Kỳ thú chuyện biển của lão ngư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giờ tuổi già sức yếu nên ông không thể ôm nổi vô lăng điều khiển con tàu chẻ từng đợt sóng vươn khơi như cách đây vài năm. Nhưng khi ai đó vô tình hay hữu ý nhắc đến nghề biển là mắt ông chợt sáng lên... Ông là Bùi Đình Sành (65 tuổi, trú khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị) có thâm niên ngót 50 năm gắn bó đời mình với biển khơi.

Đoán cá dưới khúc gỗ mục

Chiều nay, chúng tôi ngồi cùng ông trong căn nhà nhỏ hướng mặt ra dòng sông Hiếu hiền hòa xuôi chảy qua chân cầu Cửa Việt để hòa vào biển cả. Để rồi ký ức những ngày còn là “kình ngư” am hiểu tận tường từng dòng hải lưu cũng như phương thức, kinh nghiệm đánh bắt những mẻ cá, mực... thu hàng chục triệu đồng mà không cần đến phương tiện kỹ thuật hiện đại lại âm vọng trở về trong ông.

 
Cảng cá Cửa Việt.
Cảng cá Cửa Việt.

“Bây giờ, khi nhiều tàu đánh bắt xa bờ được trang bị máy tầm ngư từ chủng loại dò dọc rồi đến dò ngang cùng với nhiều loại ngư lưới cụ đánh bắt hiện đại khác như lưới rê bùng nhùng, lưới ba cao lườn, vây rút chì...thì chuyện đánh một mẻ lưới thu hàng chục triệu đồng không phải là chuyện lạ. Nhưng cách đây chục năm thì làm gì có máy tầm ngư được trang bị trên tàu, thuyền...nên muốn đánh bắt một mẻ lưới thu hàng triệu đồng, thậm chí là vài chục triệu đồng tất cả đều phụ thuộc vào kinh nghiệm được tích lũy qua nhiều năm làm nghề biển. Như việc nhìn thấy khúc gỗ mục (thường dài khoảng 1 - 2 m) đang lập lờ trôi nổi giữa biển vẫn đoán được loại cá và trữ lượng cá dưới “bóng” khúc gỗ mục để sử dụng loại lưới, cách câu phù hợp nhất. Và đến tận bây giờ, những kinh nghiệm ấy vẫn còn được nhiều ngư dân áp dụng trong đánh bắt thủy hải sản rất hiệu quả. Nói đâu xa, hiện nay ngư dân của nhiều tỉnh như Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa..., rồi các tỉnh miền Nam cứ mỗi lần ra biển may mắn gặp khúc gỗ mục, sau khi xác định được trữ lượng cá bên dưới khúc gỗ, họ sẽ quyết định điện đàm với các tàu khác để thỏa thuận giá bán lại cho tàu bạn rồi mới cho tàu đi đến ngư trường mình cần đến hoặc ở lại đánh bắt đàn cá dưới khúc gỗ mục” - ông Bùi Đình Sành mở đầu câu chuyện biển đầy kỳ thú với chúng tôi như vậy.

Như để chúng tôi hiểu hơn về kinh nghiệm đoán cá dưới khúc gỗ mục, ông Sành cố gắng tường thuật chi tiết cho chúng tôi rõ. Thông thường, việc tìm thấy những khúc gỗ mục giữa biển có đàn cá bám theo là vào khoảng từ tháng 2 đến tháng 9 hàng năm. Biển vào thời gian này thường trong xanh, yên ả hơn... và nhiều khúc gỗ từ núi, rừng bị nước lũ cuốn trôi theo các con sông trong mùa mưa lũ bắt đầu ngấm nước đến mục ruỗng là môi trường lý tưởng để nhiều loại rong, tảo biển bám vào rồi sinh sôi, nảy nở. Chính rong, tảo biển mọc trên khúc gỗ mục là yếu tố thu hút đàn cá nhỏ đến ăn lớp rong, tảo đó...và theo sau đàn cá nhỏ là từng đàn cá lớn như cá bớp, cá cam, cá xanh, cá chim đen, cá bè... đến săn cá nhỏ.

