Những người bảo tồn "quốc bảo" sâm Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giữa núi rừng Ngọc Linh hùng vĩ, nhiều lúc cái lạnh giá như thấu buốt vào tim can, những chàng trai Xê Đăng vẫn miệt mài bám núi, bám rừng vun trồng, chăm sóc, tuần tra, bảo vệ. Họ ăn, ngủ cùng rừng để bảo tồn giống sâm "quốc bảo" của Việt Nam.
Nhân giống cây sâm
Cách trung tâm hành chính huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam khoảng 40km, Trạm dược liệu Trà Linh (thuộc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam) nằm chót vót trên một đỉnh đồi ở xã Trà Linh (huyện Nam Trà My) với độ cao hơn 1.800m, xung quanh trạm dược liệu đã được rào kỹ, cô lập với bên ngoài.
Nơi đây là địa điểm bảo tồn, phát triển, nhân giống nguồn giống sâm Ngọc Linh quý hiếm để cung ứng cho người dân, doanh nghiệp trồng mới và thử nghiệm việc áp dụng một số phương pháp mới vào khâu nhân giống nhằm nâng cao chất lượng cũng như số lượng cây giống.
Vườn nhân giống sâm ở Trạm dược liệu Trà Linh.
Ở Trạm dược liệu Trà Linh mùa này hoa sâm đã nở rộ, đỏ cả khoảng rừng. 15 chàng trai Xê Đăng vẫn miệt mài tách hạt, ươm, nhân giống, bảo vệ sâm Ngọc Linh. Tôi theo chân anh Hồ Văn Dem (45 tuổi, nhân viên thu hái sâm) ra vườn sâm quý.
Trước khi đi, anh Dem nhắc nhẹ: "Đi khéo không giẫm phải sâm". Đúng vậy, dưới tán rừng tươi xanh, thảm thực vật phong phú, từng cây sâm mọc lên khắp các nẻo đường đi ở vườn sâm, nếu không chú ý kỹ rất có thể giẫm lên loài cây quý giá này.
Ở trong khoảng rừng tươi xanh ấy, hàng nghìn cây sâm quý dưới bàn tay chăm sóc của các nhân viên đã đến mùa thu hạt, từng chùm quả đỏ mọng được bao bọc kỹ lưỡng trong bọc lưới. Nhẹ nhàng đưa tay vào gỡ mí nối của tấm lưới choàng một chùm hạt sâm chín đỏ, anh Dem ngắt bông sâm đã chín đều cho vào những chiếc giỏ mang theo.
Anh Dem nói rằng, hạt sâm Ngọc Linh thường mọc tập trung ở trung tâm tán lá. Sau hai tháng hạt bắt đầu chuyển từ màu xanh đến xanh thẫm, vàng lục, khi chín ngả màu đỏ. Mỗi cây sâm Ngọc Linh có khoảng 10 - 40 hạt. "Đối với người dân ở vùng núi này, hạt sâm vô cùng quý giá.
Vì vậy việc chăm sóc cây sâm luôn được mỗi người đặt lên hàng đầu và kỹ thuật chăm sóc kỹ lưỡng. Khi cây sâm cho hạt, để tránh những hạt sâm "thất thoát", người dân tiến hành bọc kỹ trong bọc lưới. Điều này cũng tránh cho những "kẻ trộm 4 chân" phá hoại", anh Dem nói.
Những chùm hoa sâm Ngọc Linh chín đỏ.
Dưới đôi mắt tinh tường của người nhân viên lâu năm tại trạm dược liệu, chỉ cần nhìn vào chùm hạt, anh Dem có thể đánh giá được mức độ chín của từng chùm hạt sâm. Vừa cẩn thận nhưng cũng rất điệu nghệ, chỉ trong 3 giờ đồng hồ, anh Dem đã thu hái được hàng chục chùm hạt sâm chín đỏ mang về khu nhà làm việc mà không rơi rụng bất cứ hạt nào.
