Kỳ vọng cao tốc Quy Nhơn-Pleiku: Kỳ cuối-Động lực phát triển kinh tế vùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tuyến đường cao tốc Quy Nhơn-Pleiku không chỉ góp phần giảm tải cho quốc lộ 19 mà còn giúp tăng kết nối giữa Tây Nguyên với Duyên hải miền Trung, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.
Giảm tải cho quốc lộ 19
Đầu tháng 3 vừa qua, Chủ tịch UBND các tỉnh: Gia Lai, Bình Định, Kon Tum đã ký tờ trình chung trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho xây dựng tuyến cao tốc Quy Nhơn-Pleiku. Tuyến đường cao tốc này dài khoảng 160 km được quy hoạch theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 1-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Dự kiến, tuyến đường cao tốc Quy Nhơn-Pleiku có điểm đầu giao với quốc lộ 1 (tại huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định); tại khoảng Km 10 giao với tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định); điểm cuối giao với tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Tây (TP. Pleiku). Tuyến cao tốc này có quy mô 4 làn xe, đi song song với quốc lộ 19 hiện hữu với kinh phí đầu tư dự kiến là 56.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, vốn vay ODA, thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế với nhiều hình thức.
Theo đó, UBND các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Bình Định đã đề xuất quy mô xây dựng cao tốc Quy Nhơn-Pleiku theo hướng phân kỳ đầu tư phù hợp với nguồn vốn đầu tư và đảm bảo tính hiệu quả của dự án. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025 sẽ đầu tư quy mô 2 làn xe với chiều rộng nền đường 17,25 m; hệ thống công trình hoàn chỉnh (gồm: cầu, cống và công trình hầm qua 2 đèo An Khê và Mang Yang). Tổng kinh phí đầu tư dự kiến 40.000 tỷ đồng (có xét đến dự trữ mặt bằng cho giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh theo quy mô quy hoạch là 4 làn xe). Giai đoạn 2026-2030 tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường theo quy hoạch với quy mô 4 làn xe.
Quốc lộ 19-đoạn qua thị xã An Khê-nhìn từ trên cao. Ảnh: QUANG TẤN
Quốc lộ 19-đoạn qua thị xã An Khê-nhìn từ trên cao. Ảnh: QUANG TẤN
Trao đổi với P.V, ông Đoàn Hữu Dũng-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai-cho biết: Tuyến cao tốc này nếu được chấp thuận đầu tư thì sau khi hoàn thành sẽ góp phần giảm tải rất lớn cho quốc lộ 19. Bởi quốc lộ 19 tuy được đầu tư nâng cấp một phần nhưng nhìn chung hiện tại còn nhỏ hẹp, nhiều đèo dốc, nhất là nhiều đoạn đã bị xuống cấp do quá tải… Điều này không những ảnh hưởng đến việc giao thương, vận chuyển hành khách, hàng hóa giữa các tỉnh Duyên hải miền Trung với Tây Nguyên mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Bí thư Thị ủy An Khê-cho rằng: “Có thể nói, quốc lộ 19 không chỉ kết nối giao thương, vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh Duyên hải miền Trung với Tây Nguyên mà còn có ý nghĩa quan trọng trong đảm bảo quốc phòng-an ninh. Tuy nhiên, với lưu lượng phương tiện giao thông ngày càng lớn, nhất là nhu cầu vận chuyển hàng hóa giữa miền xuôi và miền ngược tăng cao thì quốc lộ 19 ngày càng trở nên quá tải, không đáp ứng được nhu cầu phát triển. Vì vậy, việc đầu tư tuyến đường cao tốc Quy Nhơn-Pleiku là rất cần thiết”.
Tương tự, theo ông Hồ Quốc Dũng-Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, qua thời gian sử dụng, tuyến quốc lộ 19 qua địa bàn tỉnh này còn một số đoạn chưa được cải tạo nâng cấp, chất lượng mặt đường một số vị trí đã xuống cấp. Vì vậy, vừa qua, lãnh đạo 3 tỉnh Bình Định, Gia Lai và Kon Tum đã cùng ký tờ trình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Quy Nhơn-Pleiku. “Quốc lộ 19 đã xuống cấp, quá tải, không đảm bảo cho lưu lượng phương tiện giao thông qua lại và nhu cầu thực tế phát triển của cả khu vực. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng đường cao tốc Quy Nhơn-Pleiku là hết sức cấp thiết. Nếu dự án hoàn thành sẽ giúp kết nối giao thông thuận lợi từ Campuchia qua khu vực Tây Nguyên đến các tỉnh Duyên hải miền Trung và kết nối ra cảng biển Quy Nhơn, góp phần giảm tải cho quốc lộ 19”-ông Dũng khẳng định.