 

Những mẻ cá đánh bắt về từ biển.
Những mẻ cá đánh bắt về từ biển.

Ông Sành bảo, biển thì mênh mông mà những khúc gỗ mục có đàn cá bơi theo cũng hiếm lắm. Mỗi mùa đi biển, ngư dân nào may mắn cũng gặp được 5-7 khúc gỗ mục. Gặp khúc gỗ mục, ngư dân có kinh nghiệm sẽ căn cứ vào màu nước biển để xác định loại cá cũng như trữ lượng cá bên dưới. Thông thường, dưới khúc gỗ mục bao giờ cũng có ít nhất khoảng 1-2 tạ cá bớp, cá cam, cá xanh, cá chim đen, cá bè... còn nhiều thì lên đến cả tấn cá. Còn nhớ, cách đây mười mấy năm, trong lần ra ngư trường Cồn Cỏ đánh bắt thủy sản thì thuyền của tôi gặp khúc gỗ mục đang trôi phía xa. Tôi nói với anh em thuyền viên cho tàu chạy chậm lại và sau đó tắt máy cho tàu dừng cách khúc gỗ khoảng 7-8 m. Khi đã xác định lượng cá bên dưới khúc gỗ mục, tất cả anh em thuyền viên bắt đầu buông câu. Hôm đó, tàu của tôi đánh bắt được gần 1 tấn cá bớp, cá cam... với trọng lượng mỗi con cá bớp, cá cam nặng từ 30-40 kg. Mà câu cá dưới khúc gỗ mục thú vị lắm mấy chú ạ... Mỗi lần cá mắc câu, vì cá có trọng lượng lớn nên phải rê từ từ cho đến khi cá kiệt sức mới kéo được lên tàu chứ không phải dễ dàng mà kéo lên được. “Đó là ngày xưa, chứ bây giờ tàu nào mà gặp khúc gỗ mục là họ dùng lưới vây bắt. Mới đây, trên đường ra ngư trường đánh bắt thủy sản, khi cách bờ khoảng 2 hải lý thì tàu của gia đình ông Bùi Xuân Tấn (khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) gặp khúc gỗ mục có đàn cá bè bơi theo. Lần đó, tàu ông Tấn dùng lưới bùng nhùng đánh bắt được 5 tấn cá bè…” - ông Sành cười sảng khoái như thể đã truyền xong kinh nghiệm câu cá dưới khúc gỗ mục.
 

Ông Bùi Đình Sành bảo rằng, ngày xưa chỉ cần ra khỏi bờ khoảng vài hải lý là gặp “mực ổ”.
Ông Bùi Đình Sành bảo rằng, ngày xưa chỉ cần ra khỏi bờ khoảng vài hải lý là gặp “mực ổ”.

Nhìn trứng mực, biết "ổ mực"

Ông Sành kể, lâu nay, khi nhắc đến chuyện ra biển đánh bắt mực ống thì nhiều người không làm nghề biển cũng hình dung ra công việc của ngư dân bọn tôi. Công việc của ngư dân là tầm khoảng 1-2 giờ chiều cho tàu ra khơi. Ra đến ngư trường, cứ chờ trời sẩm tối là bật hệ thống điện chiếu sáng trên tàu để thu hút đàn mực đến kiếm ăn dưới ánh sáng. Chờ cho đàn mực đến nhiều thì bắt đầu buông câu hoặc thả lưới vây rút để bắt mực ống. Nhưng có một chuyện về đánh bắt mực ống mà ít người biết đến và khá thú vị đó là việc câu “mực ổ”. Nhiều người khi nghe nói đến chuyện mực làm ổ là tròn mắt ngạc nhiên cứ như chuyện lạ không thể xảy ra trên đời. Nhưng với ngư dân bọn tôi thì việc tìm “ổ mực” và câu “mực ổ” là chuyện thường tình. Nói là “ổ mực” vì những nơi đó thường mọc dày rong, tảo biển thuận lợi cho việc sinh sản của mực ống nên chúng tìm đến sinh sản với số lượng lớn. Ngư dân bọn tôi, gọi “ổ mực” cho gọn. Và công việc câu “mực ổ” chỉ dành cho tàu, thuyền có công suất nhỏ, đánh bắt cách bờ khoảng 1 - 3 hải lý chứ tàu có công suất lớn hầu như không tham gia”, ông Sành kể.

