Làng chài nghèo mưu sinh: Tháng giêng là tháng... chổng mông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi chúng tôi hỏi, quê mình tháng giêng có còn ăn chơi không, anh Nguyễn Hữu Đô, một người dân thuộc vùng biển ngang Tam Tiến (H.Núi Thành, Quảng Nam), nói một câu hóm hỉnh: “Tháng giêng là tháng chổng mông”.
Anh Đô giải thích: Trong khi thiên hạ còn coi tháng giêng là tháng ăn chơi, thì những người dân ven biển ngang này đã xông ra biển cào ốc ruốc. Nỗi vất vả của nghề cào ốc, đặc biệt là tư thế khom người tì vào chiếc cào, đi thụt lùi để cào ốc, được anh Đô tếu táo nói: “Tháng giêng là tháng... chổng mông”.
Nửa đêm… “ra trận”
Biết tôi có ý định tìm hiểu về nghề cào ốc ruốc, Nguyễn Hữu Tiến, một tay khai thác các loài nhuyễn thể như phi, sò, ốc ruốc có tiếng ở thôn Ngọc An, xã Tam Tiến, bảo: “Tầm 1 giờ sáng chú lên nhà đi với cháu”.
Mới vừa sau 3 ngày tết, quá nửa đêm trời còn phảng phất mưa và se lạnh. Tôi cố gắng lắm mới chui ra khỏi chăn, nai nịt cho đủ ấm rồi lên nhà Tiến. Khoảng thời gian này, nhiều người dân ở đây đã lục tục dậy chuẩn bị ăn lót dạ để ra biển cào ốc. Đồ hành nghề chính của họ là chiếc cào được làm từ một thân tre chẻ phần gốc gắn lưỡi cào sắt có nối với chiếc đãy (túi) lưới. Để ốc vào đãy lưới, ngư dân phải khum lưng xuống, đi thụt lùi, rồi nhấn cào sâu xuống lớp cát và kéo.

Nửa đêm người dân thức dậy đi cào ốc ruốc. Ảnh: Quang Viên
Nửa đêm người dân thức dậy đi cào ốc ruốc. Ảnh: Quang Viên
Tôi theo Tiến ra đến biển. Mới hơn 2 giờ sáng, trời tối không nhìn rõ mặt người. Ngoài bãi biển, cái lạnh còn “da diết” hơn ở nhà. Thế nhưng, cách mép nước vài mươi mét, đã có một số người dầm mình cào ốc. Dọc bờ biển dài mấy cây số, những chiếc đèn pin của người dân đi cào ốc lấp lóa như ma trơi.
Bà Phạm Thị Lơi (63 tuổi) người sũng nước khệ nệ kéo đãy chứa ốc ruốc vô bờ, tôi căng mắt để bấm vài tấm hình. Đèn máy ảnh lóe lên, bà Lơi cất giọng: “Ai ri?”. Biết tôi là nhà báo, bà Lơi trải lòng: “Kiếm miếng cơm khổ kinh chú ơi. Mà răng chú không để sáng rồi ra chụp hình, viết bài mà đi giờ ni cho lạnh?”.
Đổ đãy ốc ruốc ra xô, bà Lơi cho biết thêm: “Cào hồi 3 giờ sáng tới chừ được bi nhiêu đây. Cào tới 9 giờ sáng chắc được 4 xô, cũng được 240.000 đồng”. Tôi hỏi dầm mình dưới nước trong thời tiết như thế có lạnh không, bà Lơi thật thà nói: “Lạnh chớ răng không. Lạnh mà có gạo ăn còn hơn ấm mà đói”. Người phụ nữ này nếu là công nhân viên lẽ ra phải được nghỉ hưu, vui thú tuổi già nhiều năm rồi. Nhưng với bà, chừ muốn có cái ăn phải “lăn ra biển”. Chồng mất cách đây mấy năm, 63 tuổi bà Lơi bì bõm trong nước biển lạnh ngắt lúc 3 giờ sáng để đi… thụt lùi cùng với cái cào nhằm kiếm “lộc biển” mỗi năm nổi lên chừng 3 tháng.
Còn làm nghề đánh bắt cá biển, nhưng đến mùa biển động, anh Nguyễn Hồng Tín (52 tuổi) và vợ Nguyễn Thị Chức (45 tuổi) cũng phải cào ốc ruốc mưu sinh. Hôm nay, vợ chồng anh Tín đi từ lúc 2 giờ sáng. Nhờ anh Tín còn khỏe, cào ở xa bờ hơn, nên đến tầm 5 giờ sáng gom thành quả lao động cật lực cả vợ lẫn chồng đã được 5 xô ốc. Bình quân 60.000 đồng/xô, vợ chồng anh Tín cũng bỏ túi được 300.000 đồng. “Chừ còn cào đến 9 giờ sáng chớ chưa nghỉ được đâu. Mấy tháng đút chèo vô bụi (nghỉ đánh bắt xa bờ - PV) có lộc biển ni cũng đỡ khổ”, anh Tín bày tỏ.