“Chìa khóa” mở ra cơ hội liên kết vùng
Tuyến cao tốc Quy Nhơn-Pleiku có tính chất rất quan trọng, phát huy các lợi thế về vị trí địa kinh tế của các tỉnh Gia Lai, Bình Định, tạo bước đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng. Tuyến đường hình thành sẽ tạo trục cao tốc thông qua hệ thống các cảng biển của khu vực Duyên hải miền Trung kết nối Biển Đông với khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, vươn xa hơn là kết nối với các nước Thái Lan, Myanmar. Đây cũng là tuyến đường cao tốc ngang kết nối các tuyến cao tốc dọc, gồm: cao tốc Bắc-Nam phía Đông và cao tốc Bắc-Nam phía Tây, góp phần hoàn chỉnh mạng đường bộ cao tốc Việt Nam. Ngoài ra, tuyến cao tốc này còn tạo điều kiện để 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai khai thác quỹ đất dọc tuyến, quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị kết nối, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Bên cạnh đó, ngày 28-2-2017, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 1787/VPCP-CN thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc đầu tư tuyến đường cao tốc Bờ Y-Ngọc Hồi-Pleiku. Đến ngày 23-10-2019, Bộ Giao thông-Vân tải đã có Tờ trình số 10032/TTr-BGTVT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó có đoạn cao tốc Bờ Y-Ngọc Hồi. Hiện UBND tỉnh Kon Tum đang thực hiện các bước tiếp theo để triển khai dự án đầu tư tuyến đường cao tốc này theo đúng quy định.
Quốc lộ 19-đoạn qua đèo An Khê khá hẹp, gây nhiều khó khăn cho phương tiện lưu thông. Ảnh: DUY LÊ
Quốc lộ 19-đoạn qua đèo An Khê khá hẹp, gây nhiều khó khăn cho phương tiện lưu thông. Ảnh: DUY LÊ
Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai cho biết: “Các tuyến cao tốc Quy Nhơn-Pleiku, Bờ Y-Ngọc Hồi-Pleiku sẽ hình thành mạng lưới đường cao tốc kết nối các tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Bình Định, gắn kết các trục đường xuyên Á qua các Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (Kon Tum), Lệ Thanh (Gia Lai) với cảng biển Quy Nhơn (như AH1-quốc lộ 1, AH17-đường Hồ Chí Minh, AH132 từ Quảng Ngãi đi Kon Tum theo quốc lộ 40 qua biên giới Lào), thúc đẩy hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, góp phần thực thi có hiệu quả các bản ghi nhớ, hiệp định, nghị định thư về vận tải đường bộ mà các nước Việt Nam, Lào, Campuchia đã ký kết trong những năm gần đây”. 
Liên quan đến tuyến cao tốc Quy Nhơn-Pleiku, Bí thư Thị ủy An Khê kỳ vọng: “Thị xã An Khê nói riêng và Gia Lai nói chung có thế mạnh là gần cảng biển Quy Nhơn. Do đó, chúng tôi rất kỳ vọng sẽ có một tuyến đường cao tốc kết nối giữa Bình Định, Gia Lai và Kon Tum. Nếu được chấp thuận đầu tư, tuyến cao tốc sẽ mở ra một tương lai mới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh Tây Nguyên. Đặc biệt, cao tốc Quy Nhơn-Pleiku sẽ góp phần xóa điểm nghẽn về hạ tầng giao thông trong những năm qua, giúp thị xã An Khê nói riêng, Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên nói chung thuận lợi hơn trong kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, nhất là phát triển ngành du lịch của vùng Tây Sơn Thương đạo vốn có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng chưa được khai thác nhiều do cách trở trong đi lại”.   
 Đoạn đèo An Khê có nhiều khúc cua khá nguy hiểm. Ảnh: T.D
Đoạn đèo An Khê có nhiều khúc cua khá nguy hiểm. Ảnh: T.D
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cũng khẳng định: Tuyến cao tốc Quy Nhơn-Pleiku có tính chất đặc biệt quan trọng, kỳ vọng mở ra hướng phát triển mới cho tỉnh nhà. Nó không những phát huy lợi thế về vị trí địa kinh tế cả tỉnh Bình Định, Gia Lai và Kon Tum mà còn tạo bước đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng. Đây sẽ là một trong những hành lang vận tải quan trọng nối cảng biển Quy Nhơn với Tây Nguyên và các nước láng giềng Lào, Campuchia, Đông Bắc Thái Lan trong giao thương hàng hóa. Đặc biệt, tuyến cao tốc khi được đầu tư sẽ thúc đẩy ngành du lịch của không chỉ 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định phát triển mà còn giúp kết nối giữa các tỉnh Duyên hải miền Trung với Tây Nguyên và xa hơn là các nước Lào, Campuchia, Thái Lan…
Tại các buổi làm việc với lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Dương Văn Trang cũng cho rằng, liên kết vùng là vấn đề có tính chiến lược trong đầu tư phát triển. Tuy nhiên, hiện tại, trên địa bàn Tây Nguyên chưa có tuyến cao tốc nào để góp phần rút ngắn thời gian vận chuyển với các tỉnh có nền kinh tế phát triển của khu vực miền Trung. Do đó, việc xây dựng tuyến cao tốc nối Tây Nguyên và các tỉnh Duyên hải miền Trung là “chìa khóa” để mở ra cơ hội liên kết vùng nhằm tạo ra sự liên kết, thông suốt. Không chỉ kết nối các tỉnh thành trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên, tuyến cao tốc Quy Nhơn-Pleiku còn vươn ra kết nối với thế giới thông qua hệ thống cảng biển và vùng Nam Lào, Đông Bắc Campuchia trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Qua đó, thu hút nguồn lực đầu tư từ kinh tế tư nhân đối với các doanh nghiệp lớn có khả năng làm đầu tàu thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực của tỉnh Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung nói chung.
NHÓM PHÓNG VIÊN 

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.