Lặng lẽ dâng cho đời...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chu toàn trong công việc dạy học, sôi nổi, gây khí thế với nhiều công tác xã hội, dẫu ở lĩnh vực nào, thầy vẫn gặt hái những thành công đáng kể. Nhiều người ví thầy như con tằm rút ruột nhả tơ. Rất đúng! Còn tôi, tôi thích ví thầy như những “mùa xuân nho nhỏ”, như “những nốt nhạc xanh”. Những lần trò chuyện, thầy luôn mang lại cho tôi sự lạc quan, yêu đời, ham sống đến vô cùng. Đó là thầy giáo Trần Anh Tuấn-giáo viên Trường THPT Nguyễn Khuyến (thị xã An Khê).

Duyên nợ cuộc đời

Sinh ra tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, nhưng thầy Trần Anh Tuấn theo cha mẹ vào Tây Nguyên, chọn đất Gia Lai “an cư lạc nghiệp”. Tuổi trẻ gắn với cuộc đời sinh viên qua nhiều giảng đường đại học với các chuyên ngành Văn khoa, Luật khoa, Quản trị ở Sài Gòn cũng đủ cho biết thầy là một chàng trai miền Trung hiếu học đến chừng nào.

 

Thầy Trần Anh Tuấn và các học sinh. Ảnh: T.N
Thầy Trần Anh Tuấn và các học sinh. Ảnh: T.N

Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, theo yêu cầu của Đảng và Nhà nước, thầy đã về dạy học môn tiếng Anh ở trường cấp II Nguyễn Văn Trỗi (thị xã Pleiku); vừa dạy học, vừa lái xe đưa đón học sinh. Thầy kể: Thời điểm đó, người ta hay truyền tụng câu “Lái chính, lái phụ, thuế vụ, công an”, bấy giờ, thầy vừa trẻ, vừa khỏe, vừa có bằng lái xe, rất có cơ hội để kiếm tiền; nhưng không hiểu sao, thầy vẫn chọn nghề “gõ đầu trẻ” làm nghiệp chính. Ấy là chưa nói đến mấy anh phụ trách bên ngành Văn hóa-Thông tin và Du lịch của tỉnh nhà cũng có “chiêu” thu hút “hiền tài” (bởi phát hiện thầy có năng khiếu văn nghệ) nhưng thầy đều khéo léo chối từ.

Rồi, thầy về An Khê công tác. “Đất lành, chim đậu”, thầy mải mê dạy học và hoạt động xã hội, gần 40 tuổi, thầy mới chịu mở cửa trái tim. Một tình yêu đẹp như huyền thoại giữa thầy Trần Anh Tuấn với cô giáo Đào Thị Lý đã khiến thầy gắn kết với mảnh đất An Khê như một duyên nợ cuộc đời: “Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”…

Những “mùa xuân nho nhỏ”

Những mùa xuân đi qua đời thầy, thầy vẫn lặng im không đếm tuổi. 38 năm đứng trên bục giảng với công việc “trồng người”, mái tóc thầy bây giờ đã có nhiều sợi ngả màu mây trắng. Nhẩm lại những gì đã làm, thầy chỉ mỉm cười “có gì đâu”.

 

“Có gì đâu” của thầy là 15 lần nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua và giáo viên giỏi, 31 bằng khen, huy chương và kỷ niệm chương các loại. Thành tích tương đối “khủng” ấy đã cho thấy sự cống hiến không bé nhỏ của thầy với ngành Giáo dục.

Thầy là một thực thể hội tụ nhiều năng khiếu. Sử dụng thành thạo 10 loại nhạc cụ khác nhau như thầy thì quả là “xưa nay hiếm”. Tôi đã từng là “fan hâm mộ”nhiệt tình của thầy trong mỗi hội thi do các đoàn thể, ban ngành tổ chức. Có khi tôi thấy thầy xuất hiện dưới hàng “ghế nóng” với vai trò giám khảo, có khi thầy như một diễn viên quần chúng với cây đàn Accordeon du dương, bãng lãng như một nghệ sĩ chuyên nghiệp trên sân khấu trong tiếng vỗ tay rầm rào với bao ánh nhìn ngỡ ngàng của khán giả.

Có khi ôm Guitar với âm sắc ngọt ngào, thầy đã hát lên những khúc ca tuyên truyền đầy hào hứng, mê say. Có thể nói, chưa có nhạc sĩ nào sáng tác nhiều hơn ca khúc tuyên truyền về đường lối chính sách, bài trừ các tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa như thầy. Và, giải thưởng “Tuyên truyền viên xuất sắc cấp tỉnh” dành cho thầy đâu phải là không xứng đáng. Ngoài ra, những ca khúc trữ tình do thầy sáng tác như “An Khê quê tôi”, “Quê hương”, “Tình khúc Kokring”, “Biển và em” cũng rất đậm đà bản sắc dân tộc, thuần túy về miền quê Việt Nam yêu dấu, đã được Hội Văn học-Nghệ thuật Gia Lai đánh giá cao, được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai tặng giấy khen.

