Loài sâm "quốc bảo" trồng bằng cây cấy mô ở Đà Lạt đã cho củ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày cuối năm 2019, sau nửa thập kỷ mày mò với cây sâm Ngọc Linh in vitro (cấy mô), vòng tuần hoàn cuối cùng đã khép. Những cây sâm Ngọc Linh con đã nảy mầm, trưởng thành từ những hạt thu từ cây mẹ vô tính, mở ra một cơ hội mới.
Hạt từ cây mẹ vô tính nảy mầm
Thạc sỹ Phan Công Du, Trưởng ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao Lâm Đồng, Chủ nhiệm Đề tài “Nghiên cứu khả năng ra hoa tạo hạt của cây sâm Ngọc Linh in vitro tại Đà Lạt” đã có nhiều năm ăn, ngủ với cây sâm Ngọc Linh.
 
PGS. TS Trần Công Luận (chuyên gia về sâm Ngọc Linh) cùng tác giả Phan Công Du (bên phải) với sản phẩm cây sâm Ngọc Linh in vitro được trồng tại Đà Lạt. Ảnh: D.Quỳnh.
Từ những năm 2014-2015, anh đã trồng những cây sâm Ngọc Linh in vitro tại Đà Lạt. Và đến năm 2017, anh đã hào hứng đón chào cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô (in vitro) đầu tiên nở hoa, mở ra cơ hội mới để nhân giống loài sâm K9 quý hiếm này. Qua đó, đặt ra câu hỏi là từ những nụ hoa đầu tiên cho đến những hạt giống quý báu từ cây mẹ vô tính, làm sao để có những cây con nảy mầm tự nhiên, khép kín vòng sinh trưởng, giúp chủ động nguồn giống sâm Ngọc Linh?
Vì vậy, sau khi những cây sâm Ngọc Linh in vitro ra hoa và kết quả, nhóm nghiên cứu của Thạc sỹ Phan Công Du đã mày mò tìm hướng để những hạt sâm thu được từ cây mẹ in vitro có thể nảy mầm. Thạc sỹ Phan Công Du chia sẻ: “Thu được 7 hạt giống đầu tiên từ cây mẹ vô tính, nhóm chúng tôi rất hồi hộp, tìm nhiều phương pháp thử nghiệm để hạt nảy mầm tốt nhất. Phương pháp hiệu quả nhất là dung dịch nước tỏi 10% để xử lý hạt giống. Chúng tôi ngâm nhân hạt đã xử lý loại bỏ phần thịt quả vào dung dịch nước tỏi trong 30 phút, sau đó đem gieo...".
"Với việc áp dụng quy trình xử lý hạt giống nêu trên, sau 4 tháng kể từ thời điểm gieo hạt, hạt đã nảy mầm và lên cây với tỉ lệ hiện nay là 3/7 hạt gieo, đạt tỉ lệ nảy mầm từ hạt của cây sâm Ngọc Linh in vitro là 42,8%”. Kết quả nảy mầm khả quan này đã chứng minh, cây sâm in vitro được nuôi trong điều kiện nhà kính, nhà lưới tại Đà Lạt phát triển hoàn toàn bình thường, sinh trưởng tương tự với sâm Ngọc Linh trong điều kiện tự nhiên của núi rừng K9...", Thạc sỹ Phan Công Du cho biết thêm.
Giáo sư - Tiến sỹ Dương Tấn Nhựt, Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài: Hạt từ cây sâm Ngọc Linh in vitro nảy mầm, phát triển thành cây con là một thành công của nhóm nghiên cứu.
Việc nảy mầm từ hạt thu từ cây sâm in vitro đã khép kín được vòng sinh trưởng và phát triển, chứng minh cây sâm in vitro sinh trưởng tự nhiên, tương tự với cây sâm nhân giống từ hạt. Thành công này mở ra một hướng mới cho việc phát triển cây sâm Ngọc Linh, không còn bó hẹp tại vùng rừng nguyên sinh với điều kiện tự nhiên khó khăn.
Hàm lượng saponin tiệm cận sâm Ngọc Linh tự nhiên
Đã ra hoa, kết quả và hạt nảy mầm tự nhiên, cây con cũng phát triển khỏe mạnh chứng tỏ cây sâm Ngọc Linh in vitro thích ứng với điều kiện Đà Lạt. Thạc sỹ Phan Công Du cho biết, những cây sâm in vitro được nhóm trồng với 3 điều kiện phổ biến tại Đà Lạt, đó là trong nhà kính, trong nhà có mái che bền vững và trồng dưới tán rừng với độ che phủ 80%. Khu vực lựa chọn để trồng sâm Ngọc Linh là vùng rừng ven hồ Tuyền Lâm, nơi có sẵn nguồn nước sạch và khí hậu mát mẻ, gần gụi với điều kiện rừng núi Ngọc Linh.
Sau 5 năm trồng từ những cây sâm in vitro con, những củ sâm Ngọc Linh trồng tại Đà Lạt đã đủ chuẩn thu hoạch.
Củ thu được có trọng lượng bình quân đạt 40 gam/củ, với kết quả phân tích thành phần saponin có trong sâm củ đạt tiêu chuẩn dược điển sâm Việt Nam của Bộ Y tế ban hành, đặc biệt hàm lượng saponin đặc trưng cho sâm Việt Nam là M-R2, vượt gấp 3,5 lần so với tiêu chuẩn dược điển Việt Nam. So sánh với sâm Ngọc Linh tự nhiên, sâm in vitro đạt hàm lượng dược chất gần tiệm cận.
Lượng sâm Ngọc Linh cung cấp trên thị trường là khá hạn chế, do trong tự nhiên, sâm Ngọc Linh phát triển rất chậm, năng suất rất thấp. Vì vậy, nếu nông dân Đà Lạt có thể canh tác sâm Ngọc Linh sẽ là nguồn sâm quý giá. Nhóm nghiên cứu cũng đã hoàn thành quy trình chăm sóc sâm Ngọc Linh tại Đà Lạt và sẵn sàng chuyển giao cho nông dân.
Anh Phan Công Du đánh giá, tuy đầu tư ban đầu cho vườn sâm Ngọc Linh là khá nặng do giá cây giống nhưng sau 5 năm, mô hình trồng cây sâm Ngọc Linh in vitro mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ tại Đà Lạt, các vùng trồng sâm Ngọc Linh truyền thống như Kon Tum, Quảng Nam cũng có thể sử dụng giống sâm in vitro để trồng rộng rãi thay cho nguồn giống mọc từ hạt tự nảy mầm rất quý hiếm.
Với những hạt thu được từ cây sâm vô tính nảy mầm thành cây con và phát triển bình thường, cây sâm Ngọc Linh in vitro đã cho thấy khả năng mở rộng và phát triển giống sâm quý không còn quá phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên khắc nghiệt.
Dân Việt (Theo Diệp Quỳnh /Báo Lâm Đồng)

Có thể bạn quan tâm