Lý do ''rót'' tiền làm cao tốc Bắc-Nam mà không mở rộng Quốc lộ 1

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đến năm 2020, nếu không xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông hoặc đường sắt tốc độ cao thì nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc-Nam sẽ vượt quá năng lực giao thông.

 
 Dự án cao tốc Bắc-Nam đang thu hút được nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế quan tâm tham gia sơ tuyển. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Dự án cao tốc Bắc-Nam đang thu hút được nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế quan tâm tham gia sơ tuyển. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)



Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam được đầu tư xây dựng sẽ nâng cao năng lực vận tải, kết nối kinh tế vùng miền và cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đồng thời giải quyết những hạn chế mà các tuyến quốc lộ, đặc biệt Quốc lộ 1, không thể khắc phục.

Đây là nội dung chính được Bộ Giao thông Vận tải gửi đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương trả lời kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.

Vận tải Bắc-Nam vượt quá năng lực hạ tầng

Nhấn mạnh hệ thống kết cấu hạ tầng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, phía Bộ Giao thông Vận tải nhận định, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện tại vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tỷ lệ các công trình hiện đại (như hệ thống đường cao tốc) còn thấp so với các nước trong khu vực và được xác định là điểm nghẽn của quá trình phát triển.

Mặt khác, hành lang vận tải Bắc-Nam kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, đi qua 32 tỉnh và thành phố, kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.

Chỉ tính riêng đoạn Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh đi qua địa phận 20 tỉnh/thành phố, vận tải Bắc-Nam tác động đến 45% dân số, đóng góp 52% tổng sản phẩm trong nước, ảnh hưởng đến 75% các cảng biển loại 1-2 và 67% các khu kinh tế của cả nước và đặc biệt là kết nối 3 vùng kinh tế trọng điểm.

“Với mức độ ảnh hưởng như vậy, có thể nói đây là hành lang vận tải quan trọng nhất, có tính lan tỏa nhất, rất cần thiết phải ưu tiên đầu tư để tạo động lực phát triển kinh tế,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định.

Bên cạnh đó, trên hành lang vận tải Bắc-Nam, nhu cầu vận tải được phân bổ cho cả 5 phương thức vận tải. Kết cấu hạ tầng của 5 phương thức này hầu hết đã, đang được đầu tư hoặc nghiên cứu để đầu tư phù hợp với nhu cầu và nguồn lực. Trong đó, lĩnh vực đường bộ có tính đặc thù linh hoạt cao, đóng vai trò kết nối cho tất cả các phương thức vận tải khác và rất lợi thế đối với vận tải cự ly ngắn và trung bình... nên đường bộ vẫn là hình thức vận tải phổ biến và luôn chiếm thị phần lớn nhất, đặc biệt là vận tải hàng hóa, hành khách với cự ly dưới 300km.

Theo nghiên cứu của các tổ chức tư vấn trong nước và quốc tế, dự báo đến năm 2020 nhu cầu hành khách, hàng hóa trên hành lang vận tải Bắc-Nam là 45,3 triệu hành khách/năm và 62,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Đến năm 2020, nếu không xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông hoặc đường sắt tốc độ cao thì nhu cầu vận tải trên hành lang này sẽ vượt quá so với tổng năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện tại khoảng 5,9 triệu hành khách/năm và 14,5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Đặc biệt đối với một số đoạn có nhu cầu vận tải rất lớn như Cao Bồ (Nam Định)-Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Dầu Giây (Đồng Nai)-Nha Trang (Khánh Hòa)... hiện tại nhu cầu vận tải đã vượt quá khả năng đáp ứng của tuyến Quốc lộ 1 song hành.

Trong khi đường sắt tốc độ cao chưa thể triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định việc đầu tư ngay một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 là không thể trì hoãn.

Giải bài toán hạn chế của Quốc lộ 1

Cho rằng việc hoàn thành nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 với quy mô 4 làn xe đã phát huy hiệu quả đầu tư, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khá rõ rệt, tuy nhiên, phía Bộ Giao thông Vận tải so sánh cũng như các tuyến Quốc lộ khác, Quốc lộ 1 có những hạn chế, tốc độ lưu thông chưa cao, thường xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông.

“Nguyên nhân chủ yếu là do Quốc lộ 1 qua nhiều khu vực đông dân cư. Theo thống kê, chiều dài Quốc lộ 1 qua khu vực đông dân cư chiếm khoảng 48,7%, tốc độ khai thác trung bình chỉ đạt khoảng 40-60km/giờ; thành phần giao thông hỗn hợp, tỷ lệ xe máy cao (môtô, xe máy là loại phương tiện chủ yếu trong các vụ tai nạn, chiếm 70%), đặc biệt các đoạn qua khu vực dân cư, đô thị; các nút giao chủ yếu là giao cùng mức,” báo cáo trả lời của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ.

Với đặc điểm như trên, theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, việc đầu tư mở rộng Quốc lộ 1 mặc dù đã mang lại hiệu quả rõ rệt, tuy nhiên một số đoạn có nhu cầu vận tải lớn đến nay đã vượt quá khả năng đáp ứng. Do đó, chúng ta cần thiết đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông, đáp ứng các tiêu chí năng lực vận tải lớn, tốc độ cao, an toàn, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV đã thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội).

Triển khai Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương liên quan nỗ lực triển khai đầu tư dự án. Đến nay, 3 dự án thành phần đầu tư công đã khởi công những gói thầu đầu tiên; đối với 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức công tư (PPP), Bộ đang tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, dự kiến sẽ khởi công trong năm 2020...

Theo Việt Hùng (Vietnam+)
 

Có thể bạn quan tâm

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.