(GLO)- Ngoài cơm lam, thịt nướng, muối kiến… khi nhắc đến ẩm thực của đồng bào Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, nhiều người còn nhớ ngay đến các món ăn được chế biến từ lá cây mì, dân dã nhưng cực kỳ lạ miệng.
Chúng tôi ghé thăm làng Pnang (xã Tú An, thị xã An Khê) khi trời đã sắp ngả về chiều. Hôm ấy, các thành viên trong gia đình bà Hồ Thị Hương cùng một số dân làng đang tập trung xây dựng ngôi nhà mới cho người con trai lớn. Trong mâm cơm chiều đãi thợ, bà chuẩn bị đầy đủ thịt, cá, củ quả luộc và tất nhiên không thể thiếu món lá mì xào với ngọn đu đủ truyền thống của dân tộc xưa nay.
Lá mì và đọt đu đủ được giã nát để khi nấu nhanh mềm và thấm gia vị. Ảnh: Mộc Trà |
Bà Hương bảo với chúng tôi rằng, trong những năm tháng khó khăn, cây mì luôn là người bạn đồng hành với người Bahnar, giúp dân làng vượt qua cái đói. Đến nay, mì vẫn là loại thực phẩm không thể thiếu cho những ché rượu cần thơm ngọt, trong các bữa cơm gia đình hàng ngày và xuất hiện ngay cả trên các mâm tiệc đãi khách phương xa. Từ lá mì, người Bahnar có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như: canh lá mì, lá mì xào cà đắng, lá mì xào thịt heo, lá mì nấu đọt mây rừng, lá mì luộc chấm muối ớt… Tuy nhiên, lá mì xào ngọn đu đủ vẫn là món dân làng nơi đây hay nấu nhất.
Để có món ăn ngon, ngọn mì hái về, bà Hương chỉ sử dụng phần lá non và những lá bánh tẻ cận kề; đọt đu đủ cũng thế. Nhằm tránh bị ngộ độc, dân làng hay ăn lá mì nhặt (mì ta). Sau khi rửa sạch, cả hai loại nguyên liệu này được bà Hương cho vào cối, dùng chày giã nát để lúc xào lá được mềm, nhanh chín và thấm gia vị.
Khi ngọn lửa đã cháy bùng lên nơi góc bếp nhà sàn cũng là lúc bà Hương bắt đầu công đoạn nấu nướng dưới con mắt “tò mò” dõi theo của các vị khách. “Trước đây, mẹ mình dạy mình chế biến lá mì thành nhiều món ăn với cơm cực ngon, mình nuôi mấy đứa con lớn lên chủ yếu cũng nhờ cơm với lá mì. Món này có thể dùng dầu ăn để xào, còn nếu thích béo hơn thì dùng mỡ heo. Với các món từ lá mì, mình thêm sả làm gia vị sẽ ngon và thơm hơn so với hành, tỏi. Lửa lúc xào phải vừa, sao cho lá mì chín mềm, khô nhưng không bị cháy”-bà Hương vừa nhanh tay đảo chảo lá mì trên bếp, vừa vui vẻ bật mí bí quyết.
Muốn các món ăn từ lá mì được thơm ngon, khi chế biến cũng cần nhiều bí quyết “gia truyền”. Ảnh: Mộc Trà |
Cạnh nhà bà Hương, chị Đinh Thị Thơm cũng đang tỉ mỉ chuẩn bị các nguyên liệu cần thiết cho món canh lá mì nấu bột gạo. Để canh có vị ngọt thanh, khi giã lá mì, chị Thơm cho thêm vào nắm lá ngọt-một loại cây thân leo, lá đơn như dây trầu không, mọc hoang ven rừng hoặc bờ suối. Còn gạo được chị vo sạch và ngâm một thời gian rồi đem giã nát lọc lấy nước đặc để nấu canh.
“Khi nấu cần khuấy đều tay để bột không bị vón cục, đến lúc thấy bột trong, rau chuyển sang màu vàng thì nêm gia vị và nhắc nồi xuống. Múc ra tô rồi cho sả, ớt xào vào trộn đều là đã có một tô canh lá mì ngon cơm. Mấy đứa nhỏ nhà mình thích món này lắm”-chị Thơm chia sẻ.
Làn khói bếp lơ đãng tỏa ra từ mấy nếp nhà sàn trong một buổi chiều đầu đông khiến lòng người trở nên ấm lạ. Bên nồi cơm thơm mùi gạo rẫy, dù chẳng phải cao sang, song vị ngọt-bùi-đắng-cay có trong các món ăn dân dã được chế biến từ lá mì của đồng bào Bahnar nơi đây chắc chắn sẽ mãi khiến những thực khách như chúng tôi xuýt xoa, thèm thuồng mỗi khi nhớ lại…
Mộc Trà