Lại nói chuyện rác thải ở Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Wow! Đẹp quá!”-các bạn tôi đã thốt lên như vậy khi rẽ vào đường Cao Bằng từ đường Lê Thánh Tôn (đúng hơn là đoạn đầu của đường Trường Sa, TP. Pleiku). Khoảng 400 m với rừng thông ba lá hai bên đường đã quá quen thuộc với tôi, ngày nào cũng hai ba bận đi qua đây, lần nào tôi cũng giảm tốc để kéo dài thời gian khi vào đoạn này. Xanh mướt một màu, không khí trong lành mát mẻ vắt qua 2 con dốc thoải rất đẹp.

 

“Trời! Sao vậy?”-các bạn tôi lại kêu khi xe đến gần cuối cung đường này khi thấy rác, bao đựng chất thải vứt thành đống hai bên sát đường. Sau đó, họ ồn ào phê phán, ầm ĩ chê trách, riêng tôi im lặng không nói gì.

 Rác thải do người dân xả bừa bãi trên đường Trường Sa (TP. Pleiku). Ảnh: N.S
Rác thải do người dân xả bừa bãi trên đường Trường Sa (TP. Pleiku). Ảnh: N.S



Tôi đã từng ca ngợi vẻ đẹp của rừng thông này, một diện tích xanh hiếm hoi còn sót lại của thành phố với con đường nhựa vắt ngang là điểm nhấn. Tôi cũng đã từng có ý kiến khi nghe người ta nói sẽ phá 24 ha của nó để mở rộng cụm công nghiệp gần đó, cũng như không ít lần phản ánh về “điểm đen” rác thải ở đây. Thỉnh thoảng dừng xe đi lên đi xuống, ngắm chán rồi nghĩ phải chi có một dự án thật cẩn trọng trong quy hoạch và bố trí đặt những căn biệt thự nhỏ xinh ẩn hiện dưới tán rừng thông, thêm vài quán cà phê sát đường. Tất nhiên điều quan trọng là không được phá vỡ chức năng phòng hộ của khu rừng này. Mọi thứ chỉ đang còn trong tưởng tượng thì hơn 3 năm nay, đoạn đường này trở thành nơi xả rác thải của cư dân lân cận, kể cả rác thải trong sản xuất của vài cơ sở nào đó.

Tôi không dám phê phán họ không có ý thức vì ý thức luôn cần có điều kiện đủ của nó. Cái thiếu ở đây là không hề tồn tại một điểm thu gom nào trong phạm vi 3 km đổ lại, vì vậy rừng là nơi thuận tiện nhất. Công ty TNHH một thành viên Công trình đô thị Gia Lai thực hiện các chức năng thu gom, xử lý rác thải, vệ sinh đường phố thì gần như buông bỏ địa bàn. Nói uổng tội, mỗi khi giáp ngày lễ lớn hay một sự kiện nào đó được tổ chức ở Pleiku, đơn vị cũng cho phương tiện cơ giới đến dọn tương đối sạch sẽ nhưng rồi, đâu lại vào đó. Bức ảnh tôi minh họa trong bài này được chụp chỉ 2 tiếng đồng hồ sau khi những người dọn dẹp rút đi. Đúng là ai xả cứ xả, ai dọn cứ dọn, duy chỉ “bức tranh” bát nháo, phá vỡ cảnh quan cứ ngang nhiên tồn tại. Thiết nghĩ, lập 2 hoặc 3 điểm thu gom, bố trí hợp lý; sau đó là biện pháp chế tài theo luật, phạt nặng những kẻ bỏ rác bừa bãi, chắc không người dân nào phản đối!

Mong lắm thay, cung đường đẹp kể trên sẽ đẹp hoàn hảo hơn trong thời gian gần.

NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

(GLO)- Sau gần 7 tháng sửa chữa, nâng cấp máy móc thiết bị và xây dựng lại nhà xưởng bị hư hại do hỏa hoạn, Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê đã hoạt động trở lại, góp phần giải “bài toán” ô nhiễm môi trường khi lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày được xử lý kịp thời.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

(GLO)- Khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường để xây dựng đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và các giá trị văn hóa bản địa là mục tiêu mà TP. Pleiku đang tập trung hướng tới thông qua các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.