Làng bánh ú tro vào vụ Tết Đoan Ngọ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Đoan Ngọ, những ngày này, các làng nghề làm bánh ú tro của tỉnh Quảng Nam đang tất bật sản xuất. Nấu nồi bánh ú tro ngày mùng 5-5 âm lịch vừa là nét văn hóa ẩm thực bao đời, đồng thời còn tăng thêm thu nhập cho bà con tại địa phương.

 

Cả gia đình “chạy đua” cho kịp sản phẩm.
Cả gia đình “chạy đua” cho kịp sản phẩm.



Sản lượng ngày càng tăng

Những ngày đầu tháng 5 âm lịch, khí trời nồng ẩm sau những cơn mưa dông đầu mùa quyện cùng mùi lá đót, gạo nếp ngâm nước tro. Làng Hoán Mỹ (thị trấn Ái Nghĩa) được biết đến là nơi có nhiều hộ sản xuất bánh ú tro nhất, nhì tại huyện Đại Lộc. Đi dọc con đường dẫn vào làng, hướng thẳng đến những cột khói bay lên sẽ là nơi đang “chạy đua” cho kịp ra lò bánh những mẻ bánh.

Năm nay, lò bánh của gia đình bà Huỳnh Thị Hai (68 tuổi) thuê hơn 10 nhân công để tập trung làm kịp hoàn thành các đơn đặt hàng. Mỗi người một công đoạn từ tước sợi cói để cột bánh, xếp lá đót, vuốt nếp, đốt lửa...

 

Hình ảnh quen thuộc ở Tân Phong với những chiếc sào cùng các thợ làm bánh ngồi chung quanh.
Hình ảnh quen thuộc ở Tân Phong với những chiếc sào cùng các thợ làm bánh ngồi chung quanh.


Vừa vớt mẻ bánh mới ra lò, bà Hai phấn khởi: “Gia đình tôi làm bánh ú tro đến nay là 36 năm. Cả một năm tới tháng 5 âm lịch là dịp nghề nấu bánh ú ni có đầu ra. Tiểu thương ở Hội An, Tam Kỳ, Đà Nẵng gọi điện hối lấy bánh mà chưa kịp. Nhà tôi làm bánh cả ngày từ sáng sớm cho tới khuya mới nghỉ. Như nồi bánh mới vớt ra là khoảng 7.000 cái, nấu sôi liên tục cỡ bốn tiếng đồng hồ là vừa chín đạt. Việc canh bếp lửa cũng cần tới một người, bởi làm không khéo là bánh hư hết”.

Với số nhân công thuê thêm, gia đình bà Hai năm nay dự định làm hết năm tạ nếp nguyên liệu, tương đương gần 100 nghìn bánh thành phẩm. Xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ bánh ú tro vào dịp Tết Đoan Ngọ ngày càng tăng mà làng Hoán Mỹ vẫn giữ nghề này hàng chục năm qua.


 

 Các chục bánh được cô Huỳnh Thị Ngà buộc theo từng bó.
Các chục bánh được cô Huỳnh Thị Ngà buộc theo từng bó.



Không chỉ các lò làm bánh, đây cũng là dịp để người dân có thêm việc làm mùa vụ, tăng thu nhập. Hai mẹ con chị Huỳnh Thị Ngà (39 tuổi) tới “mùa” lại đến nhà bà Hai để gói bánh. Chị Ngà chia sẻ: “Với sức gói của tôi với con trai, một ngày làm được khoảng 2.000 bánh thành phẩm, tiền công khoảng 400 nghìn đồng/ngày. Tranh thủ để thêm chút thu nhập ngoài giờ làm ruộng”.

Để bánh ú có mùi thơm đặc trưng thì phải có nước tro của cây mè dùng để ngâm nếp. Dù bắt đầu gói bánh từ đầu tháng 5 âm lịch nhưng bà Hai đã sang xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc thu mua tro mè từ một tháng trước. Kỳ công của nghề nấu bánh ú tro cũng chính là ở khâu lấy nước, quyết định màu bánh vàng óng khi ra lò.

