Lớp học nơi lưng chừng trời

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Ai đi huyện cuối đường Trạm Tấu (Yên Bái), cách thị trấn 5 km nhìn sang tay phải thấy một con đường mòn dốc ngược toàn vết chân trâu. Đó là đường lên bản Tà Lù Đằng (xã Xà Hồ, Trạm Tấu) chon von lưng núi Pú Luông của dãy Hoàng Liên Sơn, ít người biết.

“Đường dành cho thầy cô giáo và con trâu, con bò”

Đỗ Văn Khanh, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Trạm Tấu, người cao gầy nhưng phăm phăm cày nát các điểm trường trong huyện, bảo: Toàn huyện có hơn chục điểm tạm bợ tranh tre nứa lá, trong đó Tà Lù Đằng đứng đầu về mức độ khó khăn. Bản nằm xa đỉnh Tà Chì Nhù cao 2.900 mét được dân phượt gọi là “đỉnh cao thứ 7 Việt Nam”. Người Kinh vào bản duy nhất là giáo viên.

 

Học sinh mầm non Tà Lù Đằng giờ tan học.
Học sinh mầm non Tà Lù Đằng giờ tan học.

“Đường này chỉ dành cho thầy cô giáo và con trâu, con bò”, ông Mùa A Dế, Chủ tịch UBND xã Xà Hồ, vừa hùng hục đẩy chiếc xe Win ngược dốc 15 độ vừa toang toác cười: “Năm rồi có dự án làm đường giao thông nông thôn nên mới xin được tiền bổ núi, phát cây làm đường. Trước đấy, con ngựa thồ ngô từ bản xuống đường, lên cũng đi lạc”.

Trước khi lên Tà Lù Đằng, cô giáo Trần Thị Thoa, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Hồng của xã Xà Hồ, gọi điện bảo: “Trời nắng, có thể đi xe máy trong 40 phút. Còn mưa, phải đi bộ 3 tiếng”. Hôm lên, may có nắng nên thầy giáo tiểu học Nguyễn Văn Hồng, thâm niên 18 năm dạy học vùng cao, mới dám lấy xe máy chở tôi trên con đường vòng sườn núi, lách trên miệng vực, ào qua lòng suối, nhảy tưng tưng vì đá hộc.

Bản Tà Lù Đằng nằm cách đường tỉnh lộ 7 km, ở tít trên cao. 50 hộ dân với 318 nhân khẩu người Mông sống nhờ vào những nương ngô còi cọc, phần sống thì ít, phần chết nhiều vì sương muối. Năm nay ngô được giá, những... 29.000 đồng/yến (10 kg). Giá ấy là phải mang xuống đường giao tận thùng xe cho thương lái, chứ có cho không cũng chẳng ai lên lấy. Sùng A Khay, 30 tuổi, là trưởng bản, nói: “Bản này 100% hộ nghèo. Ai giàu nhất mới có xe máy, nhưng giàu thì cũng chỉ ăn cơm với ngô”. Đến bản, tôi hỏi chuyện điện đóm, ai cũng ngơ ngác. Chủ tịch xã Mùa A Dế buồn buồn: “Điện có rồi, ở dưới đường ấy”, và giải thích: “Không đưa trạm hạ thế lên được vì xa quá. Kéo dây lên thì phải nhiều cột và quá hao”.

Lớp mầm non giữa bản heo hút

Điểm trường mầm non Tà Lù Đằng nằm giữa bản. Căn nhà thấp xiêu vẹo, vách gỗ đen đúa cách nhau cả nắm tay, mái fibro xi măng thủng lỗ chỗ chiếu xuống nền đất vô số đốm nắng. Gian rộng nhất làm lớp học với mấy bộ bàn ghế mùn xỉn. Gian bé hơn kê mấy tấm gỗ trên ghế và gọi là chỗ ở cho giáo viên cắm bản.

Những căn nhà lưng chừng núi của người Mông, dù có xây dựng kiên cố thế nào, chỉ vài mùa mưa nắng là xám xịt, ọp ẹp. Lớp học này lại ọp ẹp hơn.

Lý do cũng chỉ vì năm trước, không biết người ta cải tiến kiểu gì mà lùa hết học sinh mầm non về điểm chính để học. Mà ở cái bản heo hút này, nhà gần điểm trường nhưng mưa lạnh đường trơn, mùa thu hoạch bận bịu, dịp lễ tết la đà rượu chè… là người dân cho con cháu nghỉ học khiến các cô giáo rạc cẳng đến nhà vận động.

Còn bây giờ phải đưa con từ bản xuống đường 7 km, rồi đi tiếp 5 km đến điểm chính, mỗi ngày 2 buổi đưa đón là mất toi công việc của một người lớn trong nhà. Thế là học sinh đua nhau nghỉ học, em nào chăm nhất cũng chỉ đến lớp 3 - 4 lần/tuần. Giáo viên lo lắng, ban giám hiệu ăn không ngon ngủ không yên, lãnh đạo phòng đành xin năm học 2017 - 2018 dạy lại mầm non ở các điểm bản.

