"Lên non tìm động hoa vàng"(*)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thông tin về việc Lễ hội hoa dã quỳ-Chư Đăng Ya sẽ diễn ra vào cuối tháng 11-2017 đã làm nức lòng những người yêu màu hoa vàng đặc trưng của cao nguyên. Nhiều người chia sẻ, truyền tai nhau, thông báo với bạn bè phương xa trong tâm trạng háo hức, chờ đợi một lễ hội hoa lần đầu tiên diễn ra. Tuy nhiên, sự kiện văn hóa này có làm nên thương hiệu cho du lịch Gia Lai hay không vẫn phụ thuộc rất nhiều vào cách thức tổ chức.
 
1.Theo kế hoạch, lễ hội sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ 24 đến 26-11) tại chân núi lửa Chư Đăng Ya (xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah) với nhiều hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể thao và quảng bá du lịch. Đến với lễ hội, du khách không chỉ mãn nhãn trước ngọn núi lửa rực sắc quỳ vàng mà còn được trải nghiệm những điều thú vị về văn hóa-lịch sử của vùng đất, con người nơi đây. Chỉ riêng chuyện về dã quỳ-loài hoa sinh sôi mạnh mẽ, kiên cường trong nắng gió cao nguyên, gắn với truyền thuyết về một chuyện tình đẹp và buồn giữa chàng KLang dũng mãnh và nàng H’Linh xinh đẹp cũng đáng để du khách lạc vào thế giới đầy chất thơ của người bản địa.

 

Nhiều bạn trẻ bị thu hút bởi vẻ đẹp của núi lửa Chư Đăng Ya vào mùa hoa dã quỳ nở rộ. Ảnh: Đức Thụy
Nhiều bạn trẻ bị thu hút bởi vẻ đẹp của núi lửa Chư Đăng Ya vào mùa hoa dã quỳ nở rộ. Ảnh: Đức Thụy

Núi lửa Chư Đăng Ya vốn không còn xa lạ với những người yêu hoa dã quỳ, thích chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ, tuyệt bích của tự nhiên, đặc biệt vào độ tháng 11 khi cả ngọn núi đồng loạt nở hoa vàng rực rỡ. Trong khuôn khổ lễ hội, Ban tổ chức có kế hoạch đưa thêm nhiều hoạt động văn hóa như: cồng chiêng, đan lát, dệt vải, tạc tượng...

Điều này hấp dẫn ngay cả những người đã biết bao nhiêu mùa hoa dẫn bạn bè đến đây để rồi trở về trong tràn trề cảm xúc và năng lượng bởi cái đẹp mang lại. Nói như vậy để thấy lễ hội hoa dã quỳ là sự kiện đáng để chờ mong.

Trước một “tòa thiên nhiên” rợp màu hoa vàng, chắc chắn sẽ không có “của giả” như trong lễ hội hoa hồng tại Hà Nội khiến người xem thất vọng, càng không có sự sắp đặt của con người bởi cứ thử một lần đứng trước kỳ quan núi lửa này, người ta sẽ thấy mọi sắp đặt đều thô vụng trước vẻ tuyệt mỹ mà thiên nhiên mang lại, ban tặng riêng cho.

Du khách sẽ thấy hoàn toàn chẳng bõ công “lên non tìm động hoa vàng” và trải nghiệm phong vị văn hóa còn khá đậm đặc trên vùng đất này. Mặc dù đây chỉ là một lễ hội cấp huyện (huyện Chư Pah phối hợp với ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch) nhưng chúng ta có quyền kỳ vọng đây sẽ là lễ hội tạo thương hiệu cho du lịch Gia Lai.

2. Đã có nhiều địa phương chọn các loài hoa đặc trưng của xứ sở để tổ chức lễ hội nhằm thu hút khách du lịch, giới thiệu văn hóa-lịch sử địa phương như: lễ hội hoa ban (Điện Biên), lễ hội hoa phượng đỏ (Hải Phòng), lễ hội hoa tam giác mạch (Hà Giang) hay lễ hội hoa Đà Lạt.

