Làm cẩu thả, đường vừa hoàn trả đã hỏng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mượn tạm đường dân sinh để đặt ống dẫn nước, nhưng mới hoàn trả đã xuống cấp nghiêm trọng. Dù người dân nhiều lần phản ánh, doanh nghiệp vẫn chây ì sửa chữa.

Tuyến đường vừa được sửa chữa đã lại bong tróc, hư hỏng. ẢNH: NAM THỊNH
Tuyến đường vừa được sửa chữa đã lại bong tróc, hư hỏng. ẢNH: NAM THỊNH
Dân bức xúc
Theo phản ánh của người dân thôn Phú Khê và Bích Ngô (xã Tam Xuân 2, H.Núi Thành, Quảng Nam), năm 2017 Nhà máy nước Tam Hiệp thuộc Công ty CP cấp thoát nước Quảng Nam (gọi tắt là Công ty CTN Quảng Nam) triển khai dự án dẫn nước từ hồ chứa Phú Ninh về các xã Tam Hòa, Tam Anh Bắc, Tam Anh Nam, Tam Hiệp… (H.Núi Thành), ngang qua địa phận 2 thôn này.
Thời điểm đó, Công ty CTN Quảng Nam khảo sát đặt ống dẫn nước sát con đường, nhưng do trúng tường rào nhà dân mà đền bù giá thấp nên người dân không đồng ý. Sau đó công ty đưa ra phương án cắt mặt đường (gần 4 km) để đặt ống dẫn nước rồi trả lại đường mới, nhưng vẫn không nhận được sự chấp thuận từ phía người dân.
UBND H.Núi Thành đã tổ chức họp dân (có lãnh đạo Công ty CTN Quảng Nam tham gia) để đối thoại. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Công ty CTN Quảng Nam hứa sau khi xẻ đường đặt ống dẫn nước sẽ hoàn trả con đường nguyên vẹn, đồng thời đắp đất taluy lề đường và bảo hành 1 năm. “Được sự vận động của chính quyền, người dân mới đồng ý. Thế nhưng khi dự án hoàn thành, phía doanh nghiệp hoàn trả đường một cách cẩu thả, vừa đưa vào sử dụng mặt đường đã bong tróc, lộ đá, đứt gãy. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để”, anh Nguyễn Xuân Ngọ (43 tuổi, ở thôn Phú Khê) cho biết.
Ông Doãn Bá Hà (54 tuổi, ở thôn Phú Khê) cũng tỏ ra bức xúc trước tình trạng con đường cũ vốn dĩ được nhà nước làm kiên cố, nhưng sau khi cho “mượn” thì xuống cấp nhanh. “Trời nắng bụi bặm, trời mưa đọng nước khiến việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn và đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra. Huyện đứng ra vận động người dân cho mượn tạm đường thì huyện phải có trách nhiệm yêu cầu phía Công ty CTN Quảng Nam sớm khắc phục như đã cam kết”, ông Hà yêu cầu.
Sử dụng 1 tháng đã bong tróc
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Thanh Xuân, Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2, cho hay dự án dẫn ống nước chạy qua địa bàn xã với chiều dài khoảng
7 km, trong đó có gần 4 km phải cắt mặt đường. “Công ty CTN Quảng Nam đã hoàn trả đường cho dân, nhưng chất lượng thi công không đảm bảo khiến đường mới sử dụng chưa được 1 tháng đã bong tróc”, ông Xuân nói.
Theo ông Xuân, địa phương đã mời lãnh đạo Công ty CTN Quảng Nam vào làm việc, kiểm tra hiện trường. Ngay sau đó, công ty đã khắc phục một số đoạn nhưng sử dụng được khoảng 20 ngày thì lại hư hỏng. Đáng nói, gần 400 m đường giáp QL1 chỉ được vá nhựa tạm nên hư hỏng rất nặng. Cận tết, địa phương đành phải chi hơn 70 triệu đồng đổ cát sỏi làm lại gần 400 m đường này.
UBND xã Tam Xuân 2 tiếp tục có văn bản mời Công ty CTN Quảng Nam vào làm việc và phía lãnh đạo công ty cam kết (ghi vào biên bản làm việc) sẽ hoàn trả mặt đường một số vị trí bị hư hỏng, đổ thêm 7 cm bê tông tươi. Tuy nhiên sau đó, chính quyền xã nhiều lần liên hệ nhưng phía công ty vẫn chây ì khắc phục. “Dự án này do UBND H.Núi Thành cấp phép cho Công ty CTN Quảng Nam thực hiện, do đó trách nhiệm giải quyết thuộc về huyện. Về phần địa phương chỉ tiếp nhận kiến nghị của người dân và báo cáo lên huyện. Cuối năm 2020 và đầu năm 2021, chúng tôi đã gửi 2 báo cáo cụ thể về sự việc này và đang chờ huyện giải quyết”, ông Xuân thông tin thêm.
Theo Nam Thịnh (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.