Lắng nghe tiếng nói của dân!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Quảng Nam vừa ban hành đề án thí điểm thành lập tổng đài dịch vụ công để tiếp nhận phản ánh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Chuyện tưởng rất bình thường nhưng rất cần suy nghĩ.
Bình thường bởi việc "tiếp nhận phản ánh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp" là đương nhiên phải thế. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương đều do dân cử ra… Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân". Rồi Người dạy: "Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh".
Chính quyền muốn dân đồng hành, đồng lòng để ra sức cống hiến, hà cớ gì lại vẽ chuyện để khó dễ khi dân cần hỗ trợ, cần phản ánh. Nhưng thực tiễn vẫn nhiều nơi làm thế, nên dân vẫn ca thán. Dân phản ánh thường là khi có chuyện bức xúc, không biết kêu ai mới kêu chính quyền. Tin thì mới kêu chính quyền. Doanh nghiệp cũng thế, gặp khó khăn trong làm ăn thì mới lụy chính quyền, trước hết là cần được người của chính quyền lắng nghe.
Nhưng có nơi dù vẫn nói là "chính quyền của dân", "vì dân phục vụ" nhưng dân rất ngại khi có việc phải đến trụ sở công quyền. Ngại vì đến trụ sở, mới gặp bảo vệ đã thấy ngay sự hách dịch, gặp cán bộ càng nản, rồi khốn khổ vì muốn được việc là phải "biết điều", rất nhiều chuyện để hành.
Làm dân, kể cả làm doanh nghiệp, không sướng gì bằng được sống ở nơi có được chính quyền lo cho dân, mà nói rõ ra là phải thấy được hành động cụ thể từ những người đứng đầu chính quyền. Ở thời điểm này thì không khó để chỉ ra những địa phương, cơ quan đã làm được như thế, tiếc là vẫn số ít.
Quảng Nam những năm qua rất nỗ lực trong cải cách hành chính. Ở bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019, Quảng Nam nằm vào vị trí đứng đầu tốp 11 địa phương có thứ hạng "tốt" - kết quả tập hợp từ khảo sát ý kiến của khoảng 12.400 doanh nghiệp trên cả nước, địa phương nào mà dịch vụ công không tốt, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn khi tiếp cận chính quyền thì mất điểm ngay.
Nói như thế để thấy từ một tỉnh nghèo, hành chính trì trệ, nay Quảng Nam đã có những chuyển biến tốt về dịch vụ công. Nhưng bây giờ chính Quảng Nam vẫn thấy chưa thỏa mãn, vẫn phải cải cách tiếp, "tốt" nhưng chưa phải "rất tốt", vậy thì phải lắng nghe dân và doanh nghiệp nhiều hơn nữa nếu muốn "khoan thư sức dân".
Một trong những việc Quảng Nam chọn để tiếp tục dấn tới chính là lập tổng đài dịch vụ công. Nghe thì đơn giản, nhưng đó là hệ thống giao tiếp đa kênh, khả năng mở rộng lên đến 100 cuộc gọi đồng thời; tích hợp đa dịch vụ. Người dân, doanh nghiệp có thể góp ý, phản ánh thông tin bằng nhiều hình thức: Gọi đến số đường dây nóng 1022, gửi thư điện tử, live chat, gửi tin nhắn qua Zalo, Facebook...
Tin là Quảng Nam sẽ làm được như những gì họ đã làm. Mà Quảng Nam làm được thì hà cớ gì tỉnh khác, bộ ngành khác không làm được? Dĩ nhiên, muốn làm được thì công chức ở đó phải giỏi, quan trọng hơn nữa là phải có tâm, có trách nhiệm để lắng nghe cho hết, truyền đạt cho đủ, tham mưu cho đúng thì lãnh đạo mới biết mà giải quyết cho "thấu tình đạt lý". 
Lương Duy Cường (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

'Cách mạng số' từ dân, vì dân

'Cách mạng số' từ dân, vì dân

Từ một thôn nghèo, người dân Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (H.Đồng Văn, Hà Giang) đã biết áp dụng mô hình kinh doanh homestay và đặc biệt là sử dụng các nền tảng số như Agoda, Booking và Facebook để quảng bá, thu hút hàng chục nghìn du khách trong nước và quốc tế.

Tính mạng con người là trên hết

Tính mạng con người là trên hết

Can dự vào sức khỏe của ai đó là điều mà những người có lương tri tối thiểu đều hết sức cân nhắc và thận trọng về trách nhiệm đạo đức cũng như trách nhiệm pháp lý. Vậy cớ sao lại cứ để tình trạng cơ sở khám chữa bệnh hoạt động không phép và vận hành sai quy định?

Thước đo dân sinh

Thước đo dân sinh

Cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023 và tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó tín dụng phục vụ đời sống bao gồm mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng trưởng cao nhất.

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Với những kết quả đã đạt được, VN được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

(GLO)- Mức tăng trưởng GDP 7,09% năm 2024 được ghi nhận là rất tích cực của nền kinh tế đất nước, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động kinh tế thế giới, khắc phục thiên tai.