Tuy nhiên, ngoài lễ hội hoa Đà Lạt tạo được uy tín, sức hút với khách du lịch trong và ngoài nước thì hầu như chưa có lễ hội hoa nào được đánh giá là thành công bởi có quá nhiều “sạn”. Nói như vậy để thấy rằng, tổ chức thành công một lễ hội hoa là thách thức với Ban tổ chức, nhất là đối với tỉnh ta trong lần đầu tiên.

Thế mạnh lớn nhất là chúng ta sở hữu cảnh quan tuyệt mỹ, địa danh được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam-Vietkings bình chọn đứng top đầu trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất tỉnh. Nơi đây còn có bề dày lịch sử-văn hóa, những câu chuyện thấm đẫm phong vị văn hóa bản địa giải thích sự tồn tại của núi lửa.

Nhưng để lễ hội hoa dã quỳ trở thành một sự kiện tạo dựng thương hiệu cho ngành Du lịch thì còn quá nhiều việc phải làm. Vào mùa hoa dã quỳ những năm trước, núi lửa Chư Đăng Ya đã đón hàng chục ngàn lượt du khách trong và ngoài tỉnh kéo đến chiêm ngưỡng, gây ra không ít sự náo loạn, thậm chí phá hoại hoa màu của người dân trên đỉnh núi.

Hơn nữa, một số người thiếu ý thức đã xả rác bừa bãi khắp nơi, biến cảnh quan này thành một... bãi rác sau khi họ dời gót. Một nhóm bạn trẻ yêu cái đẹp đã phải làm công việc chẳng đặng đừng là tổ chức nhiều đợt thu gom rác để trả lại sự trong lành vẻ đẹp tự nhiên cho núi lửa Chư Đăng Ya.

Lễ hội sắp diễn ra chắc chắn phải khắc phục được điều này, bởi sẽ có rất nhiều người đổ về tham dự. Ban tổ chức cũng cần có biện pháp để bảo vệ hoa màu cho cư dân bản địa trồng trên núi. Bên cạnh đó, theo kế hoạch, lễ hội có rất nhiều hoạt động văn hóa, nhưng làm sao để các hoạt động này có thể kết nối, chuyển tải được thông điệp ý nghĩa về cuộc sống, về văn hóa đặc trưng của địa phương… cũng là chuyện không dễ.

Quan trọng hơn hết, để tránh cho một lễ hội văn hóa-du lịch bị “mất điểm” trong mắt người dân và du khách thì nỗ lực của Ban tổ chức lễ hội là chưa đủ mà đó còn là trách nhiệm, ý thức của tất cả mọi người khi đến tham gia.

Hoàng Ngọc
------------------------

(*) Lời bài thơ “Động hoa vàng” của nhà thơ Phạm Thiên Thư.

Có thể bạn quan tâm

Tặng 600 chiếc áo ấm cho thiếu nhi xã Đak Sơ Mei

Tặng 600 chiếc áo ấm cho thiếu nhi xã Đak Sơ Mei

(GLO)- Chiều 6-12, Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội từ thiện và hỗ trợ phát triển cộng đồng Fly To Sky phối hợp cùng Đảng ủy-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Áo ấm chuyền tay” nhằm trao tặng áo ấm cho thiếu nhi trên địa bàn xã.

Quang cảnh hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024 huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: 19/20 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch năm 2024

(GLO)- Sáng 6-12, UBND huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nguyễn Ngọc Ngô chủ trì hội nghị.

Đak Đoa điều chỉnh giảm dự toán vốn thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 4 Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn hơn 300 triệu đồng. Ảnh Hà Duy.

Đak Đoa điều chỉnh vốn sự nghiệp thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

(GLO)- Hội đồng nhân dân huyện Đak Đoa vừa ban hành Nghị quyết số 26/NQ-HĐND về việc điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp chưa giải ngân hết trong năm 2023 đã được chuyển nguồn sang năm 2024 và điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp năm 2024 thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (đợt 2).

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Mùa cà phê chín đỏ

Mùa cà phê chín đỏ

(GLO)- Dưới ánh nắng rực rỡ của những ngày cuối tháng 11, trên khắp các vườn cà phê chín đỏ, không khí thu hoạch rộn rã hơn. Năm nay, bà con nông dân đón mùa vụ với sự hân hoan lớn khi lần đầu tiên cà phê có một mức giá cao nhất lịch sử.