(GLO)- Sau nhiều lần triệu tập để lấy lời khai vì có liên quan đến đường dây chạy việc của ông Đinh Văn Trung (Báo Gia Lai điện tử ngày 27-4 có đăng bài: Lừa chạy việc “cò” ôm trên nửa tỷ đồng) mãi đến chiều ngày 22-5 bà Vũ Thị Vinh (55 tuổi) cư trú tổ 4, phường Đống Đa (TP. Pleiku) mới đến Công an TP. Pleiku khai nhận mình đã cầm số tiền 655 triệu đồng từ ông Trung đưa sang để chạy việc. Nhưng tất cả số tiền trên cùng với tiền bà dành dụm đã bị kẻ lạ mặt bỏ thuốc mê lấy đi hết? Vì mê mẫn nên không báo Công an vụ mất tiền?
Đơn tương trình của bà Vinh. Ảnh: Nguyễn Giác |
Vì bị người dân tố cáo lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, ông Đinh Văn Trung (thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) đã viết đơn trình báo đến Công an TP. Pleiku để kiện bà Vũ Thị Vinh vì cho rằng bà Vinh là mắt xích chính trong đường dây chạy việc. Ông Trung khai nhận đã làm quen và nhận tiền của 14 người để chạy việc cho các con của họ, tổng số tiền đã nhận là 735 triệu đồng (trong số 14 hồ sơ chạy việc có những nơi như trạm y tế các phường tại TP. Pleiku, giáo viên ở các huyện, mỗi hồ sơ có giá từ 90 triệu đồng đến 120 triệu đồng và cũng có người vì tin tưởng nên đưa đến 80 triệu đồng hay cả 100 triệu đồng). Với số tiền nhận từ “đối tác” ông Trung tiếp tục đưa cho bà Vinh tổng cộng là 655 triệu đồng, số còn lại ông Trung giữ lại cho mình gọi là tiền xăng, xe…
Tại Cơ quan Điều tra, bà Vinh thừa nhận có nhận đúng số tiền, số hồ sơ mà ông Trung đã đưa cho mình. Nhưng hiện tại bà không còn tài sản nào để trả lại vì toàn bộ số tiền đã bị mất do bà bị bỏ thuốc mê.
Những điều phi lý trên được bà Vinh giải thích: Trước đây, bà có quen một người tên Nhâm làm ở tỉnh xin việc cho một đứa cháu làm tại Đài Truyền hình huyện Chư Pưh với số tiền 20 triệu đồng, thế nên khi biết được ông Trung bà ngỏ lời “nếu quen ai thì nói để bà xin việc, tiền bạc tùy vào công việc cụ thể để định giá chung chi”. Nghe vậy, ông Trung tìm cách lần mò và có đưa cho bà 14 hồ sơ kèm với số tiền trên, sau đó bà Vinh lại cầm số tiền 600 triệu đồng đưa cho ông Nhâm (họ tên, cơ quan cụ thể được bà trình bày với Công an) nhưng sau đó do công tác tuyển công chức, viên chức có thay đổi nên ông Nhâm đưa lại toàn bộ số tiền cho bà vào ngày 4-12-2012, trên đường về đến nhà bà bị 2 thanh niên lạ mặt hỏi đường rồi sau đó mê man không biết gì, mãi đến tối khuya tỉnh dậy bà mới biết mình đã bị lừa, bỏ thuốc mê và bọn chúng đã lấy đi số tiền trên 1 tỷ đồng? Việc này bà có thông báo cho ông Trung và ông Trung nói sẽ cùng tìm cách giải quyết?
Dáng người nhỏ thó, nhưng lời nói, việc làm bà Vinh không hề nhỏ. Ảnh: Nguyễn Giác |
Số tiền mất là không nhỏ, tuy nhiên đến khi Công an triệu tập để hỏi về vụ lừa chạy việc thì bà Vinh mới khai đã bị mất? Những vô lý trên là chưa hết, trong quá trình lấy lời khai bà luôn miệng cho rằng mình xui rủi nên không xin được việc cho các cháu; mình bị lừa mất hết tiền. Tuy nhiên, trong thời gian bà nhận tiền và cho là mình bị cướp mất thì cũng là thời điểm bà chuyển nhà từ đường Lê Đại Hành đến một căn nhà mới tại tổ 4, phường Đống Đa. TP. Pleiku
Như vậy phải chăng số tiền mà bà Vinh cho rằng mình bị mất đã được bà mua nhà, hoặc trả số tiền đã vay ngân hàng để làm chuyên gia đáo hạn…? Một nghịch lý khác cũng được đặt ra, dù biết không xin được việc nhưng bà Vinh và ông Trung vẫn liên tiếp cầm tiền, nhận hồ sơ… đây có đúng là dấu hiệu của sự lừa đảo, chiếm đoạt tài sản? Những nghi ngờ trên đang tiếp tục được Công an TP. Pleiku điều tra làm rõ.
Bà Vinh sinh ra tại Nam Định, trình độ văn hóa 10/10, vào Gia Lai sinh sống làm nghề kế toán và nghỉ hưu năm 1997, sau đó “làm nghề” mua bán đất, tư vấn bảo hiểm nhân thọ, đáo hạn ngân hàng. Trong quá trình chạy việc bất thành và cho rằng mình bị mất tiền, vào tháng 3-2013 bà chuyển về sinh sống trong căn nhà mới tại phường Đống Đa. Trong số 14 hồ sơ xin chạy việc do ông Trung trình báo với Công an thì mới chỉ có 2 hộ dân viết đơn tố cáo ông Trung, còn lại 12 người đưa tiền vẫn đang chờ… ông Trung trả tiền. |
Nguyễn Giác