Riêng Tà Lù Đằng cử lên 2 cô giáo có kinh nghiệm là Lương Thị Dom (27 tuổi, nhà ở TT.Trạm Tấu) và Đoàn Thị Xuyên, ai cũng biết tên.

Người gieo chữ cùng cực

 

Cô giáo Đoàn Thị Xuyên chăm sóc học sinh mầm non.
Cô giáo Đoàn Thị Xuyên chăm sóc học sinh mầm non.

Cô giáo Đoàn Thị Xuyên, 31 tuổi, quê Sơn La, sau đó sang Phú Thọ ở với bố mẹ nuôi học trung cấp mầm non trong Trường đại học Hùng Vương. Năm 2009 ra trường nhưng không xin được chỗ dạy, cô về làm tạp vụ tại Ban Quản lý vườn quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ), đến 2012 mới chính thức xin được chỗ dạy mầm non ở xã Xà Hồ (Trạm Tấu, Yên Bái). Cô được điều lên dạy trên điểm trường Háng Xê và trong năm 2013 lấy chồng làm thợ mộc ở H.Văn Chấn, sinh con trai đầu tên Đồng Duy Hiếu, tới năm ngoái sinh tiếp bé trai tên Đồng Duy Tuấn.

Nói chuyện hoàn cảnh, giờ Xuyên có lẽ đứng đầu trong số các giáo viên trong xã. Năm 2013 khi đang dạy ở Háng Xê, Xuyên sinh con và sau thời gian nghỉ lại ôm con lên dạy học. Mẹ chồng là bà Hà Thị Chiếng (khi đó 72 tuổi) phải rời nhà ở thôn Đồng Ban (xã Xuân Thịnh, H.Văn Chấn, Yên Bái) lên trông cháu cho con dạy học. Hết 1 năm, Xuyên được chuyển về điểm chính bán trú Tà Ghênh, năm học sau (2016 - 2017) lại lên điểm trường trên bản Suối Giao, bà Chiếng vẫn kiên nhẫn đi theo trông cháu, chấp nhận cuộc sống ăn ở tạm bợ tập thể, thiếu từng chỗ tắm, chiếc chiếu nằm. Tháng 9.2016, khi cô Xuyên sinh cu Tuấn, vẫn một tay bà Chiếng chăm con dâu mới sinh và cháu trai, riêng cu Hiếu thì mẹ cho theo lên lớp học cùng mẹ, vừa học vừa khóc tỉ ti.

“Nhiều khi em cảm giác như bị giời đầy. Khổ đến cùng cực”, Xuyên nói với tôi trong quãng đường xuống núi buổi chiều. Thấy tôi thở dài, cô quay lại an ủi: “Tại anh mới nghe cứ tưởng vậy thôi, chứ tụi em công tác lâu, quen rồi!”. Ít ai biết, bước vào năm học mới 2017 - 2018, ngay từ giữa tháng 8 khi được giao giảng dạy tại điểm trường Tà Lù Đằng, cô giáo Xuyên lại dắt mẹ chồng 76 tuổi ôm cu Tuấn (chưa đầy 1 tuổi) cùng chăn chiếu, quần áo, nồi niêu… ngược núi Pú Luông. Lên điểm trường, thấy bỏ hoang cả năm, không điện nước, phòng ở, cô lại đưa cả nhà xuống đường, xin ở nhờ nhà Trưởng thôn Mùa A Khay.

Năm trước, cứ cuối tuần là anh Đồng Văn Hưởng, chồng Xuyên lại chạy xe máy từ xã Xuân Thịnh (H.Văn Chấn, Yên Bái) trên quãng đường núi 40 km để lên thăm mẹ, vợ và 2 con trai. Năm nay cu Hiếu đã lớn, phải về ở với bố. Cuối tuần, hai bố con lại lóc cóc xe máy lên Tà Lù Đằng ở lưng chừng trời, sum họp gia đình trong 2 ngày 1 đêm, rồi lại lọc cọc về, đợi tuần sau sum họp.

Khi tôi viết những dòng này, gọi điện cho Xuyên hỏi chuyện. Cô kể trong tiếng mưa rừng ào ạt: “Dạo này mưa suốt, lớp dột khắp nơi. Em dậy từ 4 giờ sáng cho con bú, đi bộ 7 km lên điểm trường vừa kịp đón trẻ. 16 giờ chiều về, 18 giờ tối đến nhà, kịp cho cu Tuấn bú mẹ. Cuối tháng phải dọn lên bản, ăn ở tạm bợ cũng cố chịu. Mỗi ngày đi bộ 5 - 6 tiếng đồng hồ, mệt lắm anh ơi!”. Tôi bảo: “Mưa vầy, xuống núi sớm đi kẻo lũ quét ngang đường mòn”. Lại nghe tiếng cười phía bên kia: “Đợi phụ huynh đến đón hết mới về. Bọn trẻ bé như con mình, thả về không yên tâm. Tụi em dùng đèn điện thoại soi đường, cũng được. Xuống núi có 2 tiếng thôi”.

Mai Thanh Hải/thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.