(GLO)- Một dự án tưởng chừng thiết thực cho người dân với hàng chục tỷ đồng được bỏ ra nhưng mang đến hiệu ứng ngược khi vừa không hiệu quả vừa khiến ngươ i dân bức xúc với suy nghĩ “của cho là của ôi”.
Mang màn đi quây vịt...
Gia Lai là một trong 14 tỉnh trong cả nước được hưởng thụ dự án “Sáng kiến khu vực ngăn chặn sốt rét kháng thuốc Artemisinin” (dự án RAI). 17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đều nằm trong diện được hưởng thụ. Một trong những hoạt động của dự án là tổ chức cấp, phát miễn phí màn được tẩm hóa chất phòng-chống muỗi cho người dân. Trong thời gian qua, khi dịch sốt rét bùng phát ở một số địa phương thì rõ ràng RAI được trông chờ như một “tấm lá chắn” giúp phòng ngừa dịch bệnh nguy hiểm này, đặc biệt là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng theo ghi nhận tại nhiều địa phương, sau khi nhận màn, đa phần các hộ dân đều xếp xó hoặc sử dụng vào các mục đích khác.
Màn chống muỗi bị đem ra để quây làm chuồng vịt. Ảnh: L.V.N |
Ông Nguyễn Vọng, trú tổ 3, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa cho biết: “Nhà tôi có 10 khẩu nên nhận được 5 cái màn đã được tẩm thuốc để chống muỗi. Nhưng mang về để mắc vào giường thì không cái nào vừa cả. Vì màn bình thường có chiều dài là 2,2 mét, chiều rộng thì tùy vào loại giường, còn màn này chiều dài có 1,8 mét, chiều rộng thì 1,6 mét nên trông cái màn cứ như hình vuông, mắc đâu có vừa. Lúc đi lấy thì hào hứng khi đem về, nhà nào cũng như nhà tôi, đều bỏ xó chẳng biết làm gì”. Nói rồi ông Vọng chỉ cho chúng tôi tấm mác đính kèm vào màn trong đó thể hiện thông số “Kích thước: dài 180 x rộng 160 x cao 180 cm”, “Quốc gia sản xuất: Trung Quốc” và “Tháng sản xuất: Tháng 8-2014”. P.V Báo Gia Lai đã cùng ông Vọng dùng thước dây đo kích cỡ màn thì đúng với số liệu đã ghi.
Tuy nhiên, tại nhà ông Nay Phem-Chủ tịch Mặt trận xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa thì chiếc màn đo được lại có chiều dài 1,8 mét và rộng 1,7 mét. Ông Phem bức xúc: “Cho màn hình vuông thế này thì đâu có dùng được; màn vừa thô vừa nhỏ, người dân trong làng bảo nhau là chỉ mang đi làm lưới kéo cá được thôi. Màn cấp không thì làm sao để dân còn xài được chứ cho thế này bôi bác quá”. Đúng như lời ông Phem, tại nhà chị Nguyễn Thị Hảo, trú phường Hòa Bình, thị xã Ayun Pa thì chị đã mang màn lật ngược lại để làm lưới chứa cá giống. Chị Hảo cho hay, vừa nhận màn về, chị lấy chiếc màn này để treo vào giường ngủ thay cho màn cũ. Tuy nhiên, sau khi dùng vài ngày, chị ngán ngẩm khi nhận thấy yếu điểm của màn chống muỗi là màn thô, lỗ to, kích thước ngắn, lại hay co, nhăn lại. Ngay sau đó, chị tháo màn này ra để lấy màn cũ trước đó lắp lại dùng. “Nghĩ vứt thì uổng, nên mình tận dụng làm lồng nhốt cá, nhưng cũng rách rồi có dùng được nữa đâu”-chị Hảo giải thích cho “sáng kiến” của mình. Cũng tại thị xã Ayun Pa, nhiều hộ gia đình đã dùng màn này bao bọc trái cây để tránh dơi ăn và các loại sâu bệnh.
