Lâm Đồng: Cho phép Trường đua ngựa Thiên Mã được kinh doanh đặt cược

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dự án đầu tư Trường đua ngựa Madagui tại thôn 4 xã Đạ Oai (huyện Đạ Huoai) được Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Hồng Lam-Madagui.
Trường đua Thiên Mã-Madagui Lâm Đồng. (Nguồn: Dalattrip)
Trường đua Thiên Mã-Madagui Lâm Đồng. (Nguồn: Dalattrip)
Chiều 27/4, Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 tổ chức Kỳ họp thứ 13 (kỳ họp bất thường) nhằm thực hiện những nhiệm vụ cấp bách giữa mùa dịch COVID-19.
Kỳ họp diễn ra theo hình thức trực tuyến với 14 điểm cầu gồm đầu cầu Tỉnh ủy Lâm Đồng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng và 12 điểm cầu tại 12 huyện, thành phố. Mỗi địa điểm không quá 20 đại biểu tham dự.
Đáng chú ý trong kỳ họp này là tờ trình về ban hành Nghị quyết thông qua các nội dung điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020.
Toàn bộ nội dung tờ trình này đề nghị Hội đồng Nhân dân tỉnh xem xét, bổ sung hoạt động đua ngựa, đua chó có hoạt động kinh doanh đặt cược vào Dự án đầu tư Trường đua ngựa Thiên Mã-Madagui-Câu lạc bộ Polo và ngựa biểu diễn tại huyện Đạ Huoai.
Dự án đầu tư Trường đua ngựa Madagui tại thôn 4 xã Đạ Oai (huyện Đạ Huoai) đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Hồng Lam-Madagui từ ngày 29/1/2011 nhưng không có nội dung đặt cược.
Qua 3 lần điều chỉnh, đến nay, dự án này được đổi tên thành Trường đua ngựa Thiên Mã-Madagui-Câu lạc bộ Polo và ngựa biểu diễn.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, khả năng, điều kiện tổ chức thực hiện dự án, chủ đầu tư, Ủy ban Nhân dân huyện Đạ Huoai, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đề nghị Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân tỉnh xem xét, bổ sung hoạt động đua ngựa, đua chó có kinh doanh đặt cược vào dự án này. Mục đích là đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ vui chơi giải trí, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, tăng nguồn thu cho ngân sách.
Tại kỳ họp, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến và nhất trí thông qua 8 nội dung gồm: Nghị quyết thông qua các nội dung điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020; Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch đầu tư công năm 2020; Nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án nhóm B và nhóm C; Nghị quyết phân bổ vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020.
Các đại biểu cũng thông qua Nghị quyết phân bổ vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2020; Nghị quyết phân bổ kinh phí sự nghiệp thực hiện một số chương trình mục tiêu từ nguồn vốn ngoài nước năm 2020; Nghị quyết thông qua danh mục bổ sung các dự án cần thu hồi đất và các dự án cần chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang mục đích khác năm 2020 trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án Điểm du lịch sinh thái K’lan tại Khu Du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm.
Cũng tại kỳ họp này, Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã xem xét miễn nhiệm chức danh Ủy viên Ủy ban Nhân dân tỉnh đối với ông Bùi Văn Sơn (Giám đốc Công an tỉnh do nghỉ hưu theo chế độ); bầu bổ sung chức danh Ủy viên Ủy ban Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 đối với các ông Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh và ông Nguyễn Đức Thuận, mới được bổ nhiệm là Giám đốc Sở Y tế tỉnh.
Theo Chu Quốc Hùng (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Bên dòng Đăk Bla

Bên dòng Đăk Bla

Sông Đăk Bla thường được gọi với tên gọi “Dòng sông chảy ngược” cùng những truyền thuyết, thần thoại. Thế nhưng, không chỉ có sự độc đáo và bí ẩn đầy hấp dẫn, Đăk Bla còn là dòng sông mang lại sự trù phú, ấm no với những bãi bồi xanh mướt cây trồng và tiềm năng kinh tế du lịch đang được “đánh thức”.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Kết nối rừng và biển

Kết nối rừng và biển

Cùng với việc sáp nhập tỉnh, câu chuyện giao thông kết nối biển - rừng giữa các tỉnh Nam Tây nguyên với khu vực Duyên hải Nam Trung bộ cũng rất được người dân quan tâm, với mong mỏi có thể sớm "sáng uống cà phê ở rừng chiều tắm biển".

Hỏi cây K'nia

Hỏi cây K'nia

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Quang Tuệ, người có vốn hiểu biết đáng nể về Tây Nguyên, vừa gặp tôi và than: "Em đang tìm làm một vệt clip về cây K'nia mà giờ khó tìm quá, hầu như đã hết".

null