(GLO)- Gia Lai hiện có trên 3.300 doanh nghiệp. Đây được coi là môi trường thu hút đông lực lượng lao động đa ngành, đa nghề, đa trình độ. Tuy nhiên, những năm qua, nguồn nhân lực tỉnh ta lại chưa tìm được ngành nghề phù hợp với năng lực, trình độ. Vậy đâu là nguyên nhân?
Khó tiếp cận với ngành nghề phù hợp
Theo thống kê của Sở Giáo dục-Đào tạo, mỗi năm tỉnh ta có khoảng gần 5.000 học sinh tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng; còn riêng lao động qua đào tạo nghề hàng năm ra trường khoảng gần 1.000 người. Với trên 3.300 doanh nghiệp đang hoạt động, nhiều khu kinh tế trọng điểm đang được đầu tư, nhiều nhà máy thủy điện lớn đứng chân trên địa bàn, Gia Lai là môi trường hấp dẫn về cơ hội tìm việc làm cho lao động trong, ngoài tỉnh.
Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long-Chi nhánh Gia Lai tư vấn và tuyển dụng lao động tại Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai. Ảnh: Đinh Yến |
Tuy nhiên, thống kê của Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh thời gian qua, cho thấy: Hàng năm, tỉnh ta có khoảng 5.000 sinh viên nhưng tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề rất thấp. Tại sàn giao dịch việc làm tỉnh, từ tháng 6 đến tháng 9-2014, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ tuyển dụng trực tiếp 233 lao động, trong đó có trên 100 lao động được tuyển dụng có trình độ đại học, cao đẳng, nhưng các lao động này làm những việc không phù hợp với ngành nghề đã học. Mặt khác, hiện nay các doanh nghiệp phần lớn có nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ từ cao đẳng-trung cấp nghề trở xuống nhiều hơn, đặc biệt là cần lao động phổ thông và lao động có bằng nghề nhiều hơn, đặc biệt là cần lao động phổ thông và lao động có bằng nghề.
Ông Trần Thanh Hải-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh, phân tích: Việc sinh viên ra trường thất nghiệp và thiếu việc làm cần nhìn ở nhiều góc độ khác nhau. Vấn đề quan trọng đầu tiên là hầu như nguồn nhân lực, nhất là những lao động đã qua đào tạo về ứng dụng thực tế còn hạn chế nên không đáp ứng được yêu cầu công việc của doanh nghiệp trong quá trình phỏng vấn. Mặt khác, khi lao động trúng tuyển vào làm việc chính thức, doanh nghiệp vẫn phải đào tạo kỹ năng nghề, kỹ năng làm việc cho người lao động để thích nghi với môi trường làm việc của doanh nghiệp. Do đó, trong quá trình tìm việc làm, người lao động khó tìm được việc làm đúng với ngành nghề được đào tạo.
Hơn nữa, do gặp khó khăn chung nên các đơn vị, doanh nghiệp tìm cách cắt giảm nhân lực. Chúng tôi có mặt tại buổi tư vấn giới thiệu việc làm của Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai mới thấy được giá trị của việc học nghề hiện nay. Tại 4 bàn tư vấn tuyển dụng học viên sau khi tốt nghiệp của các công ty: Công ty cổ phần Sông Đà 3, Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long-Chi nhánh Gia Lai, cho thấy, những học sinh học các nghề điện, hàn được Công ty hẹn tuyển dụng ngay. Ngược lại những sinh viên học kế toán ra trường không tìm được việc làm vì vị trí việc làm này đã bão hòa.
Về vấn đề này, ông Trần Văn Kiệm-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai, cho rằng: Ngoài những hạn chế của việc dạy và học hiện nay, một nguyên nhân quan trọng là tư tưởng thích học làm thầy (đại học) hơn học làm thợ (nghề) mới dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” như hiện nay.
Giải pháp nào?
Đề cập đến giải pháp tháo gỡ vướng mắc nói trên, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai cho rằng: Cần định hướng nghề nghiệp cho học sinh khi lựa chọn hướng đi cho tương lai của mình. Hiện nay, việc định hướng lập thân, lập nghiệp vẫn mang nặng tính tự phát. Mỗi năm chỉ một số trường có điều kiện về Gia Lai tổ chức tư vấn mùa thi còn không thì các em tự lựa chọn con đường lập thân, lập nghiệp cho mình. Chính vì vậy, việc định hướng tuyên truyền nghề nghiệp cho học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường là rất quan trọng. Việc phân luồng học sinh cũng cần thiết không kém.
Để người lao động tiếp cận nguồn thông tin, tỉnh đã có sàn giao dịch việc làm. Đây là cơ hội cho những người lao động thiếu việc làm và lao động đã qua đào tạo.
Đinh Yến