Tại huyện Phú Thiện, P.V Báo Gia Lai đã dễ dàng tìm thấy khá nhiều hộ gia đình dùng màn để quây tròn làm chuồng vịt.
Lãng phí hàng chục tỷ đồng
Ảnh: L.V.N |
Theo thống kê của Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa, từ ngày 14-5 đến 15-5-2015, toàn bộ 8 xã, phường trên địa bàn đều được phát màn đã tẩm thuốc chống muỗi, số lượng 22.360 cái, giá thành hơn 76,4 ngàn đồng/cái với tổng cộng hơn 1,7 tỷ đồng. Trung tâm cũng ghi nhận tình trạng bất cập của màn. Chị Dương Thị Ngọc Loan-cán bộ chuyên trách của dự án RAI tại Trung tâm cho biết: “Chúng tôi đã nghe người dân phản ánh những bất cập của màn chống muỗi, như kích thước nhỏ không vừa giường, lỗ to, màn thô... Qua giám sát thực tế thì thấy có nhiều hộ dùng màn này để nhốt gia cầm, bọc hoa quả…”. Trong khi đó, một cán bộ công tác tại Trung tâm còn tiết lộ, nếu chọn ngẫu nhiên vào 10 nhà tại thị xã Ayun Pa sẽ chẳng có hộ nào sử dụng màn này cả.
Ông Nguyễn Vọng, trú tổ 3, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa cho biết: “Nhà tôi có 10 khẩu nên nhận được 5 cái màn đã được tẩm thuốc để chống muỗi. Nhưng mang về để mắc vào giường thì không cái nào vừa cả. Vì màn bình thường có chiều dài là 2,2 mét, chiều rộng thì tùy vào loại giường, còn màn này chiều dài có 1,8 mét, chiều rộng thì 1,6 mét nên trông cái màn cứ như hình vuông, mắc đâu có vừa. Lúc đi lấy thì hào hứng khi đem về, nhà nào cũng như nhà tôi, đều bỏ xó chẳng biết làm gì”. |
Tại huyện Krông Pa, hàng chục ngàn chiếc màn cũng đã được phát cho dân. Ông Siu Thanh-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết, quá trình giám sát, Trung tâm có nhận được phản ánh, chiều dài màn ngắn hơn giường, màn cứng, lỗ màn to, muỗi nhỏ chui vào được; số ít phản ánh, bị dị ứng gây ngứa với hóa chất tẩm trên màn. Cùng ý kiến, ông Trịnh Văn Hổ-Phó Trưởng ban Y tế Dự phòng huyện Ia Pa cho biết, số màn thực tế cấp cho dân toàn huyện hơn 27.700 chiếc. Qua giám sát, người dân cũng phản ánh như các nơi nói trên.
Ông Trịnh Văn Hổ cũng cho biết: “Sau khi nhận được phản ánh của dân về những bất cập của màn chống muỗi, Ban đã tổng hợp ý kiến, đồng thời báo cáo về Ban Quản lý dự án RAI của tỉnh thì được trả lời là để báo cho Trung ương”.
Theo ông Phan Gia Công-Giám đốc Trung tâm Phòng-chống sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Gia Lai, Phó Trưởng ban Quản lý dự án RAI tại Gia Lai thì tổng số màn cấp phát cho dân tại Gia Lai là hơn 562 ngàn cái với tổng số tiền hơn 40 tỷ đồng. “Màn chống muỗi từ ngoài Trung ương chuyển vào, phía Trung tâm chỉ nhận rồi cấp phát về các địa phương. Sau khi phát, Trung tâm cũng chưa có thời gian để đánh giá, nắm bắt việc sử dụng màn cấp từ người dân. Riêng việc người dân sử dụng màn này để làm lồng cá, che hoa quả, nhốt gia cầm… thì tôi chưa nghe. Chúng tôi tiếp nhận thông tin này, sẽ cho anh em kiểm tra lại”- ông Công nói.
Lê Văn Ngọc