hòa mình trong một không gian thiêng liêng và ấm áp giữa tình thân chan chứa với những nghi lễ độc đáo, ẩm thực hấp dẫn, trang phục tuyệt đẹp, cồng chiêng và xoang cuốn hút không thể cưỡng lại mỗi khi đội cồng chiêng của làng tấu lên những giai điệu.
Trong không gian ấy, trẻ già, gái trai làng xa, làng gần, khách thân, khách lạ đều cộng cảm hòa đồng chuyện trò, chúc tụng, ăn uống no say và nhảy múa tưng bừng. Khi tan tiệc, ai cũng ngả nghiêng, liêu xiêu, mệt rã rời nhưng tâm trí lâng lâng mãi đến mấy ngày sau mới vợi.
Nghi lễ trao vòng tay trong lễ cưới truyền thống. Ảnh: Internet |
Vừa rồi, tôi lại được người anh Jrai làng Klă (xã Ia Kly, huyện Chư Prông) mời về dự đám cưới đứa con trai thứ 2. Anh là nghệ nhân cồng chiêng, tạc tượng gỗ, gia đình khá giả vì vườn rẫy rộng, gia đình còn kinh doanh dịch vụ âm thanh đám cưới. Tôi cứ ngỡ sẽ được dự một đám cưới truyền thống như ở Tờ Nùng dạo trước. Tuy nhiên, thực tế thì không phải vậy. Đám cưới cháu tôi cũng rạp xanh đỏ, cũng âm nhạc hiện đại ầm ầm, tiệc đãi đủ 7 món từ khai vị đến tráng miệng theo thực đơn tiệc cưới của người Kinh. Chú rể diện vest, cô dâu đầm trắng, đầm đỏ tha thướt lộng lẫy, trang điểm bới tóc kiểu Hàn Quốc. Suốt bữa tiệc, người dự lên tham gia văn nghệ góp vui hát 100% ca khúc nhạc trẻ, bolero đang thịnh hành.
Tôi hỏi anh Rơ Chăm Mít, bố chú rể: Sao không tổ chức cưới theo truyền thống của đồng bào mình? Anh trả lời: Bây giờ cả làng làm cưới cho con cháu như thế này, mình không làm theo sao được. Tuy vậy, nhà anh vẫn mổ bò, mổ heo sau vườn để buổi tối đãi họ hàng, dân làng theo truyền thống ông bà. Tôi là em gái kết nghĩa nên anh mới thân tình bộc bạch hết những chi phí tốn kém cho một tiệc cưới hiện đại. Làm xong là nợ tiền nhiều đấy vì bà con họ hàng đi mừng chẳng đủ chi trả tiền thuê làm rạp, làm tiệc, thuê trang phục, mua nhẫn, mua chăn màn đồ dùng cho đôi uyên ương, tiền mua bò, heo, gạo, rượu nữa… nhưng vẫn phải làm thôi, vì con vui là cha mẹ vui. “Biết là nợ nần phải trả dần rất khổ nhưng cũng phải ráng. Trong làng nhiều nhà cứ nghèo khổ mãi vì lo cưới gả, bỏ mả đấy em ạ”-anh nói.
Trước kia, lễ vật cưới bố mẹ 2 bên gia đình phải chuẩn bị gồm 1 con heo, 1 con bò và 9 con gà, 10 ghè rượu trở lên, nếu có điều kiện càng nhiều càng tốt. Của cải 2 nhà cho đôi vợ chồng gồm: kiềng cổ và coong đeo tay bằng bạc, đồ dệt gồm tấm choàng, chăn, váy, áo, khố... Nghi lễ cưới truyền thống có quy trình chuẩn bị gồm các vật cúng: thịt gà (gan gà, thịt bụng và ức gà, mề gà), thịt heo (gan heo, thịt cổ và bụng heo), thịt bò (gan bò, thịt bụng và đuôi bò). Nghi lễ diễn ra tại nhà rông với 1 cây nêu nhỏ, 9 ghè rượu và cần đến 5 người già trong làng để cúng, tiến hành các bước trong lễ cưới cho đôi trẻ nên duyên vợ chồng. Cúng Yàng trước, sau đó tất cả mọi người mới vào tiệc. Thanh niên trong làng tổ chức đốt lửa, đánh cồng chiêng, múa hát vui chơi suốt đêm.
Nghi lễ cưới truyền thống của người Jrai, Bahnar rất độc đáo. Nếu đồng bào biết giữ gìn và phát triển thì đây sẽ là sản phẩm du lịch đặc trưng. Du khách sẽ không thể quên khi được trải nghiệm những nét đẹp văn hóa độc đáo trong nghi lễ đám cưới truyền thống của đồng bào. Biết cách giữ gìn văn hóa của tộc người để làm du lịch còn tạo được nguồn thu nhập cho dân làng bằng việc bán các sản phẩm lưu niệm như: đồ dệt bằng thổ cẩm, đồ đan lát, nhạc cụ, công cụ sinh hoạt, lao động sản xuất, ẩm thực đặc trưng… Bên cạnh đó, còn góp phần giáo dục, bồi đắp nhân cách đối với thế hệ trẻ.
Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống là cả một quá trình lâu dài, cần công sức của không chỉ cấp ủy, chính quyền mà còn của tất cả cư dân trong cộng đồng dân cư. Chung tay, bền bỉ và cùng nhau làm có tâm, có tầm, đúng hướng, đúng cách sẽ làm cho văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tại các địa phương nói chung, Gia Lai nói riêng được lưu giữ, bảo tồn.
Hoàng Thanh Hương