Là người An Khê, ít ai không biết đến thầy Trần Anh Tuấn. Người ta quen thuộc hình ảnh một thầy Tuấn trẻ trung, đẹp đẽ, tỏa sáng trên khán đài về các sự kiện văn hóa-nghệ thuật. Một thầy Tuấn với chất giọng mềm mại, trong trẻo, nhưng cũng rất ấm áp đến nao lòng khi dẫn chương trình. 10 lần làm người “đưa lối chỉ đường” cho đoàn nghệ thuật An Khê tham gia hội diễn cấp tỉnh, thầy vừa làm đạo diễn, diễn viên, vừa làm MC, thầy đã từng được công nhận là diễn viên xuất sắc.

Những người yêu mến thơ ở Tây Sơn Thượng đạo làm sao có thể quên được từ năm 2005 đến nay, mỗi lần cứ đến Rằm tháng Giêng, thầy Tuấn lại xuất hiện trong Ngày Thơ Việt Nam với vai trò là người thiết kế chương trình và là một MC dạn dày kinh nghiệm. Đây là hoạt động văn nghệ nổi bật nhất hàng năm thu hút đông đảo đại biểu chính quyền, những người yêu thơ, giáo viên, giáo sinh, học sinh tham dự.

Các tập san nhỏ nhắn, xinh xinh do thầy thiết kế là quà tặng cho khách mời đã đọng lại trong lòng họ những tình cảm dạt dào. Trong suốt 25 năm qua, thầy đã tổ chức nhiều chương trình từ thiện có ý nghĩa như: du khảo về nguồn, vòng tay nhân ái, nhân đạo từ thiện… tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Thầy là người tìm hiểu, liên hệ các nguồn tài trợ, lên kế hoạch, lập danh sách đề nghị cấp học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó, học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn đột xuất, gặp tai nạn, bệnh tật… Thầy đã từng liên hệ với Trung tâm Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh, mời đoàn thiện nguyện về An Khê tiến hành khám sàng lọc 102 trẻ em bị khuyết tật, cấp thuốc, xe lăn cho các em…

Gần 40 năm công tác, thầy Tuấn đã làm những việc thiện cho người, cho đời. Bao thế hệ học trò đã đi qua, bây giờ đã và đang công tác khắp mọi miền đất nước, khi nhắc về thầy, ai cũng đều dành cho thầy những ngôn từ giàu biểu cảm và sự ngưỡng mộ chân thành. Tôi nhớ có dịp vinh dự được gặp một số cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh về An Khê công tác, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn-nguyên là Bí thư Thị ủy lúc bấy giờ đã giới thiệu với các vị đầy tự hào rằng: “Thầy Tuấn là công dân số một của An Khê đó!”. Vâng! Thầy Trần Anh Tuấn cứ như những “mùa xuân nho nhỏ”, cứ hiến  “dâng cho đời”, còn gì đẹp hơn, quý hơn khi thầy đã góp một phần công sức của mình để làm cho quê hương An Khê thêm tràn ngập sắc xuân…

 

Như “những nốt nhạc xanh”

Từ khi nhận quyết định nghỉ hưu đến nay, thầy Tuấn vẫn hăng say, nhiệt tình trong công tác và các nhiệm vụ được phân công. Thầy vẫn vui vẻ lên lớp, ôn thi và thực hiện các hoạt động trường phân công. Được biết, sau khi thôi công tác ở trường, thầy vẫn còn có những nhiệm vụ liên quan đến Hội Chữ thập đỏ, Khuyến học-Khuyến tài, xã hội học tập, Hội Văn học-Nghệ thuật, Nghiệp đoàn Nhiếp ảnh…

Đặc biệt, công tác nhân đạo, từ thiện và văn nghệ đã ăn sâu vào con người thầy dường như là máu thịt. Bao nhiêu hoàn cảnh thương tâm đang cần có thầy chia sẻ. Bao nhiêu hoạt động văn nghệ ở địa phương, lẽ nào thầy có thể làm ngơ. Đây là điều dễ dàng nhận thấy khi so sánh thầy với những giáo viên về hưu khác. Tôi đùa với thầy: “Vậy là thầy nghỉ hưu chứ đâu phải là nghỉ việc”. Thầy cười thật tươi: “Đời là sự cống hiến cho các hoạt động xã hội, mang lại niềm hạnh phúc, niềm vui cho mọi người mà”.

Chia sẻ và tâm sự với tôi, thầy thật sự mãn nguyện về những công tác đã hoàn thành một cách xuất sắc kể cả trong nhà trường và ngoài xã hội, ở địa phương và phạm vi toàn tỉnh: “Uy tín và các thành tích trong nhiều lĩnh vực đã cho phép tôi ngẩng cao đầu và thảnh thơi”-thầy chia sẻ. Trên gương mặt thầy, tôi không thấy có dấu hiệu nào của người cao tuổi. Rất tiếc, tôi không là nhạc sĩ để viết lên đó hàng ngàn thanh âm trong trẻo, thiết tha và trìu mến. Mặc cho “thời gian qua kẽ tay, làm khô những chiếc lá”, tôi vẫn cảm nhận rằng tất cả những gì mà thầy Trần Anh Tuấn đã, đang và sẽ còn đóng góp cho đời vẫn mãi mãi như những nốt nhạc… xanh.

Nguyễn Thu Nguyệt

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.