Lâm Đồng: "Liều" trồng cây dại trong nhà kính, không cần bón phân, hái đọt non bán, ai ngờ người mua ăn tới tấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thay vì trồng những loại cây cần chăm sóc kỹ càng trong nhà kính, một nông dân thôn 2, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) đã thử trồng một loài cây dại. Loài cây dại này vốn rất quen thuộc với đồng ruộng cũng như các bãi đất hoang-đó là cây tầm bóp.
Và loài cây dại-cây tầm bóp ấy đã mang lại cho gia đình một nguồn thu ổn định, đồng thời mở ra thêm một hướng canh tác mới, đó là trồng những loài cây dại làm thực phẩm.

Gia đình chị Hiền, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) hoạch tầm bóp gửi tặng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Gia đình chị Hiền, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) hoạch tầm bóp gửi tặng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Đưa khách ra thăm vườn trồng cây tầm bóp được ngay sau nhà, chị Hiền, vợ anh Trúc Bá Hải, Thôn 2, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ, đây là diện tích nhà kính được anh chị làm để trồng các loại rau khá phổ biến như cà chua, dưa leo...
Nhưng sức khỏe chị yếu, công chăm sóc khó khăn, trồng các loại cây trái cần nhiều công lao động cũng là việc hơi quá sức. 
Vậy là anh chị tính toán trồng cây gì cho đỡ mệt mỏi, lại có thu nhập. Và, từ cái nhìn của người nông dân, anh chị đã gieo một vườn toàn cây tầm bóp, thứ cây thường mọc hoang dại khắp các vườn, đất hoang ở tỉnh Lâm Đồng.
Chị Hiền chia sẻ, cây tầm bóp mọc hoang dại rất nhiều. Thứ cây có trái nhỏ, khi non màu xanh, khi chín chuyển sang đen sẫm rất quen thuộc với hầu hết người sống ở nông thôn. 
Ngoài cái tên tầm bóp, bà con còn gọi với cái tên như cây nút áo, cây thù lù trái nhỏ...Thường thường, nhiều gia đình hái ngọn non về xào, nấu canh như một thứ rau bổ sung bữa ăn gia đình. 
Cũng nhiều người dùng ngọn tầm bóp ăn lẩu bởi thích vị nhẫn nhẫn đắng, vị ngọt hậu của loài rau này. Thấy mọi người thu hái rau mọc tự nhiên, chị nảy ra ý định trồng cây tầm bóp thử. Vậy là chị Hiền thu hoạch những trái chín đen, phơi khô, rắc hạt trên đất được làm sẵn. 
Và thành quả đã có sau những ngày chờ đợi. Sau 3 tháng kể từ ngày rắc hạt, những cây tầm bóp con, nhỏ xíu mọc lên và chỉ vài tháng là bắt đầu cho thu hoạch. 
Chị Hiền cho biết, cây tầm bóp vốn là cây dại nên lớn rất nhanh, không cần phân thuốc mà chỉ cần tưới nước đều đặn. 
Vì trồng trong nhà kính, không có nước trời nên chị Hiền tưới hàng ngày, lượng nước tùy thuộc nhiệt độ ngoài trời cao hay thấp, trời mưa hay nắng gắt. Tưới đều, cây rau tầm bóp rất mau lớn, lá không xanh sẫm như mọc tự nhiên mà có màu xanh nhạt hơn, thân mềm vị ngọt. 
Cây tầm bóp cao tầm 40-50 cm là có thể ngắt đọt cho cây phân nhánh, khi cây cao chừng 80-100 cm là sản lượng ổn định, có thể cắt hàng ngày. 
Chị Hiền thu hoạch theo đợt, cắt cành dài khoảng 30 cm, bó lại theo ký mang ra chợ bán cho cửa hàng rau. 
Chị Hiền cho biết: “Tầm bóp sạch lắm, không có con sâu, con bọ nào, lại không cần bỏ phân bỏ thuốc. Như nhà tôi trồng tưới đều, cây sẽ mềm và ngọt, ăn ngon. Nếu thiếu nước cây cằn, thân cứng, vị đắng”. 
Chị Hiền cung cấp đọt tầm bóp cho cửa hàng rau với giá cả ổn định như một loại rau sạch, bán khá chạy cho người tiêu dùng. 
Đặc biệt, tầm bóp trồng một lần ăn lâu dài. Chị Hiền cho biết, khi cây già, đọt non ít ra, chị chỉ cần chặt sát gốc, sau đó tưới đều đặn là cây mọc lại, cành non ra nhiều, có thể tiếp tục thu hoạch. 
Những ngày hiện tại, nhu cầu sử dụng rau tầm bóp trong nhà hàng, nấu các món lẩu, xào... giảm, chị tranh thủ chặt gốc nguyên vườn tầm bóp, “trẻ hóa” vườn cây, sẵn sàng cho những đợt thu hoạch mới.
Chị Trần Thị Khánh Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mê Linh, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) nhận xét: Mô hình trồng tầm bóp trong nhà kính của anh chị Hải - Hiền ở thôn 2 là một mô hình khá mới. 
Anh chị cung cấp đọt tầm bóp non cho chợ, cho nhà hàng, cũng mang lại một nguồn thu ổn định với công chăm sóc và chi phí đầu tư rất ít. 
"Rau tầm bóp của anh chị ngon, đợt dịch này anh chị cũng đóng góp cả vườn tầm bóp cho chuyến xe yêu thương gửi tặng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Và hiện anh chị cũng đang tiếp tục canh tác vườn tầm bóp, cung cấp thêm cho thị trường một loại nông sản ngon, sạch, mang hương vị của đồng quê cao nguyên...", chị Trần Thị Khánh Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mê Linh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
Diệp Quỳnh (Báo Lâm Đồng)

Có thể bạn quan tâm