Theo kinh nghiệm của ông Sành, thông thường mùa câu “mực ổ” diễn ra từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm. Việc xác định “ổ mực” còn tùy thuộc vào kinh nghiệm của ngư dân. Nói là tùy thuộc vào kinh nghiệm của ngư dân bởi việc xác định “ổ mực” hoàn toàn ngẫu nhiên. Ví như lúc ngư dân đánh bắt cá bằng lưới ba, lưới hai...gần bờ mà vô tình có những đám rong, tảo biển vướng vào lưới, nếu trên thân của đám rong, tảo biển ấy có từng chùm trứng mực ống với mật độ dày thì ở nơi họ đánh bắt đích xác có “ổ mực”. Gặp những trường hợp như vậy, ngư dân sẽ dùng dây với một đầu gắn chì hoặc đá nặng, còn đầu kia gắn phao để định vị vị trí “ổ mực”. Khi định vị được “ổ mực”, bà con ngư dân sẽ gọi nhau chờ đêm đến sẽ đưa tàu, thuyền đến câu mực ống dưới ánh sáng đèn.

Ông Sành bảo, dụng cụ để câu “mực ổ” thường là câu bằng rường. Rường câu mực là một viên chì có hình thoi với chiều dài bằng ngón tay cái người lớn (một đầu viên chì buộc tua tủa từ 5 - 6 lưỡi câu tạo thành hình tròn xung quanh viên chì). Quanh thân viên chì, ngư dân khéo léo quấn quanh một lớp dây kim tuyến sáng lấp lánh. Viên chì sẽ được buộc chắc vào dây câu nối với cần câu như cách câu các loại cá biển, cá sông thông thường khác. Khi rường câu được thả xuông nước, chính ánh đèn trên thuyền làm cho dây kim tuyến trên viên chì lấp lánh thu hút sự tò mò của mực ống. Nhiều con mực ống dùng hai sợi râu ôm lấy viên chì đang được người câu trên tàu, thuyền dẻo tay kéo lên, thả xuống và thế là mắc câu. Đi câu “mực ổ” có một điều kiêng kỵ mà bất cứ một ngư dân nào cũng phải nằm lòng đó là có câu được “mực chúa” thì lập tức thả ngay xuống biển. “Mực chúa” thường có chiều dài khoảng 0,8 - 1 m và theo quan niệm của ngư dân nếu không thả “mực chúa” xuống biển thì mùa “mực ổ” sau tại vị trí đó không bao giờ đóng “ổ mực”.

Trời nhập nhoạng tối, chúng tôi vội vàng xin phép ông ra về với lời hẹn một dịp khác sẽ được nghe chuyện về nghề biển, nghiệp biển của ông nhiều hơn. Ông bảo, nay ông đã già, không biết lúc nào thì về với cát bụi, song nỗi nhớ biển khơi trong ông vẫn mãi dâng đầy theo con nước triều lên...

“Cách đây khoảng chục năm, chỉ cần ra khỏi bờ khoảng vài hải lý là có “ổ mực” để câu. Gặp “ổ mực” mỗi đêm tàu, thuyền của ngư dân có thể câu được từ 2 - 3 tạ mực ống các loại là chuyện thường. Giờ “ổ mực” vẫn còn nhưng hiếm lắm và trữ lượng cũng ít đi mà nguyên do cũng từ những dàn đèn siêu sáng trên các tàu, thuyền đánh bắt thủy sản làm cho mực không còn tập trung”.

Ông Sành nói trong tiếc nuối

Hữu Thành-Sĩ Việt/tienphong

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.