Loạt vướng mắc trong quy hoạch đô thị

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, công tác quy hoạch xây dựng đô thị đóng vai trò rất quan trọng và chỉ khi nào quy hoạch chung phân khu, quy hoạch chi tiết được thực hiện tốt mới có chương trình, dự án đầu tư hiệu quả.

 
Việc điều chỉnh quy hoạch đô thị ở nhiều địa phương gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: Hải Nguyễn
Việc điều chỉnh quy hoạch đô thị ở nhiều địa phương gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: Hải Nguyễn
Tuy nhiên thực tế hiện nay, việc điều chỉnh quy hoạch đang diễn ra phổ biến ở các địa phương, lại gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - ông Trần Ngọc Chính nhìn nhận, ở mỗi quốc gia, quy hoạch luôn phải đi trước một bước, trở thành công cụ cần thiết để quản lý, kiểm soát quá trình đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, nông thôn, hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi lập quy hoạch.
Trong đó, quy hoạch tỉnh được xác định là một trong những quy hoạch quan trọng, được các địa phương đặc biệt quan tâm.
Tuy nhiên tính đến đầu tháng 11.2022, mới có tỉnh Bắc Giang và Hà Tĩnh được duyệt quy hoạch tỉnh, có khoảng 15 tỉnh đang chờ được phê duyệt.
Như vậy, số lượng quy hoạch tỉnh cần được duyệt là rất lớn trong khi nếu quy hoạch tỉnh được duyệt, các quy hoạch khác có liên quan và các dự án trên địa bàn mới có căn cứ để triển khai.
Hơn nữa trong quá trình xem xét, duyệt hoặc điều chỉnh quy hoạch tỉnh đã có nhiều vướng mắc. Đáng chú ý là việc chưa ban hành quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch cấp vùng đang gây rất nhiều khó khăn cho các địa phương trong định hướng phát triển các ngành, các lĩnh vực trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong lúc Luật Quy hoạch quy định quy hoạch cấp dưới phải tuân thủ quy hoạch cấp trên.
Theo quy định của Luật Quy hoạch, việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia nhằm đảm bảo tính thống nhất, khớp nối hệ thống quy hoạch trong cả nước, làm căn cứ để lập quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.
Trên thực tế, sau một thời gian đi vào thực tiễn, bản thân việc triển khai Luật Quy hoạch cũng bộc lộ nhiều vấn đề về quy trình thực hiện và nội dung quy hoạch, làm mất tính kết nối dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo.
Một dẫn chứng là 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Cần Thơ và Đà Nẵng đến nay đều được lập Quy hoạch chung xây dựng cho 20 năm và tầm nhìn đến 30 năm, 40 năm. Các quy hoạch này được nhìn nhận là phát huy tác dụng trong việc triển khai xây dựng và quản lý đô thị có hiệu quả.
Song nếu thực hiện quy hoạch tỉnh cho 5 đô thị Trung ương theo Luật Quy hoạch lại rất khó thực thi do những nội dung quan trọng như tổ chức không gian, tổ chức cảnh quan, tổ chức hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và tổ chức quản lý các khu chức năng khó thực hiện.
Trái lại nếu lập quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương theo Luật Quy hoạch dẫn đến khối lượng thông tin cần tích hợp là rất lớn…
Theo TS-KTS Phạm Thị Nhâm - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia, do mang tính phức tạp, quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch thành phố lớn cần có tính chiến lược.
Tuy nhiên, trong Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị, quy hoạch thành phố lớn lại có sự khác nhau. Từ thực tế trên đặt ra yêu cầu phân định rõ khái niệm và quy định pháp luật giữa thành phố trực thuộc Trung ương với đơn vị hành chính tỉnh, nội dung cụ thể về quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương và quy hoạch tỉnh.       
Theo Hà Vinh (LĐO)

https://laodong.vn/bat-dong-san/loat-vuong-mac-trong-quy-hoach-do-thi-1122164.ldo

Có thể bạn quan tâm

Cần điều chỉnh việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Cần điều chỉnh việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất

(GLO)- Các trường hợp thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và lợi ích quốc gia, công cộng là cần thiết. Tuy nhiên, chúng tôi thấy, sửa đổi Luật Đất đai lần này cần có quy định cụ thể trong một số trường hợp, đó là việc thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đối với đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
Cần nghiên cứu quy hoạch phát triển mạng lưới đường sắt đô thị hiện đại

Cần nghiên cứu quy hoạch phát triển mạng lưới đường sắt đô thị hiện đại

(GLO)- Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, vận tải đường sắt đóng vai trò quan trọng trên hành lang kinh tế Bắc-Nam, các hành lang vận tải chính Đông-Tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn... Cần nghiên cứu quy hoạch phát triển mạng lưới đường sắt đô thị hiện đại để giải quyết căn cơ bài toán ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn.
Cần chỉnh sửa tên đường ở TP.Pleiku cho chuẩn xác

Cần chỉnh sửa tên đường ở TP.Pleiku cho chuẩn xác

(GLO)- Theo thống kê, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) có khoảng 400 tuyến đường, trong đó có 239 tuyến đường đã được đặt tên các nhân vật lịch sử có công với nước, các địa danh nổi tiếng, tên gọi có nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, bên cạnh những tuyến đường mang tên họ các nhân vật lịch sử kiệt xuất chính xác, còn có tên chưa chính xác. Ví dụ như có sự nhầm lẫn giữa Lê Thánh Tông và Lê Thánh Tôn. Việc TP. Pleiku đặt tên đường Lê Thánh Tôn là chưa chuẩn xác.
Thị trường bất động sản Gia Lai “hạ nhiệt”

Thị trường bất động sản Gia Lai “hạ nhiệt”

(GLO)- Sau cơn sốt đất năm 2022, thị trường bất động sản (BĐS) tại Gia Lai đang trong điểm rơi về giá khi khả năng thanh khoản ở các loại hình đều giảm mạnh. Những diễn biến của thị trường từ đầu năm đến nay cho thấy, khả năng giá BĐS sẽ tiếp tục giảm sâu trước khi bước vào chu kỳ ổn định giá mới.

Các đại biểu tham gia lớp tập huấn

Tập huấn Nghị định số 44/2022/NĐ-CP về xây dựng, quản lý hệ thống thông tin nhà ở

(GLO)- Sáng 22-2, tại Trung tâm hội nghị Pleiku Palace (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), Sở Xây dựng phối hợp với Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và Đô thị (Bộ Xây dựng) tổ chức tập huấn Nghị định số 44/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29-6-2022 về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin nhà ở và thị trường bất động sản.