Lưu Hoàng Sơn: Khát vọng nâng tầm hạt điều Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chỉ sau 3 năm tham gia sản xuất hạt điều tinh chế, Công ty cổ phần Hạt điều Hải Bình Gia Lai (45 Lê Hồng Phong, TP. Pleiku, Gia Lai) do anh Lưu Hoàng Sơn (SN 1989) làm Giám đốc đã tạo dựng được vị thế vững chắc trên thị trường với doanh thu hàng năm khoảng 15 tỷ đồng.    
 Anh Lưu Hoàng Sơn. Ảnh: H.Đ.T
Anh Lưu Hoàng Sơn. Ảnh: H.Đ.T
Sinh ra và lớn lên tại TP. Pleiku, sau khi tốt nghiệp THPT, Lưu Hoàng Sơn thi vào khoa Quản trị kinh doanh của Trường Cao đẳng quốc tế KENT (TP. Hồ Chí Minh). Năm 2011, sau khi tốt nghiệp, Sơn xin vào làm việc tại Công ty bất động sản Hoàng Anh Gia Lai tại TP. Hồ Chí Minh. Đang ổn định công việc với mức thu nhập 20-25 triệu đồng/tháng thì Sơn phải xin nghỉ việc để trở về Pleiku chăm sóc ba bị bệnh và phụ giúp việc kinh doanh của gia đình. Thời điểm ấy, doanh nghiệp của gia đình Sơn đang chuyên thu mua và sơ chế hạt điều.
 Về giúp việc kinh doanh của gia đình được 1 năm, một hôm, trong khi đi mua hàng, Sơn phát hiện hạt điều sơ chế của gia đình mình được đóng gói với mẫu mã đẹp, dán nhãn mác một cơ sở sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh và được bán với giá rất cao. Trở về nhà, Sơn suy nghĩ, tại sao mình có điều kiện thuận lợi mà không chế biến thành phẩm mà chỉ xuất thô. Sau đó, Sơn bàn bạc với gia đình để ra làm riêng, tập trung vào lĩnh vực tinh chế hạt điều. Qua tìm hiểu, Sơn biết hạt điều đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, để hạt điều giữ được nguyên chất và thơm ngon thì phải rang bằng củi. Nghĩ là làm, Sơn quyết định đầu tư máy móc, nhà xưởng, bao bì để sản xuất hạt điều tinh chế. Thương hiệu hạt điều rang củi Hải Bình chính thức ra đời từ đó.

Kinh nghiệm khởi nghiệp của Lưu Hoàng Sơn:
* Phải có quản trị chiến lược lâu dài.
* Xây dựng được thương hiệu.
* Kiên trì và bền chí.
Để quảng bá cho sản phẩm mới của mình, Sơn đã dành nhiều thời gian đi chào hàng ở các tỉnh thành, tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại. Nhờ đó, sản phẩm hạt điều rang củi Hải Bình dần có chỗ đứng trên thị trường. Hiện nay, Công ty cổ phần Hạt điều Hải Bình Gia Lai có 6 loại sản phẩm với nhiều phân khúc hướng đến các đối tượng khách hàng khác nhau. Với chất lượng đảm bảo cùng chiến lược kinh doanh hợp lý, sản phẩm hạt điều rang củi Hải Bình đã có mặt tại hệ thống siêu thị Big C ở Việt Nam và Thái Lan. Mới đây, chuỗi siêu thị Vinmart cũng đã ký thỏa thuận với Công ty cổ phần Hạt điều Hải Bình Gia Lai để cung cấp sản phẩm cho hệ thống 80 siêu thị trên toàn quốc. Nhờ mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm, mỗi năm, Công ty cổ phần Hạt điều Hải Bình Gia Lai tiêu thụ từ 250 đến 300 tấn hạt điều của nông dân trong tỉnh. Doanh thu theo đó cũng không ngừng tăng lên, bình quân mỗi năm đạt hơn 15 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước từ 1,2 tỷ đồng đến 1,5 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho gần 20 lao động với mức lương bình quân 4,5-6 triệu đồng/người/tháng. 
Cuối tháng 7 vừa qua, một tin vui đã đến với Sơn khi sản phẩm hạt điều rang củi của Công ty cổ phần Hạt điều Hải Bình Gia Lai được Cục Công thương địa phương cấp giấy chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Đây là một trong 6 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Gia Lai được cấp giấy chứng nhận và được tham dự bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đi dự cấp quốc gia.  
Để tiếp tục khẳng định thương hiệu trên toàn quốc và có điều kiện vươn ra thị trường quốc tế, mới đây, Công ty cổ phần Hạt điều Hải Bình Gia Lai đã hợp tác với Công ty cổ phần Cà phê Classic nhằm tăng vốn điều lệ, mở rộng quy mô sản xuất và chế biến thêm các sản phẩm từ hạt điều. Hiện nay, Công ty đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để mở rộng nhà xưởng, đầu tư máy móc để đạt chuẩn ISO và HACCP.
Sơn chia sẻ: “Lợi thế thực sự của nông nghiệp Việt Nam phải ở khâu chế biến. Do vậy, để nâng cao giá trị nông sản, đưa sản phẩm vươn ra thị trường toàn cầu thì cần làm tốt khâu chế biến và xây dựng thương hiệu. Đây cũng là mong muốn của tôi trong việc xây dựng một thương hiệu cho sản phẩm hạt điều Gia Lai”.
Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.