Một xô ốc ruốc loại nhỏ chỉ được 60.000 đồng
Một xô ốc ruốc loại nhỏ chỉ được 60.000 đồng
Gạo, vàng và nước mắt
Ở đây ốc ruốc còn được gọi là ốc gạo. Thật sự nhiều người dân sống dọc bờ biển Quảng Nam, đặc biệt là xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), xã Tam Tiến (H.Núi Thành) khi tàu thuyền lớn vào mùa biển động không thể ra khơi nhiều tháng liền, thì con ốc ruốc sát bờ chính là gạo của họ. “Ở cái làng ni từ tháng chạp đến chừ nhiều người sống được là nhờ ốc này”, Nguyễn Hữu Tiến nói.
Theo tìm hiểu, trong tháng chạp ốc ruốc còn nhỏ nên khai thác được chủ yếu bán cho những người nuôi tôm hùm. Ốc nhỏ nên giá thấp. Tuy nhiên, một người chịu khó, chịu khổ cào tầm 5 - 6 tiếng cũng kiếm từ 300.000 - 400.000 đồng. Có những gia đình vợ chồng, con cái đều cào ốc ruốc nên cộng dồn một buổi trên dưới 1 triệu đồng.
Miệt mài cào một buổi, gia đình gồm 3 người của anh Huỳnh Văn Tính hào hứng với thành quả mười mấy xô ốc, thu về khoảng 900.000 đồng. “Ở bãi ngang ni, mùa không thể đi mành, đi giã cào thì kiếm chừng đó tiền còn chi bằng”, anh Tính tâm sự. “Tui đàn ông còn sức nên cào ở mực nước sâu, ốc nhiều hơn. Còn vợ anh và con gái chỉ cào ở mực nước cạn, ít ốc”, anh Tính nói thêm.

Cảnh cào ốc ruốc
Cảnh cào ốc ruốc
Phần lớn người đi cào ốc là kiếm gạo để nuôi gia đình. Nhưng có những thanh niên khỏe mạnh, siêng năng, coi thường sóng dữ, sẵn sàng cào ở khu vực nguy hiểm thì thu nhập từ nghề cào ốc ruốc là mơ ước của nhiều người. Chàng trai Nguyễn Hữu Tiến được coi là “quái kiệt” khai thác các loại nhuyễn thể ở địa phương này. Cào ốc ruốc cũng đem lại thu nhập rất cao cho Tiến. Anh Nguyễn Hữu Đô, chú ruột của Tiến, chia sẻ: “Hắn chưa lấy vợ mà làm giỏi kinh lắm. Mùa phi hắn bắt phi. Mùa sò hắn lặn sò. Mùa ốc ruốc hắn cào ốc ruốc. Mỗi ngày hắn kiếm tiền triệu chớ đâu có giỡn. Tiền làm phi, sò, ốc ruốc hắn đổ vàng, gửi ngân hàng. Nể hắn luôn”.
Tôi hỏi Tiến: “Xông ra mực nước sâu để cào ốc ruốc trong khi sóng biển to, ao có dòng xoáy thì sợ không?”. Tiến cười tươi: “Sợ chi chú. Kiếm được tiền nhiều thì ham lắm”. Tiến không sợ, nhưng thật sự có không ít người sợ. Câu chuyện những năm trước có hai người đi cào ốc ruốc bị sóng biển cuốn trôi và bỏ mạng luôn ám ảnh họ. Nước mắt người thân của những người cào ốc ruốc không may bị nước cuốn, chết đuối, từng thấm dọc bờ biển này. Ai cũng nhớ như in buổi sáng tang thương ngày 18.2.2014. Lúc đó, một nhóm 4 người ở thôn Hà Quang, xã Tam Tiến đi cào ốc ruốc. Vì mải mê cào ốc không để ý nên cứ đi ra xa bờ, gặp sóng lớn, ao nước xoáy đã cuốn 2 người ra xa và chết. Hai người còn lại may mắn bơi được vào bờ.
Đối diện với cái lạnh buốt, chịu vất vả đủ bề và biết cả những rủi ro tiềm ẩn, nhưng vào mùa ốc ruốc ở làng chài này vẫn như hội mùa kiếm gạo của nhiều người. Biển quê, tháng 2 này chúng tôi ra biển, thấy người dân cào được “gạo” ngay sát mép nước sao lại không vui lây. Nhưng thật tình, vui mà vẫn cứ lăn tăn nỗi buồn.
(còn tiếp)
Mùa ốc ruốc bắt đầu từ tháng chạp đến tháng 3 âm lịch. Trong tháng chạp ốc ruốc còn nhỏ, chỉ bán cho những người nuôi tôm hùm nên giá khoảng 60.000 đồng/bao (loại bao 25 kg). Sau tết nguyên đán, ốc ruốc đã lớn nên trở thành món ăn vặt ngon miệng của nhiều người. Lúc này giá ốc tăng lên khoảng 300.000 đồng/bao.
Theo Quang Viên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cán bộ, chiến sĩ Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Ayun Pa chữa cháy kho mì tại thôn Plei Tăng A, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Lính cứu hỏa trên mặt trận không tiếng súng

(GLO)-Nghề nào cũng có vinh quang riêng, song với cán bộ, chiến sĩ phòng cháy và cứu nạn cứu hộ, bên cạnh niềm tự hào nghề nghiệp còn là sự hy sinh thầm lặng. Trên mặt trận không có tiếng súng, không có tội phạm nhưng muôn vàn nguy hiểm, họ luôn dốc hết sức mình vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

null