Những năm gần đây, nguồn lá đót địa phương giảm dần cùng nhu cầu bánh tăng lên, các hộ trong làng đặt lá đót từ các huyện vùng núi tỉnh Quảng Nam như Tây Giang, Phước Sơn với giá khoảng 11 nghìn đồng/kg lá.

Hiện nay, làng Hoán Mỹ còn khoảng 60 hộ đang sản xuất bánh ú tro hằng năm. Là nghề mang tính thời vụ, tuy nhiên, với giá bán ra từ 12.000-13.000 đồng/chục  bánh giúp bà con có nguồn thu nhập thêm những lúc nông nhàn. Đặc biệt, năm nay khi tình hình dịch bệnh ảnh hưởng nhiều đến các ngành nghề khác nhưng đơn đặt hàng bánh ú tro vẫn tăng lên giúp bà con thêm phấn khởi.

Hương vị thân thương, cả nhà cùng làm

Cách làng nghề Hoán Mỹ khoảng 10 km, tại làng Tân Phong (xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên) cũng là một nơi có nghề làm bánh ú tro bao năm qua. Đến Tân Phong những ngày này không khó để bắt gặp hình ảnh cả gia đình từ người già đến các em nhỏ quây quần bên nia nếp, xấp lá đót cùng làm bánh. Như một kinh nghiệm truyền lại, việc cột dây cói cho bánh luôn được chú trọng. Vừa cắt bớt dây buộc cho bánh, ông Đỗ Văn Tuấn (60 tuổi) chặp lâu lại quay sang nhắc các cháu cột dây cho kỹ. Bởi, bánh khi cho vào nồi nếu bị lọt nước sôi vào sẽ làm bánh dễ ôi thiu, mất đi vị mềm dẻo vốn có.

 

 Các em nhỏ tranh thủ dịp nghỉ hè phụ gia đình làm bánh kịp giao cho khách.
Các em nhỏ tranh thủ dịp nghỉ hè phụ gia đình làm bánh kịp giao cho khách.


Nhà ông Tuấn năm nay có thêm ba “nhân công nhí” trúng dịp nghỉ hè nên cùng phụ giúp gia đình. Em Trương Tâm Nguyên (16 tuổi) đã dần quen tay hơn với việc buộc bánh hồ hởi khoe: “Năm nào nghỉ hè em cũng phụ gia đình làm bánh, lúc còn nhỏ thì cắt lá, rửa lá, nay được lên làm gói bánh. Mỗi ngày em cũng làm được khoảng 300 bánh, phụ giúp cùng gia đình”.
 

 Bánh thành phẩm.
Bánh thành phẩm.


Việc gói bánh, đun lửa, vuốt nếp cũng đã theo bà Đinh Thị Sáu (84 tuổi) mấy chục năm nay. Đôi tay bà vẫn chắc khi cột sợi cói cho chiếc bánh có cạnh góc, vừa đủ chắc để nấu. Ngồi gói bánh với các con, cháu, bà cười hiền: “Già rồi chứ mắt tôi vẫn sáng lắm đó, gói bánh là vô tư”.

Ở làng Tân Phong hiện nay, ngoài nghề nông với cây lúa thì có nghề làm bánh truyền thống, trong đó có bánh ú tro đã dần trở thành một nghề cho thu nhập trong đời sống. “Tết Đoan Ngọ mà thiếu đi bánh ú tro thì không thể được. Cho nên chúng tôi luôn giữ cái nghề này cũng như sáng tạo thêm các mùi vị mới lạ cho bánh, nhờ đó mà hằng năm vẫn đều đặn cung cấp khoảng 50 nghìn bánh ra thị trường các địa phương lân cận như Đà Nẵng, có khi ngoài Huế cũng vô đây mua bánh của chúng tôi...”, ông Đỗ Văn Tuấn bày tỏ.

Bài và ảnh: TRƯỜNG AN
(Dẫn nguồn NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.