Làm giàu từ nghề trồng bơ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hiện nay, bên cạnh những cây trồng chủ lực như cà phê, tiêu, cao su… thì bơ đang là cây trồng mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh. Nhận thấy tiềm năng này, anh Phạm Văn Triển (44 tuổi, thôn 6, xã Ia Blang, huyện Chư Sê) đã tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng để trồng bơ xen canh và bán giống bơ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 Cây bơ booth 7 sai trĩu quả mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Triển. Ảnh: Ngọc Thu
Cây bơ booth 7 sai trĩu quả mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Triển. Ảnh: Ngọc Thu

Sinh ra từ cái nôi thuần nông tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh nghệ An, năm 1980 anh Triển lên Đak Lak làm rẫy nhưng không thành. Năm 1999, anh cùng gia đình lên xã Ia Blang, huyện Chư Sê trồng tiêu và cà phê. Năm 2009, khi cây tiêu và cà phê bị nhiễm bệnh, cho năng suất thấp, anh đã nghĩ ra cách trồng thử nghiệm xen canh 130 cây bơ, trong đó có 60 cây bơ booth 7.

Với bản chất con nhà nông cần cù, chịu khó, anh đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu mua giống bơ cho năng suất cao và áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt. Sau 3 năm, vườn bơ nhà anh đã cho ra trái trĩu cành. Bình quân mỗi cây 2 tạ trái, mỗi trái nặng từ 5-7 lạng. Anh Triển chia sẻ: “Lúc mới trồng, cây bơ bị bọ xít đốt đọt, tôi liền nghiên cứu mua thuốc về phun. Sau này hết bệnh, cây cứ thế phát triển bình thường. Chăm sóc cây cũng nhàn, chỉ cần bón phân 1, 2 lần lúc cây còn nhỏ, khi tưới cà phê thì tiện tưới cho bơ luôn. Trồng bơ xen trong vườn cà phê ngoài tăng thu nhập trên cùng một diện tích còn có tác dụng điều hòa khí hậu vườn, tăng độ ẩm, giảm nhiệt độ, giữ cân bằng môi trường sinh thái”.

Hiện tại, gia đình anh Triển đang có hơn 300 cây bơ trồng xen canh trên diện tích 2 ha. Cây bơ có trái đến đâu, thương lái trong và ngoài tỉnh đến đặt mua hết. Mỗi năm, vườn cây cho thu nhập gần 300 triệu đồng. Thấy cây bơ đem lại thu nhập cao, gia đình anh Triển đã nhân giống bơ để bán ra thị trường. Qua tìm hiểu tài liệu sách báo, ti vi, anh Triển đã nhân giống thành công 30 ngàn cây giống mỗi năm. Mỗi cây giống bán từ 30-35 ngàn đồng, cho thu nhập gần 400 triệu đồng/năm. Tính tổng thu nhập từ trái bơ và giống bơ, gia đình anh thu nhập bình quân khoảng 700 triệu đồng/năm. Anh Triển còn đang dự định mua thêm 1ha đất để trồng thêm bơ, tăng thu nhập.

Anh Vũ Minh Châu (thôn 6, xã I Blang, huyện Chư Sê) cho biết: “Thấy vườn cây sai trái cho thu nhập cao của anh Triển tôi cũng mua 300 giống cây bơ về trồng. Trong lúc xuống giống hay quá trình sinh trưởng gặp khó khăn gì, anh Triển nhiệt tình, sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, mượn tiền mua giống cây để mọi người cùng vươn lên làm giàu.”

Ông Hà Đình Thủy-Chủ tịch UBND xã Ia Blang, huyện Chư Sê cho biết: “Anh Phạm Văn Triển là một trong số nông dân tiên phong làm giàu từ trồng bơ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Là nông dân đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công. Đồng thời, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương. Hiện toàn xã có khoảng 24 ha trồng bơ. Chính quyền xã đã cử cán bộ nông nghiệp xuống kiểm tra, hướng dẫn bà con chăm sóc, học hỏi những nông dân trồng cây đã thành công. Sắp tới, xã sẽ mở Hợp tác xã để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, ổn định đầu ra, phát triển kinh tế cho người dân”.

Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.