Làng biển trong 'bão' giá xăng dầu - Kỳ 3: Vắng lặng cửa Gianh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiều đang dần buông trên cửa Gianh, nơi được xem là nhộn nhịp nhất của tỉnh Quảng Bình về nghề cá và dịch vụ hậu cần nghề cá, nhưng không hề thấy bóng dáng một chiếc tàu cá nào vào ra. Trên bờ, những người đàn ông ngồi bất động nhìn ra phía biển. Họ nói, ra đây hóng gió để vơi đi nổi nhớ mùi tanh nồng vị biển.
Nguy cơ đói kém, mất nhà
Đang mùa đánh bắt nhưng hai bên bờ cửa Gianh kín đặc tàu thuyền, những ngư dân ở đây nói tình trạng này bắt đầu diễn ra từ sau Tết Nguyên đán và kéo dài cho đến nay. Thi thoảng vẫn có vài chiếc tàu cá đánh bắt xa bờ nhổ neo ra khơi để “bấm dầu” (diện hỗ trợ chi phí nhiên liệu của Chính phủ dành cho những tàu đánh bắt xa bờ một năm một lần). Số còn lại không thuộc diện “bấm dầu”, hoặc đã “bấm dầu” thì nằm bờ chờ giá dầu hạ nhiệt.
Hai chủ tàu là anh Phượng và anh Lưu ngồi ngóng biển
Hai chủ tàu là anh Phượng và anh Lưu ngồi ngóng biển
Gặp hai người đàn ông ngồi trên bờ kè biển phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn nhìn ra phía biển. Buồn rầu, chán chường hiện rõ trên khuôn mặt của hai ngư dân dạn dày sương gió. Anh Nguyễn Văn Phượng, chủ tàu cá đánh bắt xa bờ có công suất 822 mã lực tâm sự: Trước đây tàu anh làm nghề vây rút, thấy giá dầu tăng, để giảm chi phí anh chuyển sang nghề chụp. Chuyến mở biển đầu năm anh lỗ 18 triệu đồng, chuyến tiếp theo lỗ 150 triệu đồng. Không còn vốn lưu động, anh đành cho tàu nằm bờ từ đó đến nay. “Gia đình tôi 5 người sống chủ yếu nhờ vào chiếc tàu này. Nay tàu không ra khơi được, mất hẳn nguồn thu nhập, lãi ngân hàng thì tháng nào cũng trả. Mấy tháng nay gia đình tôi đã phải đi vay tiền để trang trải cuộc sống và trả lãi ngân hàng. Nếu tình trạng này kéo dài thì nguy cơ đói kém, mất nhà là hiện hữu” - anh Phượng nói.
Đại úy Phan Văn Hoàng, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Cửa Gianh cho biết: Trạm này kiểm soát 1.345 tàu cá, trong đó có 387 tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân hai bên bờ sông Gianh, chưa tính tàu cá ngoại tỉnh cũng thường xuyên vào ra cửa Gianh để trao đổi hàng hoá. Trước đây, bình quân mỗi tháng có hơn 500 tàu cá xuất, nhập cửa Gianh nhưng nay thì rất ít, chưa đến 1/3, mà đa số là thuyền đánh bắt vùng lộng. “Đánh vùng lộng chi phí xăng dầu ít nhưng nhiều thuyền đi về cũng lỗ. Ngư dân tâm tư lắm, họ nói nếu kéo dài chắc không trụ nổi” – Đại úy Hoàng chia sẻ.
Bi đát hơn anh Phượng, anh Lê Hồng Lưu cũng đang sở hữu chiếc tàu đánh bắt xa bờ 822 mã lực, nhưng phải nằm bờ từ tháng 8 năm ngoái đến nay. Để làm chủ chiếc tàu này anh vay ngân hàng 7 tỷ đồng và vay mượn họ hàng, làng xóm 3 tỷ nữa để làm vốn đối ứng. Làm nghề vây rút, mỗi chuyến đi chi phí khoảng 500 triệu đồng, trong đó tiền nhiên liệu mất 220 triệu đồng. “Tôi đóng tàu này năm 2016 và được xem là làm ăn may mắn. Nhờ tích góp tôi đã trả được nợ vay ngoài và 3 tỷ tiền gốc của ngân hàng. Nếu không có gì thay đổi thì chỉ vài năm nữa tôi sẽ trả hết nợ, cuộc sống sẽ khấm khá lên. Nhưng không ngờ, giá xăng dầu tăng quá cao, nếu tàu xuất bến thì cầm chắc phần lỗ nên đành nằm bờ. Không có thu nhập nhưng tháng nào gia đình tôi cũng phải trả lãi ngân hàng 30 triệu đồng không thiếu một xu. Nếu tình trạng này kéo dài mà Nhà nước không có chính sách hỗ trợ ngư dân như khoanh nợ, giãn nợ thì gia đình tôi chỉ còn nước ra đứng đường” - anh Lưu chia sẻ.