Trong lúc anh Dem thu quả, ở một khoảng rừng khác, một nhóm thanh niên cũng đang tranh thủ lấy mùn cây dưới tán rừng tự nhiên Ngọc Linh về trộn thật kỹ phục vụ cho việc gieo ươm này.
Trưa đến, tranh thủ trước giờ cơm, cả nhóm các chàng trai cùng ngồi tách hạt sâm khỏi cành, phân loại thật kỹ những hạt sâm đảm bảo chất lượng để chiều đến mang đi gieo ươm.
Khác với cách gieo ươm thông thường của những người trồng sâm ở vùng Trà Linh, ở trạm dược liệu, việc gieo ươm được cải tiến gieo giống trong nhà ươm được che bạt xung quanh. Khi gieo ươm khoảng cách giữa các hạt cũng đều dần.
Theo một cán bộ ở Trạm dược liệu Trà Linh, việc nhân giống sâm tạo khoảng cách đều nhau góp phần nâng cao hiệu quả cây sâm và khi cây sâm giống phát triển không cần phải tỉa…
Ông Trần Út, Giám đốc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam cho hay, Trạm dược Liệu Trà Linh hiện có tổng diện tích 50ha, đã phát triển trồng sâm khoảng 10ha với khoảng 250.000 cây sâm Ngọc Linh.
Hiện, trung tâm đang tập trung nhiều giải pháp để phát triển cây giống đạt hiệu quả cao như đưa cây giống vào trong nhà có mái che, chăm sóc trên giá thể mùn núi được lấy từ mùn đen ở trong rừng, đưa vào khay để gieo ươm rồi chăm sóc, đóng khung, đóng giàn rồi đổ mùn lên để gieo các cây giống để cung cấp các giống cây với chất lượng cao cung cấp ra bên ngoài.
Ngoài ra, việc tuần tra, bảo vệ sâm cũng được Trạm dược liệu Trà Linh chú trọng với công tác trực bảo vệ nghiêm ngặt 24/24, các hàng rào được gia cố thường xuyên, kiên cố dần, một số điểm xung yếu trung tâm gắn báo động, các camera giám sát.
"Ở Quảng Nam hiện nay thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư nên nhu cầu mở rộng diện tích và cây giống đặt ra tính cấp thiết. Thời gian tới chúng tôi sẽ nghiên cứu, áp dụng nhiều phương pháp nhân giống hơn nữa để đưa tới cho bà con những giống sâm tốt nhất", ông Út nói.
Dành cả thanh xuân bảo tồn sâm
Đêm xuống, không khí ở vùng đất cao hơn 1.800m lạnh buốt, ngồi quây quần cùng các nhân viên ở bữa cơm tối, ngồi nghe những câu chuyện mới biết được rằng, trong những chàng thanh niên ấy, có người đã dùng cả thanh xuân để ăn, ngủ cùng sâm.
Như câu chuyện của anh Hồ Văn Dem, người Xê Đăng, ở nóc Con Pin, xã Trà Linh. Anh Dem năm nay 45 tuổi thì đã có đến 26 năm anh miệt mài gắn bó với ngôi nhà thứ 2 này. Anh Dem kể rằng, từ năm 1993, anh đã lên xin làm tại Trạm dược liệu này.
Lúc đó, đường sá vô cùng khó khăn nên anh phải lội bộ nhiều tiếng đồng hồ liền mới đến nơi. "Hồi xưa từ nhà tôi lên tới trạm dược liệu như bây giờ phải đi mất tầm hơn 2 tiếng lội đường rừng. Mà đường đi lúc đó khó khăn lắm, phải lòng vòng và vượt qua biết bao con dốc mới tới nơi", anh Dem kể lại.
