Lớp học trên sân thượng của thạc sĩ Thái

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lớp học này dành cho sinh viên chuyên ngành xây dựng sắp tốt nghiệp, ở sân thượng của một chung cư cũ trên đường Điện Biên Phủ, Q.10, TP.HCM.
 
Lớp học nằm trên sân thượng của một chung cư cũ. Ảnh: Trung Hiếu
Dạy vì muốn giữ kiến thức được học
Lớp học do thạc sĩ Phạm Quốc Thái (26 tuổi, hiện làm việc tại Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM) đứng lớp. Anh Thái là nhân vật trong loạt bài Lãng phí người tài: Du học thạc sĩ, về làm nhập liệu! trên Báo Thanh Niên.
Năm 2017, Thái giành được học bổng thạc sĩ ở Mỹ do UBND TP.HCM phối hợp với Tập đoàn Intel tổ chức để xây dựng nhân sự cho đề án đô thị thông minh của TP. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ở Mỹ, tháng 11.2018, anh Thái được phân công về Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP với mức lương… 2,8 triệu đồng. Mức lương quá thấp khiến Thái nghĩ đến việc mở lớp học để kiếm thêm thu nhập. Anh hầu như không nề hà việc gì miễn có thu nhập chính đáng để trang trải cuộc sống hằng ngày.
Trước đó những ngày cuối tuần được nghỉ, Thái bắt xe buýt đi cả trăm cây số lên Tây Ninh dạy thêm cho một dự án của nước ngoài, thậm chí có lúc Thái đã phải chạy GrabBike.
“Tuy nhiên, lý do chính để tôi mở lớp là xuất phát từ nhu cầu thực của sinh viên ngành xây dựng sắp ra trường, chuẩn bị đi làm. Tôi thấy những sinh viên năm cuối thường thiếu kiến thức, kỹ năng để làm khóa luận tốt nghiệp; còn những em mới ra trường lại chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế, phương pháp tư duy giải quyết vấn đề khi đi làm. Tôi may mắn từng có thời gian học ở Singapore, sau này học thạc sĩ ở Mỹ nên muốn truyền đạt kinh nghiệm cho các em”, anh Thái nói và tâm sự thêm, lớp học cũng là nơi để ôn lại kiến thức chuyên ngành xây dựng, bởi công việc hiện tại của anh không hề liên quan đến chuyên ngành xây dựng được học ở Đại học Bách khoa TP.HCM.
 
Thạc sĩ Phạm Quốc Thái (áo sọc) đang giảng cho sinh viên
Tháng 3.2019, anh Thái bàn với anh Đặng Văn Hợi (bạn ở trọ, từng học Đại học Bách khoa TP.HCM và hiện đang học thạc sĩ chuyên ngành xây dựng ở Ý) mở lớp học. Đầu tiên, cả hai phải thuyết phục cô chủ nhà trọ cho thuê lại khoảnh sân thượng của chung cư, sau đó tự đóng bàn ghế, lắp đặt hệ thống điện, mạng internet, hệ thống máy chiếu kéo lên sân thượng và cuối cùng là… chiêu sinh. Nhờ ngày xưa hoạt động Đoàn có nhiều mối quan hệ ở trường và thêm chút “danh tiếng học giỏi” khi học Đại học Bách khoa TP.HCM, chỉ trong thời gian ngắn, khóa đầu tiên chiêu sinh được hơn 10 cử nhân tài năng ngành xây dựng Đại học Bách khoa có nhu cầu bổ sung kiến thức để làm khóa luận tốt nghiệp. Mỗi tuần Thái và Hợi dạy 2 buổi, một buổi tối dạy trực tiếp, một buổi dạy qua mạng. Một khóa học kéo dài 3 - 4 tháng với học phí chừng 2,5 triệu đồng/học viên. Cả hai “thầy giáo” bao đậu… khóa luận, nghĩa là học viên sau khi “tốt nghiệp” bảo đảm dư kiến thức, tự tin làm luận văn tốt nghiệp với điểm số cao.
Học trò làm tốt nghiệp điểm cao nhất khóa
Lớp đầu tiên tuyển sinh được chừng 1 tháng, cả hai lại mở tiếp lớp thứ hai. Tiếng lành đồn xa, không chỉ sinh viên năm cuối Đại học Bách khoa TP.HCM mà sinh viên trường khác cũng đăng ký học. Một số người mới ra trường đã đi làm cũng tham gia học để nhờ “thầy Thái” chỉ giáo kinh nghiệm. Đến nay, Thái đã mở được 4 lớp với hơn 40 học viên. Hiện việc đứng lớp chính do “thầy Thái” thực hiện vì “thầy Hợi” sau một thời gian giảng dạy đã nhận được học bổng thạc sĩ du học ở Ý nên chỉ dạy qua online với những chuyên đề xây dựng vốn là sở trường của mình.
 
