Lan tỏa những cách làm hay trong hội viên, phụ nữ Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lần đầu tiên, những kinh nghiệm trong cuộc sống, những cách làm hay trong thực hiện các phong trào, cuộc vận động... đã được các hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Yên Thế (TP. Pleiku) và Hội Phụ nữ cơ quan Binh đoàn 15 chia sẻ trong chương trình giao lưu, biểu dương điển hình tiên tiến.
 Giao lưu với các điển hình tiên tiến. Ảnh: P.D
Giao lưu với các điển hình tiên tiến. Ảnh: P.D
Mở đầu câu chuyện, Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ tổ dân phố 3 (Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Yên Thế) Nguyễn Thị Nhường đã chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Bà Nhường kể, trong quá trình vận động các gia đình không sinh con thứ 3, câu mà bà nghe nhiều nhất là “Con tôi đẻ, tôi nuôi, bà có nuôi đâu mà bà lo!”. Tương tự, khi đi vận động triển khai “Đoạn đường phụ nữ tự quản” thì cũng nhận được những phản ứng như: đường có Nhà nước lo, rác có công trình vệ sinh thu gom, bà ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng vừa thôi... “Ban đầu, tôi cũng thấy chạnh lòng. Nhưng rồi lại nghĩ, mình làm công tác tuyên truyền, vận động thì càng gặp khó càng phải kiên trì, nhẫn nại”-bà Nhường bộc bạch. Sau nhiều lần kiên trì vận động, cuối cùng bà cũng đã thuyết phục được hội viên phụ nữ trong chi hội sinh đẻ có kế hoạch, giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, chung tay xây dựng khu phố ngày càng khang trang, sạch đẹp... Với thâm niên 10 năm làm Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ, bà Nhường cho rằng để thực hiện tốt các phong trào của Hội, ngoài sự nhiệt tình, nhẫn nại còn phải thường xuyên sâu sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên và không ngừng đổi mới phương thức hoạt động để phù hợp với thực tế.
Là một điển hình trong phong trào vượt khó vươn lên làm giàu, bà Nguyễn Thị Hương-hội viên phụ nữ tổ dân phố 8-trải lòng: “Năm 1984, tôi tình nguyện vào Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới và trở thành công nhân của Xí nghiệp 707 (Sư đoàn 331, Quân khu 5). 6 năm sau, vì điều kiện nhà xa đơn vị, con lại nhỏ nên tôi xin nghỉ chế độ một lần”. Kinh tế gia đình khó khăn, hàng ngày để có tiền trang trải cuộc sống, vợ chồng bà Hương chẳng nề hà bất cứ việc gì, từ làm thuê, phụ hồ đến khai hoang đất trồng rau, nuôi heo… Thời gian sau, bà chuyển hướng sang buôn bán, ban đầu chỉ vài bó rau, con gà rồi mở rộng thêm các loại rau củ quả, thịt, cá... phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng. Cứ có tiền, vợ chồng bà lại tích góp mua đất trồng cà phê. Đến nay, sau 34 năm gắn bó với vùng đất cao nguyên, gia đình bà đã có 4 ha cà phê và một cửa hàng buôn bán tạp hóa, bình quân mỗi năm cho thu nhập gần 1 tỷ đồng.
Bên cạnh những cách làm hay trong công tác tuyên truyền, vận động, phát triển kinh tế gia đình, hội viên phụ nữ của 2 đơn vị còn được nghe các điển hình tiên tiến chia sẻ bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình, làm thế nào để chung sống hòa thuận trong một gia đình nhiều thế hệ... Chị Phan Thị Hiền Xinh-Tổ trưởng phụ trách tổ chuyên môn Hội Phụ nữ cơ quan Binh đoàn 15-chia sẻ: “Trong cuộc sống hàng ngày, sự bất đồng là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, vợ chồng tôi luôn thống nhất, dù có chuyện gì xảy ra cũng không được phép xúc phạm lẫn nhau và tuyệt đối không sử dụng bạo lực. 2 vợ chồng phải khoanh vùng nội dung mâu thuẫn, không nói từ chuyện này qua chuyện kia để tránh tình trạng sau đó không biết đang cãi nhau vì lý do gì...”. Theo chị Xinh, trong cuộc sống muốn hòa hợp rất cần sự nhường nhịn lẫn nhau. Nhường nhịn không có nghĩa là thua kém, mà nhịn là để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra...
Trao đổi thêm về ý nghĩa, mục đích của buổi giao lưu với các hội viên điển hình tiên tiến, bà Vũ Thị Sim-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Yên Thế-cho hay, đây là dịp để cán bộ, hội viên 2 đơn vị giao lưu, học tập kinh nghiệm trong việc tổ chức, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc cũng như triển khai các nhiệm vụ của Hội. Đồng thời, hoạt động này cũng giúp thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết giữa 2 đơn vị và lan tỏa những cách làm, kinh nghiệm hay đến đông đảo hội viên, phụ nữ.
Phương Dung

Có thể bạn quan tâm

Cha mẹ hãy thực sự là người thầy đầu tiên của con, dạy cho trẻ những thói quen tốt. Ảnh: MINH HUỆ

Nền tảng của giáo dục gia đình

(GLO)- Người xưa có câu “Mẹ dạy thì con khéo, cha dạy thì con khôn”, ngụ ý thể hiện tầm quan trọng của những người làm cha mẹ trong việc giáo dục con cái. Có lẽ, tất cả chúng ta đều phải thừa nhận rằng, gia đình là nền tảng tiên quyết, góp phần hình thành tính cách và nhân cách của một con người.

Nhân lên niềm hạnh phúc trong mỗi nếp nhà

Nhân lên niềm hạnh phúc trong mỗi nếp nhà

(GLO)- Hạnh phúc không phải là đích đến mà là hành trình chúng ta đi qua mỗi ngày. Khi ta biết cách nhân lên niềm hạnh phúc, cuộc sống trở nên ý nghĩa, nhẹ nhàng và đáng sống hơn. Đó là cách mà nhiều gia đình đang tạo lập cũng như chung tay gìn giữ.

Những cô gái gồng gánh gia đình qua biến cố

Những cô gái gồng gánh gia đình qua biến cố

Trong cuộc sống, không ít lần chúng ta chứng kiến những cô gái tưởng chừng yếu đuối, nhưng lại trở thành trụ cột vững chãi cho gia đình khi biến cố ập đến. Đối mặt với khó khăn, bằng nghị lực phi thường, họ xây dựng tương lai cho những người thân yêu.

Ảnh minh họa: GOLDYNGOC

“Không đâu bằng về nhà”

(GLO)- Chiếc xe vừa chớm tới đèo An Khê, một hành khách bật thốt lên: “Tới đèo An Khê cũng coi như về tới nhà, thật nhẹ hết người!”. Câu nói đã nhận được sự đồng tình của nhiều người khác: “Ừ, đúng vậy”, “Mình cũng thấy thế”, “Không đâu bằng về nhà”...