Không chỉ hai ngư dân nói trên, mà hầu hết những ngư dân lâu nay bám biển, sống dọc hai bên bờ sông Gianh cũng đang xao xác, người thì bán tàu, kẻ rời làng làm thuê làm mướn vì “bão” giá xăng dầu. Anh Hoàng Văn Hoà, xã Quảng Minh cũng vay hơn 10 tỷ đóng tàu đánh bắt xa bờ, làm ăn thất bát, để lại tàu cho người anh trai trông coi, còn mình thì tìm đường xuất khẩu lao động.

Phó Giám đốc Nguyễn Tô My ngồi thẫn thờ trên cầu cảng cung cấp đá lạnh của mình
Phó Giám đốc Nguyễn Tô My ngồi thẫn thờ trên cầu cảng cung cấp đá lạnh của mình
Nhiều cơ sở dịch vụ nghề cá đóng cửa
Hai bên bờ cửa Gianh có hàng chục công ty chuyên phục vụ hậu cần nghề cá, từ đá lạnh, xăng dầu, ngư cụ, kho lạnh chứa hải sản. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, sản lượng cứ tụt dần, nên nhiều cơ sở phải đóng cửa để cắt lỗ.
Anh Nguyễn Tô My, Phó Giám đốc Công ty Đá lạnh Hà Mến to nhất nhì phường Quảng Phúc cho biết: Ngày trước cơ sở đá lạnh của anh bình quân mỗi tháng bán ra trên 15.000 cây đá lạnh để phục vụ các tàu đánh bắt xa bờ, nhưng nay chỉ còn dưới 2.000 cây. Doanh thu sụt giảm từ 200 triệu đồng/tháng, nay chỉ còn chưa đến 30 triệu đồng, không đủ trả tiền điện và lương công nhân.
Ngoài ra công ty anh My còn có một kho lạnh bảo quản hải sản chuyên cung cấp cho thị trường Trung Quốc. “Không chỉ ảnh hưởng vì giá xăng dầu, mà những công ty làm ăn với Trung Quốc như bọn em còn thất bát kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Phía Trung Quốc đóng cửa biên giới, giá cá hố sụt giảm từ 150.000 đồng một kilogam, xuống còn 60.000 đồng. Phía Trung Quốc cửa khẩu khi mở, khi đóng bất thường, khiến nhiều chuyến xe của công ty em phải vứt cá tại cửa khẩu để quay về. Để duy trì kho lạnh, một ngày mất 9 triệu tiền điện, chịu không nổi, em cho đóng cửa luôn để cắt lỗ” - anh Tô My tâm sự.
Đối diện phường Quảng Phúc, phía bên kia sông là xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, nơi có âu thuyền Thanh Khê và tập trung dày đặc các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá cũng bi đát không kém. Hầu hết các cơ sở đều đóng cửa im lìm, kho bãi trống trơn không một bóng người. Gọi cửa một cơ sở có vẻ lớn nhất ở đây, một người đàn ông gương mặt khắc khổ đi từ trong ra.
Người đàn ông này giới thiệu mình tên Hoàng Huân, quê ở xã Hải Phú, huyện Bố Trạch ra đây mở kho lạnh này. Kho lạnh của ông có công suất chứa 100 tấn hàng/ngày và hơn 100 công nhân phục vụ thường xuyên. Bình thường, cơ sở của ông thu mua các loại cá, mực… sơ chế rồi cấp đông để đưa đi các tỉnh hoặc xuất khẩu. Kể từ khi giá xăng dầu tăng cao, tàu cá không ra khơi đánh bắt, thu mua không có, ông đành cho công nhân nghỉ và đóng cửa kho lạnh. “Ngày trước ở đây nhộn nhịp lắm, tàu bè và thương lái khắp nơi đổ về để mua bán. Hơn 100 công nhân của tôi thu nhập bình quân mỗi tháng hơn 8 triệu đồng. Nay thì chú thấy đó, chẳng một bóng người. Tôi từ ông chủ trở thành bảo vệ để đỡ chi phí” - ông Huân chia sẻ.
Theo ông Huân, giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng hầu hết đến các mặt đời sống xã hội, nhưng có lẽ bi đát nhất vẫn là ngư dân và những người làm dịch vụ nghề cá. “Những ngành nghề khác chỉ chịu ảnh hưởng về giá, còn ngành đánh bắt thuỷ sản và dịch vụ nghề cá thì gần như đóng băng không thể cựa quậy khi giá xăng dầu tăng cao” - ông Huân nói.
(Còn nữa)
Theo Hoàng Nam (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.