(GLO)- Là thạc sĩ kinh tế học và đang có công việc nhà nước ổn định, chị Lương Vũ Thảo Nguyên (số 11 Huỳnh Thúc Kháng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) khiến bạn bè, người thân bất ngờ với quyết định rẽ ngang sang nghề nấu phở. Và, càng bất ngờ hơn khi mới đây, chị trở thành chủ nhân của giải “Hoa hồi sáng tạo” trong cuộc thi “Đi tìm người nấu phở ngon”.
Từ giải thưởng này, chủ quán phở Nhớ Phố núi vinh dự đại diện cho phở khô Gia Lai để trở thành 1 trong 7 thương hiệu được phục vụ các đại sứ, nhà ngoại giao tại gala “Ngày của phở” (12-12) tổ chức ở Nam Định. Đây là chuỗi sự kiện do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, UBND tỉnh Nam Định, Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Vụ Thông tin báo chí, Báo Thế giới và Việt Nam (Bộ Ngoại giao) tổ chức.
Thạc sĩ kinh tế bỏ việc về nấu phở
Sinh ra trong gia đình có gốc gác của phở, mẹ chị Nguyên là chủ quán phở Bắc đã tồn tại gần 30 năm ở số 93 Phan Đình Phùng (TP. Pleiku). Chị Nguyên chưa từng nghĩ mình sẽ theo nghề phở. Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, chị tiếp tục bảo vệ thành công bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. “Đang yên đang lành” làm nhà nước, có vị trí cao trong công việc cùng mức thu nhập ổn định, chị gây bất ngờ khi rẽ ngang sang nghề nấu phở. “Tất cả mọi người đều lo lắng cho tôi, có người còn cho rằng, trong nhiều lựa chọn thì lựa chọn cuối cùng mới về làm “bà bán phở”. Còn bố mẹ tôi luôn kỳ vọng, với bằng cấp có được, tôi nên chọn công việc để có vị trí trong xã hội. Nhưng mỗi người chỉ sống có một lần trong đời, nếu sống với việc mình thích, làm việc mình yêu, nhất là có thể trao đi giá trị và có thu nhập thì đó đích thực là hạnh phúc”-chị Nguyên bày tỏ.
Chị Lương Vũ Thảo Nguyên mang phở khô Gia Lai đến cuộc thi “Đi tìm người nấu phở ngon”. Ảnh nhân vật cung cấp |
Được “thừa kế” quán phở Bắc lâu năm của gia đình, nhưng chị Nguyên lại muốn tìm hướng đi khác, khó khăn hơn. Cuối năm 2020, chị mở quán phở Nhớ Phố núi vào đúng thời kỳ khủng hoảng nhất do dịch Covid-19 bùng phát. Bà chủ 8X bộc bạch: “Tôi sinh ra trong gia đình có truyền thống nấu phở Bắc nhưng lớn lên tại Gia Lai. Có lẽ vì thế mà trong con người có tình yêu đặc biệt với cả phở truyền thống và phở khô. Chính điều này đã tạo nên sự khác biệt cho quán phở nhỏ của tôi so với những quán phở khác, từ hương vị cho đến phong cách phục vụ. Có những thực khách đến quán hàng ngày, nhiều gia đình cũng thường xuyên đến thưởng thức. Trẻ em thì thích phở Bắc vì sợi phở mềm, dễ ăn; còn người lớn lại thích phở 2 tô. Sau 2 năm, quán đã có một lượng khách ổn định”.
Khi được hỏi về cơ duyên đến với cuộc thi “Đi tìm người nấu phở ngon”, chủ nhân giải “Hoa hồi sáng tạo” bộc bạch: “Mang món ăn được công nhận giá trị ẩm thực châu Á phục vụ người yêu phở cả nước và bạn bè quốc tế tại “cái nôi của phở” Nam Định là một niềm vinh hạnh lớn của cá nhân tôi và cho cả thương hiệu phở khô Gia Lai. Thông qua sự kiện này, tôi muốn lan tỏa hương vị phở khô Gia Lai để mọi người biết đến món ăn đặc trưng, một chỉ dẫn cho ẩm thực cao nguyên. Từ đó có thể quảng bá được văn hóa và con người Gia Lai thông qua phở”. Chị Nguyên cho biết thêm, thực khách đất Bắc, nhất là các vị khách ngoại giao nước ngoài, các nhà báo đã dành nhiều lời khen cho món “phở 2 tô” đến từ Phố núi.
