(GLO)- Nhiều lo ngại nợ xấu khả năng sẽ tăng cao trên mức cho phép khi mà ngày 1-4-2015 tới đây, quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ chính thức hết hiệu lực.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai, đến cuối năm 2014, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 43.306 tỷ đồng (tăng 18% so cuối năm 2013). Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn là 28.784 tỷ đồng, chiếm 66,5% tổng dư nợ (tăng 18,6% so với cuối năm 2013); dư nợ cho vay trung dài hạn là 14.522 tỷ đồng, chiếm 33,5% tổng dư nợ (tăng 16,9% so cuối năm 2013). Tỷ lệ nợ xấu tăng 0,15% so cuối năm 2013, tương ứng nợ xấu hiện là 380 tỷ đồng, chiếm 0,88% tổng dư nợ. Con số này thấp hơn so với nhiều địa phương trong khu vực, phản ánh được chất lượng tín dụng trên địa bàn khá tốt.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai: khả năng nợ xấu sẽ tăng vào quý II-2015 do quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ chính thức hết hiệu lực (việc thực hiện Quyết định 780 trước đây). Ông lo ngại nếu tính cả khoản này khi doanh nghiệp chưa trả được mà không còn trong diện cơ cấu nữa, nợ xấu ước sẽ tăng lên khoảng trên 5%.
Đối với các khoản nợ được cơ cấu, các ngân hàng sẽ tiến hành thu hồi, nếu khoản nợ đó không thu hồi được của doanh nghiệp thì sẽ bị liệt vào nhóm nợ xấu. Bản thân ngân hàng sẽ biết được khoản nào thu hồi được khoản nào không. Do đó, ngay từ bây giờ ngân hàng nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiến hành soát xét những khoản nợ để đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp, đồng thời phân tích tình hình tài chính thực tế từng khách hàng có quan hệ vay vốn để tiến hành xếp loại tài chính doanh nghiệp và có biện pháp xử lý cho phù hợp.
Trong tình hình kinh tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, nói cách khác doanh nghiệp mới chỉ gọi là đang trong giai đoạn hồi phục sản xuất-kinh doanh, do tác động của giá cả nhiều mặt hàng nông sản không ổn định, thị trường thu hẹp, hàng hóa tồn kho còn cao... vì vậy áp lực trả nợ tương đối nặng nề.
“Về nguyên tắc, việc cơ cấu phải dựa trên điều kiện thực tế, nếu doanh nghiệp còn “sống” mới cơ cấu. Doanh nghiệp chỉ gặp khó khăn ở một thời điểm nhất định, tức là thời điểm đó không trả được nợ theo đúng kỳ hạn, nhưng là những doanh nghiệp có điều kiện khắc phục sản xuất kinh doanh trong thời gian tới. Nếu thực sự ngân hàng thương mại cơ cấu cho những doanh nghiệp này thì họ sẽ giảm được áp lực tài chính và có cơ hội vươn lên, trả được nợ. Ngược lại, những doanh nghiệp đã “chết” mà vẫn được cơ cấu kéo dài thêm mấy năm cũng chẳng giải quyết được gì. Ngân hàng nào tính toán không kỹ, làm ẩu, thì rõ ràng nhóm đối tượng này là nguy cơ làm tăng nợ xấu trong thời gian đến”-ông Cư phân tích.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã tích cực rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng để có biện pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi phù hợp. Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng với số tiền 1.689 tỷ đồng. Nhờ đó, các doanh nghiệp có điều kiện tái cấu trúc về tài chính, vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. |
Ông Cư nói thêm: khi ngân hàng phát sinh nợ xấu sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro theo từng nhóm nợ. Đặc biệt, với nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ mất vốn) và nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn), ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro rất cao từ 50% đến 100%, điều này ảnh hưởng đến vốn liếng hoạt động, lợi nhuận kinh doanh của đơn vị đó.
Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại trên địa bàn, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ được thực hiện với điều kiện chặt chẽ, đối tượng khách hàng là những doanh nghiệp có phương án trả nợ khả thi. Chi nhánh cũng đã tính toán và có hướng điều chỉnh cho phù hợp trước khi chấm dứt cơ cấu nợ, tránh việc làm tăng áp lực nợ xấu, tăng chi phí hoạt động.
Bằng cách xoay xở tiền đáo hạn sau đó chuyển qua vay trung dài hạn để có vốn dài hơi hơn, là cách mà một số doanh nghiệp đang có quan hệ với ngân hàng này cho hay sẽ làm. Bởi theo dự đoán của doanh nghiệp, giai đoạn hiện nay hoạt động sản xuất-kinh doanh mới chỉ khởi sắc nhưng chưa phải là có tích lũy và có tiền trả nợ vay.
Thảo Nguyên