Việc lựa chọn các đầu SGK từ nhiều bộ khác nhau bước đầu thể hiện tính dân chủ trong quá trình lựa chọn. Tuy nhiên, một số địa phương có 100% trường chọn 1 bộ SGK cũng đã dấy lên những lo ngại về tính khách quan trong quá trình chọn sách.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), 63 tỉnh thành trên cả nước đã gửi báo cáo kết quả lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới về Bộ. Từ kết quả lựa chọn SGK của các địa phương cho thấy, trong 46 đầu SGK được phân thành 5 bộ, 61 địa phương chọn các đầu SGK của từ 3 bộ SGK trở lên, trong đó 35 tỉnh chọn SGK của đầy đủ cả 5 bộ. Việc lựa chọn các đầu SGK từ nhiều bộ khác nhau bước đầu thể hiện tính dân chủ trong quá trình lựa chọn. Tuy nhiên, một số địa phương có 100% trường chọn 1 bộ SGK cũng đã dấy lên những lo ngại về tính khách quan trong quá trình chọn sách.
Tất cả 46 sách giáo khoa đã phê duyệt đều được lựa chọn
Bà Nguyễn Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: Sau khi có văn bản hướng dẫn lựa chọn SGK từ Bộ GD&ĐT cũng như Sở GD&ĐT Hà Nội, trường đã lập các tổ, nhóm, hội đồng chọn sách.
Từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 sẽ được học theo SGK mới. (Ảnh minh họa)
Theo đó, hội đồng có thể chọn theo bộ hoặc từng cuốn ở các bộ khác nhau. Sau quá trình chọn lựa nghiêm túc, Hội đồng quyết định chọn bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Trường Tiểu học Dịch Vọng A, quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã hoàn thành việc chọn SGK lớp 1 mới. Theo đại diện nhà trường, trên tinh thần không áp đặt, tôn trọng mọi quyết định lựa chọn của các thành viên hội đồng, giáo viên, phụ huynh, Hội đồng chọn sách của nhà trường tiến hành lập biên bản từng sự lựa chọn, sau đó tổng hợp và ra quyết định cuối cùng.
Sau khi bỏ phiếu, có kết quả 9/11 phiếu bầu chọn cho bộ sách “Cánh diều" của NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh và NXB Đại học Sư phạm. Còn theo kết quả lựa chọn SGK lớp 1 của Trường Marie Curie Hà Nội, nhà trường đã chọn xong sách của 9 môn học và các sách này nằm ở ba bộ sách khác nhau.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho rằng: Kết quả chọn SGK lớp 1 trên toàn quận cho thấy, không tập trung vào một bộ sách nào quá nhiều, hầu như bộ sách nào cũng được lựa chọn. Trong một trường thường có sách của 2 đến 3 bộ sách. Cũng theo bà Hằng, kết quả này có được là do các nhà trường làm việc theo đúng tiêu chí quy định. Các nhà trường, giáo viên nghiên cứu, đưa ra ý kiến, sau đó tổng hợp kết quả lựa chọn gửi lên Phòng GD&ĐT, rồi Phòng GD&ĐT lại gửi lên Sở GD&ĐT…
TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT đã nhận được công văn của 63 Sở GD&ĐT, báo cáo kết quả lựa chọn SGK của các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, rà soát, Bộ GD&ĐT đánh giá, tất cả các trường đã thực hiện đúng theo tinh thần của Thông tư số 01 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Phân tích kết quả báo cáo của các Sở GD&ĐT cho thấy, tất cả 46 SGK được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt, đều được lựa chọn. 61 địa phương chọn ít nhất SGK từ 3 bộ sách trở lên, tính cả SGK môn tự chọn tiếng Anh; trong đó 35 tỉnh chọn SGK của cả 5 bộ.
“Việc 46 SGK đều được lựa chọn chứng minh chất lượng SGK là đồng đều, công tác thẩm định và phê duyệt SGK đã đảm bảo hiệu quả, chất lượng.Việc các nhà trường chọn nhiều đầu SGK từ các bộ khác nhau thể hiện tính dân chủ, khách quan trong quá trình lựa chọn; đồng thời cho thấy cơ sở giáo dục đã nghiên cứu kỹ lưỡng SGK nên chọn được đầu sách theo từng môn học, phù hợp với điều kiện và cơ sở vật chất dạy học của nhà trường” - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học nhấn mạnh.
Có bất thường khi 100% các trường chỉ chọn 1 bộ SGK?
Khi thông tin kết quả chọn SGK được công bố, trong đó có tỉnh báo cáo có đến 100% các trường chọn một bộ sách khiến nhiều người hoài nghi về sự khách quan trong công tác này. Đơn cử, tại tỉnh Long An 100% các trường tiểu học của tỉnh này sẽ sử dụng sách “Cánh diều” của NXB ĐH Sư phạm, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Còn tỉnh Khánh Hòa có 100% trường học trên địa bàn chọn bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” của NXB Giáo dục Việt Nam.