Đường sá đi lại khó khăn đã đành, lúc bấy giờ điều kiện ở trung tâm dược liệu này cũng khốn khó. Nhiều năm liền anh Dem cùng các đồng nghiệp phải sống với cái lạnh giá với căn lều bằng lồ ô, mùa mưa bão xiêu vẹo, dột nát. Có lúc nhiệt độ xuống còn 5-6 độ C, nhiều người chịu không nổi khi xuống núi thì bị sốc nhiệt. Nhiều đêm đi tuần tra vườn sâm, xa quá, mệt quá nằm ngủ giữa rừng. Đang ngủ trời đổ mưa phải bật dậy tìm chỗ núp.
Nơi đây có biết bao chàng trai Xê Đăng dành cả tuổi trẻ để bảo tồn sâm "quốc bảo".
Dù khó, khổ là thế nhưng trải qua những tháng ngày công tác anh Dem dần quen với trạm dược liệu, dần dần công việc bảo vệ, nhân giống sâm Ngọc Linh trở thành "máu mủ" của anh lúc nào không hay. "Làm ở đây lâu quá rồi mình cứ ngỡ đây là nhà của mình. Có những khi về nhà được một ngày nhớ trạm, nhớ sâm quá nên lên lại anh Dem nói.
Hay như cặp cha truyền con nối Hồ Văn Dề (75 tuổi) và Hồ Văn Chính (29 tuổi, tổ trưởng tổ 2 của trạm) làm nhiều người khâm phục. Ông Dề từng là nhân viên của Trạm dược liệu Trà Linh, những năm tháng làm việc ở đây ông có dẫn theo cậu con trai Hồ Văn Chính đến trạm, cuối cùng anh Chính yêu cây sâm lúc nào không hay. Sau khi ông Dề nghỉ hưu, anh Chính quyết định lên đây nối gót cha tiếp tục làm việc.
"Mình làm ở đây ngoài tiền lương còn là đam mê và tình yêu của mình với cây sâm. Trách nhiệm của mình là bảo vệ, bảo tồn vườn sâm, chính vì thế nên phải canh gác cẩn thận không để mất sâm. Ở vườn sâm lâu ngày, mình xem vườn sâm như là ngôi nhà thứ 2 của mình", anh Chính tâm sự.
Anh Trần Xuân Huấn (37 tuổi, Trạm phó Trạm dược liệu Trà Linh) cũng là một trong những người gắn bó tuổi xuân với vườn sâm khi đã có hơn 13 năm gắn bó ở nơi này. Anh Huấn kể lúc mới chập chững làm nhân viên ở trạm đường sá chưa có, mỗi lần từ nhà lên Trạm dược liệu cũng mất hơn vài giờ lội bộ băng rừng. Lên đây anh phải sống trong căn lều nhỏ giữa rừng già, điện không có, đêm về phải chống chọi với cái lạnh thấu xương.
Công việc đầu tiên của anh Huấn là làm công nhân, canh gác vườn sâm không để bị mất một cây sâm quý nào. Sau đó anh trồng và chăm sóc sâm dù lúc đó lương mỗi tháng chỉ 200 đến 300 nghìn đồng nhưng anh Huấn vẫn luôn gắn bó. "Suốt ngày ở vườn sâm riết rồi cũng quen, ăn núi ngủ rừng là chuyện cơm bữa. Vì nhiệm vụ bảo vệ vườn sâm nên mình rất ít khi về nhà, có khi một tháng mới về một lần", Huấn cho biết.
Hiện nay, đầu ra của cây sâm Ngọc Linh rất tốt với giá khá cao, nếu phát triển tốt có thể trở thành "quốc kế dân sinh" ở vùng đất Nam Trà My này. Tuy nhiên, việc người dân trồng tự phát, không đúng kỹ thuật khiến năng suất, sản lượng thấp; tình trạng thu hoạch cây non dẫn đến sự thiếu hụt, cạn kiệt cây giống.
Vì vậy, công tác nhân giống, bảo tồn giống sâm quý của Trạm dược liệu Trà Linh là một điều thiết yếu. Có những người dành cả tuổi xuân của mình hết lòng với công tác nhân giống như anh Dem, anh Huấn…. cũng thật đáng tự hào.
Hà Vy (Cảnh sát toàn cầu online)

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.