(GLO)- Một dự án có tên gọi “Làng du lịch Jrai nguyên tác khép kín” nằm ngay trên sườn núi lửa Chư Đăng Ya (xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah, Gia Lai) với kinh phí khoảng 1 triệu USD đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư lên phương án đầu tư. Đây được xem là dự án xúc tiến đầu tư du lịch có tính khả thi cao trong phát triển chuỗi du lịch trên địa bàn tỉnh.
Ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: Hiện nay, một số địa phương trong nước và nhiều nơi trên thế giới đang phát triển rất hiệu quả loại hình du lịch khám phá. Theo đó, du khách không chỉ đến trong ngày một, ngày hai để chụp ảnh lưu niệm, ăn vài thứ đặc sản hoặc lưu lại trong một khoảng thời gian rất ngắn rồi tối đến ra thành phố nghỉ tại khách sạn... mà họ còn có thể lưu lại dài ngày để cùng ăn, cùng ở, cùng tìm hiểu, trải nghiệm và khám phá ẩm thực, cảnh đẹp và văn hóa bản địa.
Du khách leo núi Chư Đăng Ya. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc |
Chính vì vậy, ngay sau khi tỉnh có chủ trương phát triển chuỗi du lịch trong chương trình quy hoạch tổng thể năm 2019 và những năm tiếp theo, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai xây dựng dự án “Làng du lịch Jrai nguyên tác khép kín” được quy hoạch trên diện tích khoảng 5 ha bên mạn sườn núi lửa Chư Đăng Ya. Theo đó, làng du lịch nguyên tác kiểu này sẽ có rất nhiều hạng mục dựa trên cốt lõi kiến trúc truyền thống của người Jrai bản địa gồm: hàng chục ngôi nhà sàn truyền thống, bên trong có đủ điều kiện sinh hoạt đời thường như: bếp lửa, nơi ủ rượu ghè; giọt nước; nhà mồ; nơi sản xuất, chăn thả gia súc, gia cầm; điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng… khép kín để phục vụ các đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế có nhu cầu nghỉ lại, khám phá khi đặt chân tới đây. Kèm theo đó là hàng loạt dịch vụ chuyên nghiệp của đội ngũ tiếp viên là người dân tộc thiểu số thân thiện, khả năng giao tiếp và khả năng ngoại ngữ tốt, phục vụ bán các mặt hàng thổ cẩm, đặc sản ẩm thực cho du khách. Nguồn vốn để thực hiện dự án khoảng 1 triệu USD do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ, dự kiến thực hiện trong 2 năm 2019-2020.
Để dự án này sớm thành hiện thực, cái khó lớn nhất hiện nay đối với ngành chức năng và chính quyền địa phương là công tác giải phóng mặt bằng để có quỹ đất khoảng 5 ha ngay trên diện tích mà lâu nay bà con đang canh tác. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề xuất phương án kèm theo, đó là xây dựng mô hình hợp tác xã của làng du lịch, xã viên là người có quỹ đất góp vào dự án mà không nhận tiền đền bù hoặc có thể tham gia một số hạng mục, một số phần việc cụ thể để phục vụ du khách ăn ở, sinh hoạt dài ngày. Để đảm bảo tính chuyên nghiệp, đội ngũ bán hàng, tiếp viên, phục vụ cần được tập huấn, đào tạo kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, giải quyết công việc một cách bài bản.
Hiện nay, quanh khu vực núi lửa Chư Đăng Ya, một số hộ dân có quỹ đất rộng cũng đang âm thầm xây dựng điểm dừng chân phục vụ du khách sau khi khám phá núi lửa như: nhà lợp cỏ tranh, vườn cây ăn quả, dịch vụ câu cá, dịch vụ ẩm thực... Tuy nhiên, các dịch vụ này vẫn chưa được nhiều người biết đến bởi chưa có sự quảng bá, đầu tư bài bản, còn tự phát, nhỏ lẻ, đường đi không thuận…
Với những ý tưởng tốt, cách làm du lịch sáng tạo, hy vọng trong tương lai gần, “mỏ vàng” núi lửa Chư Đăng Ya sẽ được khai thác một cách hợp lý, đem lại hiệu quả cao nhất cho địa phương.
Gia Cư