Đặc biệt, tại TP Hồ Chí Minh, bộ sách “Chân trời sáng tạo” của NXB Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh biên soạn được lựa chọn nhiều nhất ở 9 đầu sách với số lượng áp đảo so với 4 bộ sách còn lại. Điều cũng khiến dư luận đặt dấu hỏi về sự khách quan trong quá trình chọn sách khi từ năm 2015, NXB Giáo dục Việt Nam đã chi trả thù lao cho một số lãnh đạo sở, lãnh đạo một số phòng ban thuộc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh để biên soạn bộ sách này.
Trước những băn khoăn của dư luận, Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết: Trong số 63 địa phương gửi kết quả chọn sách về Bộ, có 2 tỉnh “hơi khác” với mặt bằng chung so với các địa phương còn lại là Long An, Khánh Hòa khi 100% các trường chỉ 1 bộ.
Trong đó, Long An chọn bộ sách “Cánh diều” của NXB Sư phạm Hà Nội và NXB ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh; Khánh Hòa chọn bộ “Kết nối tri thức” của NXB Giáo dục Việt Nam. Bộ GD&ĐT đã yêu cầu hai địa phương gửi toàn bộ quy trình thực hiện chọn sách và các hồ sơ liên quan. Tại Long An, theo báo cáo của Sở GD&ĐT, tỷ lệ các trường chọn bộ SGK “Cánh diều” là khoảng hơn 70%.
Nhưng sau đó Sở đã làm tờ trình UBND tỉnh xin ý kiến chọn 1 bộ SGK được các trường lựa chọn tỷ lệ cao nhất để dùng chung cho tỉnh. Bộ đã có ý kiến và Sở Long An đã cam kết là thực hiện đúng tôn trọng kết quả các trường gửi về.
Còn với tỉnh Khánh Hòa, khi tiếp cận hồ sơ của các phòng GD&ĐT tập hợp kết quả lựa chọn SGK của các trường gửi về Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT nhận thấy tất cả đều lựa chọn 1 bộ SGK cho 8 môn bắt buộc. Riêng môn Tiếng Anh các nhà trường chọn SGK của NXB khác.
Điều này cho thấy Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa đã tôn trọng quyết định lựa chọn của cơ sở và báo cáo trung thực về UBND tỉnh và Bộ GD&ĐT. Tuy vậy, Bộ GD&ĐT vẫn yêu cầu Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa rà soát toàn bộ quy trình lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục phổ thông.
Liên quan đến bộ sách “Chân trời sáng tạo” áp đảo trong 5 bộ SGK được lựa chọn tại TP Hồ Chí Minh, ông Thái Văn Tài cho rằng: Nhìn tổng thể SGK của cả 5 bộ đều được lựa chọn. Riêng bộ “Chân trời sáng tạo” của NXB Giáo dục Việt Nam có tỷ lệ cao hơn do đây là bộ sách đầu tiên và duy nhất được biên soạn bởi tập thể tác giả phía Nam.
Với lý do này nên các kênh hình, kênh chữ sử dụng trong SGK mang đậm đặc trưng vùng Nam bộ. Nét đặc trưng như thế sẽ tạo thuận lợi trong học tập cho học sinh khu vực phía Nam.
“Trên thực tế, có nhiều địa phương cũng lựa chọn một bộ sách nào đó nhiều hơn những bộ còn lại. Chúng ta phải công bằng khi phán xét một vấn đề, cần tìm hiểu quy trình có sai không? Có chỉ đạo gì sai không? Khi kết quả làm đúng, quy trình làm đúng, không có chỉ đạo sai, phải tôn trọng quyền lựa chọn của giáo viên và phải ghi nhận quyền này. Không nên có suy diễn làm tổn thương đến thầy cô trong quá trình lao động vất vả này” - ông Tài nêu quan điểm.
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học, nguyên Phó trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, cho rằng: Có tất cả 5 bộ sách nghĩa là có hàng chục quyển SGK và giáo viên được phép chọn quyển nào phù hợp với học sinh của mình,với điều kiện và cơ sở vật chất dạy học của nhà trường.
Việc địa phương bắt 100% các trường trên địa bàn phải chọn cùng 1 bộ SGK là đi ngược với mục tiêu của việc Quốc hội quyết định cho phép xã hội hóa biên soạn và có nhiều SGK để các nhà trường lựa chọn. Do vậy, cần tôn trọng quyết định của giáo viên, cơ sở giáo dục trong việc lựa chọn SGK bởi giáo viên, nhà trường chính là người hiểu cuốn sách nào phù hợp nhất và chịu trách nhiệm chính về chất lượng giáo dục của học sinh, của nhà trường.
Huyền Thanh (Công an nhân dân Online)