Lên Đồng Văn, đừng quên Phố Bảng, Phố Là

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nếu đã có công lên đến cao nguyên đá Đồng Văn, hãy dành ít thời gian để đến thị trấn Phố Bảng và xa hơn chút nữa là xã Phố Là. Cả hai đều thuộc H.Đồng Văn, Hà Giang và rất đáng đến trong hành trình tới miền cực Bắc Tổ quốc.

Sân nhà một gia đình ở Phố Là- Ảnh: Lưu Quang
Sân nhà một gia đình ở Phố Là- Ảnh: Lưu Quang



Cao nguyên đá Đồng Văn (nằm trên 4 huyện của tỉnh Hà Giang là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc) đang mùa du lịch rộn ràng nhất trong năm.

Ngoài ngắm hoa tam giác mạch phủ trên các sườn núi, một số điểm tham quan cơ bản của du khách tại đây là núi đôi H.Quản Bạ, thăm ngôi nhà trong phim Chuyện của Pao, dinh nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn (đều ở H.Đồng Văn). Đèo Mã Pì Lèng và đi thuyền trên sông Nho Quế (H.Mèo Vạc) đều là những điểm tham quan thú vị.

Tuy nhiên, do ít được quảng bá, nhiều du khách đã không biết đến thị trấn Phố Bảng, một địa chỉ tham quan rất ấn tượng với các ngôi nhà cổ còn lưu giữ, xa hơn chút nữa là xã Phố Là, trong một thung lũng thanh bình, có những cây sa mộc cao vút.

Trên QL4C, trước khi tới Sủng Là, có một lối rẽ trái để đi Phố Bảng. Đường khá đẹp và thị trấn nhỏ vùng biên sẽ hiện ra trước mắt sau chỉ hơn 10 phút chạy xe. Phố Bảng, có người gọi là Phó Bảng (theo cách nói của người dân tộc Hoa), vốn là thủ phủ của H.Đồng Văn cũ. Sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, trung tâm hành chính H.Đồng Văn chuyển về thị trấn Đồng Văn, khiến Phố Bảng dần bị lãng quên.
Phố Bảng đang thay đổi khá nhiều, nhưng một ngày đầu thu 2019, khi trở lại đây sau 5 năm, chúng tôi vẫn cảm thấy thích thú khi trên 2 dãy phố chính của thị trấn vẫn còn khoảng 30 ngôi nhà trình tường (tường nhà nện bằng đất núi) và lợp mái bằng ngói đất nung màu xanh xám, có hình máng nước. Một viên ngửa, một viên úp nên gọi đó là ngói máng, hoặc ngói âm dương.

Đây là những ngôi nhà của người Hoa, với cửa nhỏ và thấp, bên trong có nhiều gian để các thế hệ cùng chung sống. Các ngôi nhà đều mở cửa ra đường, bên các thềm nhà, đâu đó có những bia đá giống chiếc mui rùa, dành cho người đã khuất, hoặc vài đống ngói máng dỡ từ những ngôi nhà vừa bị phá. Trong nhà khá tối, nhà nào cũng có tầng áp mái đầy bồ hóng là nơi chất lúa, ngô. Ngoài đường, hôm chúng tôi đến, người Phố Bảng còn phơi đầy lúa trên những tấm bạt lớn, khiến thị trấn vùng biên ải càng thêm phần yên tĩnh, thanh bình.

Người dân Phố Bảng chủ yếu là dân tộc Hoa và Mông, làm nông và ngạc nhiên chưa, giữa thị trấn xa vắng này, lại có một cánh đồng trồng hoa hồng rất đẹp rộng khoảng 5.000 m2 để bán về xuôi. Phố Bảng cũng đã có 3 - 4 nhà nghỉ có kèm dịch vụ ăn uống để đón những du khách lãng mạn, hoài cổ. Một nhà hàng có cái tên rất ngộ nghĩnh là Hoàn Thùng cũng sẵn sàng phục vụ những món ăn uống bình dân.

Nếu gặp may, du khách đến Phố Bảng sẽ gặp chợ phiên. Giống như các chợ cấp xã ở Đồng Văn, chợ Phố Bảng họp 6 ngày một phiên, để nhường chủ nhật cho chợ huyện họp chính. Nếu muốn dự chợ phiên Phố Bảng dịp này, hãy đến đây vào các ngày 23, 29 tháng 10 hoặc ngày 4, 10 tháng 11 dương lịch…

Đặc biệt, nếu đã có công đến được Phố Bảng, du khách nên cố đi thêm khoảng 10 km nữa để tới Phố Là, một xã biên giới có nhiều người Pu Péo sinh sống. Tại đây, có thể chiêm ngưỡng dấu tích một dinh thự bằng đá của dòng họ Củng người Pu Péo ở bên trái đường. Đi sâu vào trong, sẽ gặp một thung lũng lọt thỏm giữa các đỉnh núi, với các mái nhà trình tường nép mình dưới các bóng cây sa mộc và soi bóng xuống 2 hồ nước quanh năm trong mát…

Phố Là không phải là điểm tham quan, không có dịch vụ, nhưng lại có quá nhiều sự hoang sơ, thậm chí hoang sơ hơn cả Phố Bảng. Cả hai sẽ góp phần làm ta nhớ mãi một lần đến với cao nguyên đá…

 

Lưu Quang (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.