Lan tỏa tình yêu với phở
Cuộc thi “Đi tìm người nấu phở ngon” có sự hội tụ các thương hiệu phở danh tiếng cả nước, Ban giám khảo cũng là các nghệ nhân, đầu bếp nổi tiếng. Bởi vậy, chị Nguyên đã vỡ òa cảm xúc khi nghe Ban tổ chức xướng danh phở khô Gia Lai để trao giải thưởng sáng tạo. Nếu các năm trước chỉ có giải hoa hồi vàng, bạc thì đây là năm đầu tiên có giải “Hoa hồi sáng tạo”. Trò chuyện cùng tôi, chị Nguyên không giấu được niềm tự hào khi khẳng định: “Đây là giải thưởng dành cho thương hiệu phở khô Gia Lai chứ không cho riêng người nấu phở”.
Phở khô Gia Lai nhận được sự quan tâm của đông đảo thực khách. Ảnh nhân vật cung cấp |
Theo chị Nguyên, hoa hồi là loại thảo mộc làm nên hương vị đặc trưng cho phở. Tuy nhiên, quá trình nấu phở khô Gia Lai lại không liên quan gì đến thảo mộc này. “Điều làm nên hương vị riêng cho phở khô nằm ở bánh phở và các loại tương, đặc biệt là “không có tương đen thì bất thành phở 2 tô”. Sợi phở khô Gia Lai rất đặc biệt, khi trụng nước sôi không bị khô cũng không bị nhão, khi trộn thì thấm đều gia vị, ăn có độ dai mềm vừa đủ. Nếu là phở gà thì trộn cùng thịt gà ta xé hoặc kèm bò tái, bò viên trong tô nước dùng nếu là phở khô bò. Đó là một tổng hòa, hợp duyên lạ lùng của gia vị mà thực khách ăn một lần sẽ nhớ mãi. Chính vì biến tấu độc đáo này mà phở khô Gia Lai luôn gây ngạc nhiên, thích thú và chinh phục các vị giám khảo”-chị nói.
Trăn trở trong việc quảng bá thương hiệu phở khô Gia Lai, chị Nguyên cho rằng: “Phở khô là một biến tấu độc đáo của phở truyền thống, đã được công nhận nhiều danh hiệu. Đây là chỉ dẫn cho ẩm thực, du lịch Gia Lai, vì vậy cần đẩy mạnh quảng bá mạnh mẽ giá trị của phở 2 tô. Các quán phở lâu đời ở Phố núi nên đăng ký thương hiệu, cùng bắt tay nhau để phát triển mạnh mẽ phở khô. Tôi thấy ở Nam Định, các quán phở tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ, cùng nhau tạo dựng và quảng bá thương hiệu phở Nam Định rất mạnh. Nếu các quán phở khô ở ta làm được như vậy thì thương hiệu phở khô Gia Lai sẽ được biết đến nhiều hơn và phát triển hơn nữa. Quán ăn dù lâu đời, có thương hiệu nhưng nếu chỉ đứng một mình sẽ không thể nào làm cho phở khô vang danh và lan tỏa mạnh mẽ được”.
Chị Nguyên cho biết thêm, chị đã đăng ký bảo hộ thương hiệu cho “Phở Nhớ Phố núi”. Theo chị, đây là điều cần thiết không chỉ cho cá nhân chị hay phở Nhớ Phố núi, mà để bảo vệ thương hiệu chung cho phở khô Gia Lai. Chị cho rằng, cần có những cuộc thi ở địa phương để tôn vinh phở 2 tô, từ đó, lan tỏa giá trị của phở, giá trị ẩm thực mà nhà thơ Tú Mỡ ví von: “Trong các món ăn “quân tử vị”/Phở là quà đáng quý trên đời”.
HOÀNG NGỌC