Anh Đặng Văn Hợi ở Ý đang “livestream” dạy sinh viên
“Lớp thứ nhất có bạn Đinh Đình Độ có điểm luận văn đạt 9,5 điểm, cao nhất Khoa Xây dựng Đại học Bách khoa năm vừa rồi, một bạn có điểm trung bình 4 năm học cao nhất khoa. Dạy ở lớp có cái vui là giúp đỡ các bạn về kiến thức, kinh nghiệm, nhưng cũng học được các bạn nhiều điều”, anh Thái cho hay. Ngoài các lớp hướng dẫn làm luận văn, Thái còn lên kế hoạch mở lớp tiếng Anh chuyên ngành kỹ thuật, lớp online dạy những sinh viên ra trường đi làm nhưng thích học thêm và đặc biệt có nhu cầu đi du học. Bên cạnh đó, anh Thái cũng cố gắng giới thiệu những sinh viên giỏi với nhà tuyển dụng để sau khi ra trường các em có việc làm ổn định.
Chúng tôi ghé lớp học của Thái vào buổi tối cuối tháng 10.2019. Lúc này, Thái đang chuẩn bị bàn ghế, máy chiếu cho lớp học. Lớp rộng chừng 20 m2, nằm trên cao, hầu như tách biệt với không khí náo nhiệt Sài Gòn. Gần 7 giờ tối, các học viên lục tục đến rồi tự chọn cho mình chỗ ngồi phù hợp. Khi dạy, “thầy giáo” Thái xưng “anh” gọi sinh viên là “mấy đứa”. “Mấy đứa” có thể hỏi anh Thái đủ chuyện trên đời, từ kiến thức luận văn, chuyện đi làm đến những điều gần gũi trong cuộc sống hằng ngày. Lâu lâu lớp lại vang lên tiếng cười khi cả “thầy và trò” chọn được chủ đề yêu thích sôi nổi bàn luận. Gần 8 giờ tối, lớp học “livestream” (phát trực tiếp) để “thầy Hợi” đang ở Ý giảng bài. Giờ giải lao, “thầy Thái” mở mấy bản nhạc của Đen Vâu để học trò nghe giải trí.
Hôm chúng tôi đến trời mưa to. Mái hiên sân thượng không đủ che, mưa tạt tứ bề khiến buổi học bị gián đoạn. Thầy ôm máy chiếu, trò ôm laptop, khoác ba lô chạy nép ở cầu thang trú mưa. Một số trò ham học nán lại “truy vấn” thầy Thái những điểm mình chưa hiểu. Cả thầy và trò tạm quên đi cơn mưa nặng hạt, say mê nói về bài giảng, những ước mơ, dự tính cho công việc sau này… Một sinh viên muốn anh Thái phát biểu cảm nghĩ khi từng học rất giỏi, đi du học ở Mỹ nhưng về làm nhà nước lương chưa tới 3 triệu đồng/tháng. Thái không trả lời thẳng mà chỉ cho biết đã có dự tính cho tương lai. Thời gian tới Thái cố gắng làm tốt công việc nhà nước mà trước đó đi du học đã cam kết.
Mưa tạnh, bàn ghế được lau khô, lớp học lại tiếp tục và kéo dài đến gần 10 giờ tối mới kết thúc.
Lương từ 2,8 triệu được nâng lên 3 triệu đồng/tháng
Tháng 10.2018, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ở Đại học bang Arizona (Mỹ), Phạm Quốc Thái cùng với 5 người được UBND TP.HCM bố trí về các sở ngành. Theo thỏa thuận, 6 thạc sĩ này phải làm việc ít nhất 3 năm cho dự án đô thị thông minh của TP.
Trong số này, có 2 người về Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn thuộc Sở GTVT với mức thu nhập hơn 8 triệu đồng/tháng, 4 người còn lại được phân về Sở Xây dựng, Sở TN-MT, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP với thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng. Anh Thái có mức lương thấp nhất - 2,8 triệu đồng/tháng. Ngoài thu nhập thấp, một số người bị bố trí công việc không phù hợp với chuyên ngành được học.
Những bất cập nói trên được Báo Thanh Niên phản ánh trong loạt bài Lãng phí người tài: Du học thạc sĩ, về làm nhập liệu!. Sau khi Báo Thanh Niên đăng tải, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chỉ đạo phải tạo điều kiện trong công việc cho 6 thạc sĩ. UBND TP có nhiều cuộc họp và tác động để 6 thạc sĩ nhanh chóng vào công chức tập sự. Riêng anh Thái được hứa sẽ chuyển sang Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.

Tuy nhiên, TP đưa ra quy định phải sau 1 năm công chức tập sự, anh Thái mới được chuyển sang công việc mới. Hiện thu nhập của anh Thái tăng hơn trước chút đỉnh, khoảng 3 triệu đồng/tháng.

Trung Hiếu (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.