Lạm dụng chương trình chất lượng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Có thể nói, chương trình chất lượng cao triển khai tại các trường đại học (ĐH) cách đây 10 năm là hướng đi đúng khi mà chính sách học phí của chúng ta quá thấp để đảm bảo chất lượng đào tạo trong bối cảnh cạnh tranh của nền kinh tế tri thức.

Song, ngoài những ưu điểm, đến nay chương trình này cũng bộc lộ nhiều khiếm khuyết, thậm chí chính cách làm không chuẩn của nhiều cơ sở đào tạo đã khiến dư luận cho rằng chất lượng cao không cần điểm cao mới đậu mà chỉ cần có tiền nhiều là vào được.

Chủ trương thí điểm đào tạo chương trình tiên tiến tại một số trường ĐH khởi điểm từ năm 2006, sau đó được chính thức phê duyệt bằng Quyết định 1505/QĐ-TTg ban hành ngày 15-10-2008 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp đó chương trình chất lượng cao được khai sinh bằng Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT ban hành ngày 18-7-2014 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT…

Chương trình tiên tiến là dự án quốc gia do Bộ GD-ĐT chủ trì và triển khai thí điểm tại 10 trường ĐH trọng điểm của Việt Nam nhằm quốc tế hóa chương trình đào tạo ĐH trong nước trên cơ sở chuyển giao chương trình đào tạo tiên tiến của các ĐH uy tín trên thế giới.

Đến nay, chương trình tiên tiến dường như rất ít trường mặn mà vì rất khó tuyển sinh. Thay vào đó, chương trình chất lượng cao lại là mảnh đất màu mỡ nhiều trường thi nhau “thâm canh” và xem như là “nồi cơm”. Chính vì vậy, ở nhiều trường, số lượng chương trình chất lượng cao và chỉ tiêu cho hệ chất lượng cao chiếm gần 50% so với chương trình đại trà.

Trên thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng cái gọi là “chất lượng cao” chưa đúng như tên gọi. So sánh giữa chương trình đại trà và chương trình chất lượng cao sẽ thấy khá nhiều điểm bất hợp lý. Đơn cử, học phí chương trình đại trà thấp (theo quy định của nhà nước), còn học phí chương trình chất lượng cao gấp 3-5 lần; chương trình đào tạo của hệ đại trà theo chương trình khung, còn hệ chất lượng cao có tăng cường tiếng Anh, chuẩn đầu ra cao hơn hoặc giảng dạy bằng tiếng Anh; hệ đại trà sĩ số đông, còn chương trình chất lượng cao sĩ số ít, học phòng máy lạnh...

Bên cạnh những trường có trách nhiệm với người học, không ít chương trình chất lượng cao ở các cơ sở đào tạo lại chệch hướng, thậm chí có những chương trình hoàn toàn không phù hợp với quy định của Thông tư 23. Chính điều này dẫn đến có dư luận cho rằng chỉ cần có tiền, rớt hệ đại trà thì vào hệ chất lượng cao. Thậm chí nhiều người xem chương trình chất lượng cao ở nhiều trường hiện nay như “hệ B”.

Chưa kể, cách thức tuyển sinh chương trình chất lượng cao của nhiều trường hiện rất khác nhau. Có trường sau khi sinh viên trúng tuyển mới vận động học chương trình chất lượng cao, có trường công khai điểm xét tuyển - điểm trúng tuyển, chỉ tiêu rõ ràng ở từng ngành, chuyên ngành. Ngoại trừ một số ít trường không chạy theo số lượng, rất nhiều trường tuyển sinh chương trình theo hình thức chất lượng cao nhưng điểm trúng tuyển thấp hơn cả hệ đại trà.

Nhiều chuyên gia cho rằng, dù chưa rõ ràng về tên gọi cũng như chất lượng thật sự nhưng việc các trường đại học công lạm dụng (tuyển nhiều chỉ tiêu hệ chất lượng cao) làm ảnh hưởng đến cơ hội của thí sinh muốn học hệ đại trà. Bởi lẽ, chỉ tiêu hệ chất lượng cao được tính trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh cho tất cả các hệ. Do đó, nếu chỉ tiêu chất lượng cao tăng đồng nghĩa chỉ tiêu hệ đại trà phải giảm.

Thực tế chương trình hiện nay không thể gọi là chất lượng cao mà là chương trình dịch vụ cao. Điều đáng suy ngẫm là có nhiều chương trình chất lượng cao chưa đạt chuẩn kiểm định so với với chương trình đại trà.

Trước những bất cập này, nhất là trong bối cảnh các trường tăng học phí liên tục, ngày 15-6-2023 Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 11/2023/TT-BGDĐT bãi bỏ Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT. Động thái này đồng nghĩa từ năm 2024 khái niệm chương trình chất lượng cao sẽ bị “khai tử”.

Thế nhưng các trường hiện vẫn thông tin tuyển sinh hệ chất lượng cao với học phí cao ngất trời. Cũng có trường không dùng tên chất lượng cao mà đổi tên thành chương trình tăng cường tiếng Anh, thực chất là “bình mới rượu cũ”.

Có thể bạn quan tâm

'Cách mạng số' từ dân, vì dân

'Cách mạng số' từ dân, vì dân

Từ một thôn nghèo, người dân Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (H.Đồng Văn, Hà Giang) đã biết áp dụng mô hình kinh doanh homestay và đặc biệt là sử dụng các nền tảng số như Agoda, Booking và Facebook để quảng bá, thu hút hàng chục nghìn du khách trong nước và quốc tế.

Tính mạng con người là trên hết

Tính mạng con người là trên hết

Can dự vào sức khỏe của ai đó là điều mà những người có lương tri tối thiểu đều hết sức cân nhắc và thận trọng về trách nhiệm đạo đức cũng như trách nhiệm pháp lý. Vậy cớ sao lại cứ để tình trạng cơ sở khám chữa bệnh hoạt động không phép và vận hành sai quy định?

Thước đo dân sinh

Thước đo dân sinh

Cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023 và tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó tín dụng phục vụ đời sống bao gồm mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng trưởng cao nhất.

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Với những kết quả đã đạt được, VN được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

(GLO)- Mức tăng trưởng GDP 7,09% năm 2024 được ghi nhận là rất tích cực của nền kinh tế đất nước, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động kinh tế thế giới, khắc phục thiên tai.