Lúng túng về vốn xử lý tình trạng sạt trượt, sụt lún Đường Hồ Chí Minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Công ty Cổ phần BOT và BT Đức Long Đắk Nông cho biết kinh phí để sửa chữa tình trạng sụt lún Đường Hồ Chí Minh dự kiến gần 200 tỷ đồng, thời gian thi công khoảng từ 6-9 tháng.
Một điểm sạt trượt trên Đường Hồ Chí Minh, đoạn qua phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông), hồi đầu tháng 8/2023. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Một điểm sạt trượt trên Đường Hồ Chí Minh, đoạn qua phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông), hồi đầu tháng 8/2023. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông vừa có công văn gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông để tham mưu, đề xuất xin ý kiến về việc xử lý tình trạng sạt trượt Đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14 cũ), đoạn qua phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông).

Theo Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông, sáng 2/8, Đường Hồ Chí Minh tại Km1900+350 đến Km1900+650 đã xảy ra sạt trượt, sụt lún tại một số vị trí. Ban đầu, ngành chức năng chỉ ghi nhận các vết lún, nứt nhỏ nhưng các ngày sau đó tình trạng sạt trượt, sụt lún diễn biến nặng hơn.

Vào cao điểm, các vết nứt có tổng chiều dài hơn 200m, chiều sâu vị trí sạt, trượt cao nhất là 4,5m so với mặt đường, việc lưu thông qua các làn đường này bị chia cắt hoàn toàn từ ngày 5/8.

Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Gia Nghĩa và các ngành chức năng liên quan cắm biển, bảng cảnh báo; điều tiết việc lưu thông qua hai làn đường còn lại (chưa bị ảnh hưởng bởi sạt trượt, sụt lún). Đồng thời, chỉ dẫn các xe tải, xe khách lưu thông qua tuyến tránh đô thị Gia Nghĩa để giảm tải cho đoạn đường này.

Cũng theo Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông, Đường Hồ Chí Minh tại Km 1900+350 đến Km 1900+650 thuộc đoạn tuyến do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Công trình được hoàn chỉnh, đưa vào sử dụng từ năm 2010. Sau đó, đoạn đường ngay được bàn giao cho Công ty Cổ phần BOT và BT Đức Long Đắk Nông quản lý, bảo trì và khai thác, sử dụng.

Sau khi sự cố xảy ra, Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông, Công ty Cổ phần BOT và BT Đức Long Đắk Nông đã mời đơn vị tư vấn để khảo sát, đánh giá, xác định nguyên nhân và đề xuất các phương án, giải pháp khắc phục.

Mục tiêu là đảm bảo ổn định lâu dài cho việc khai thác, sử dụng tuyến đường, đồng thời đảm bảo mỹ quan đô thị vì đây là khu vực “cửa ngõ” của thành phố Gia Nghĩa.

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Hà Sỹ Sơn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông, cho biết đơn vị tư vấn đã đưa ra nhiều giải pháp, phương án để khắc phục sự cố sạt trượt, sụt lún đường Hồ Chí Minh tại Km 1900+350 đến Km 1900+650.

Hiện các đơn vị liên quan đang thống nhất phương án xây dựng sửa chữa; giải phóng mặt bằng; tác động dân sinh… và chưa có dự kiến cụ thể kinh phí, phương án khắc phục.

Tuy nhiên, quan trọng hơn, hiện Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông và các ngành chức năng của tỉnh, các đơn vị, doanh nghiệp liên quan chưa thống nhất được hai nội dung.

Đó là đơn vị chủ trì thực hiện công trình khắc phục sự cố sạt trượt, sụt lún đường Hồ Chí Minh tại Km 1900+350 đến Km 1900+650 và cùng đó là nguồn kinh phí để thực hiện việc khắc phục.

Liên quan tới hai vấn đề này, ngày 14/9 vừa qua, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông đã ký công văn xin ý kiến Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông và các ngành chức năng liên quan để Sở lấy cơ sở thực hiện.

Ông Nguyễn Đình Trạc, Giám đốc Công ty Cổ phần BOT và BT Đức Long Đắk Nông, cho hay đoạn tuyến xảy ra sự cố sạt trượt, sụt lún trên Đường Hồ Chí Minh tại Km 1900+350 đến Km 1900+650 không phải do công ty xây dựng và không nằm trong hợp đồng BOT.

Công ty Cổ phần BOT và BT Đức Long Đắk Nông đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông giao sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng đoạn đường này và các năm qua công ty đã thực hiện tốt, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Sạt trượt trên Đường Hồ Chí Minh, đoạn qua phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông), tháng 8/2023. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Sạt trượt trên Đường Hồ Chí Minh, đoạn qua phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông), tháng 8/2023. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Tuy nhiên, sự cố sạt trượt, sụt lún lần này là khá nghiêm trọng và kinh phí sửa chữa, khắc phục là khá lớn. Hiện đơn vị đang chờ hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền để thực hiện các bước tiếp theo.

Theo một chuyên gia ngành giao thông vận tải, để khắc phục cơ bản sự cố sụt lún, sạt trượt tại vị trí trên đây, cần chuyển đoạn, tuyến này sang kiểu cầu cạn. Kinh phí dự kiến gần 200 tỷ đồng, thời gian thi công khoảng từ 6-9 tháng.

Trước đó, tại buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông vào ngày 7/8 vừa qua, một chuyên gia trong Đoàn Công tác Liên ngành kiểm tra, đánh giá tình hình lũ, ngập lụt và sạt lở tại tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng đã khuyến cáo quá trình xử lý sự cố sạt, trượt tại đoạn đường nêu trên phải lưu ý việc thoát nước ngang cho tuyến đường và hạn chế nước từ vị trí cao tập trung vào đoạn đường bị sạt trượt, sụt lún.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống Thiên tai chỉ đạo Đắk Nông phải tính toán, khảo sát kỹ trong quá trình khắc phục sự cố sạt trượt, sụt lún.

Đồng thời, khẩn trương thực hiện vì đây là tuyến giao thông huyết mạch, nằm ở cửa ngõ đô thị Gia Nghĩa. Liên quan tới sự cố sạt trượt, sụt lún tại đây, ngày 8/8, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông đã công bố đây là một trong ba khu vực khẩn cấp về thiên tai để ứng phó, khắc phục.

Có thể bạn quan tâm

Kẹt xe kéo dài gần 20 km tại đèo An Khê. Ảnh: Ngọc Minh

Kẹt xe kéo dài gần 20km trên quốc lộ 19 tại đèo An Khê

(GLO)- Ngày 12-12, tại đèo An Khê nối tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, hàng trăm chiếc ô tô con, xe khách, xe tải, container bị mắc kẹt kéo dài gần 20 km nhiều giờ liền. Nguyên nhân giữa đèo có hố nước sâu khiến các phương tiện không thể lưu thông qua lại.

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hương (tổ 2, phường Ngô Mây) tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến đất để mở rộng đường. Ảnh: M.N

An Khê huy động nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông

(GLO)- Những năm qua, thị xã An Khê đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông từ nội thị đến nông thôn. Nhờ đó, mạng lưới giao thông được kết nối, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, đi lại của người dân và giúp địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.