Kỷ lục gia sưu tầm cổ vật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hơn 30 năm đam mê sưu tầm, ông Trần Thái Bình (thành phố Vinh, Nghệ An) đang sở hữu bộ sưu tập 5.000 hiện vật cổ xưa, đa chủng loại, chất liệu. 

Với ông, việc sưu tầm các hiện vật cổ xưa không chỉ thỏa mãn niềm đam mê về cổ vật, mà qua đó lưu giữ những giá trị to lớn về lịch sử, tinh thần, văn hóa nghìn năm của dân tộc. Ông cũng là người đầu tiên của tỉnh Nghệ An được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục.

Vô giá

Trong ngôi nhà nhỏ ở phường Vinh Tân, thành phố Vinh, Nghệ An, ông Trần Thái Bình (SN 1973) đang say sưa sắp xếp lại những cổ vật. Từng ngóc ngách trong ngôi nhà đều được ông tận dụng để trưng bày bộ sưu tập đồ cổ. Nổi bật là bộ tượng cổ với 200 pho tượng mạ vàng, ngọc, gỗ, đồng, đá sa thạch... liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng như Phật giáo, Hindu giáo, Đạo Mẫu, Đạo Lão thuộc văn hóa Việt Nam và Chăm Pa. Nâng niu bức tượng Phật ngọc mạ vàng, ông Bình nói, đây là bức tượng “độc nhất vô nhị”, hiện chưa có cái thứ hai. Bức tượng làm từ ngọc, mạ vàng, được tìm thấy trong hang đá tại huyện biên giới Quế Phong (Nghệ An) được xác định có niên đại khoảng 300 năm. “Bức tượng Phật ngọc mạ vàng nặng 8kg được tìm thấy trong hang đá vào giữa năm 2023. Đây thuộc loại cổ vật cất giấu, tức là chủ nhân của nó đã mang vào các hang đá hẻo lánh trong rừng sâu để cất giữ, tránh bị thất lạc”, ông Bình chia sẻ.

Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao chứng nhận xác lập kỷ lục đối với ông Trần Thái Bình (thứ 4 từ phải sang).

Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao chứng nhận xác lập kỷ lục đối với ông Trần Thái Bình (thứ 4 từ phải sang).

“Gia tài” của ông Bình còn có nhiều pho tượng có giá trị nghệ thuật cao như tượng Quan âm chất liệu đá ngọc phủ hoàng kim niên đại 500 năm; tượng Phật A di đà sơn son, thếp vàng niên đại 200 năm; tượng thần Si va bằng đá sa thạch nặng 80kg, niên đại thế kỷ XI; bộ sưu tập chuông, chiêng cổ với 151 hiện vật chất liệu đồng xuất xứ tại Việt Nam, Chăm Pa, Lào có niên đại từ 100 - 300 năm, trong đó có nhiều chuông quý hiếm như chuông cổ Chăm Pa nặng 70kg, nhạc khí thời Đông Hán niên đại gần 2.000 năm. Ngoài ra còn có bộ sưu tập bát, nồi đồng cổ xuất xứ Hán, Việt, niên đại từ 100 - 2.500 năm; bộ sưu tập trang sức, binh khí bằng đồng với số lượng hơn 500 hiện vật gồm vòng tay, bao tay, bao chân, khuyên tai, gương đồng, trâm cài đầu, trống đồng, dao găm, rìu đồng có niên đại từ 200 - 2.000 năm; bộ sưu tập hiện vật thời kỳ đồ đá, bộ sưu tập gốm sứ với 2.800 hiện vật niên đại từ 100 - 2.000 năm…

Một góc bộ sưu tập tượng cổ liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng của ông Trần Thái Bình.

Một góc bộ sưu tập tượng cổ liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng của ông Trần Thái Bình.

Chỉ tay về bức tượng Phật Quan âm, ông Bình nói, đây là bức tượng được tạo tác từ ngọc có màu xanh lục, mạ bên ngoài một lớp vàng, đường nét tinh xảo. Theo chứng thư giám định đá quý của Viện nghiên cứu đá quý và vàng VINAGEMS, đây là Serpentine tự nhiên, trọng lượng 3,65kg. Với giá trị về văn hóa, lịch sử của món cổ vật này, ông Bình đang có kế hoạch làm hồ sơ đề nghị công nhận bức tượng Phật ngọc mạ vàng này là bảo vật quốc gia. “Việc sưu tầm cổ vật, ngoài đam mê, tâm huyết, tỉ mỉ, cần sự hiểu biết và không ngừng học hỏi. Nhiều người đã hỏi tôi giá trị của bộ sưu tập và chính tôi cũng không thể định giá được. Với tôi, đó là những cổ vật vô giá vì nó đã gắn bó trong hành trình của nửa đời người. Có những cổ vật tôi phải bán đi nhiều tài sản của gia đình mới mua được, nhưng cũng có những cổ vật đến với tôi bằng cái duyên…”, ông Bình tâm sự.

“Nghệ An nói riêng và Nghệ Tĩnh nói chung là “cái nôi cổ vật” của cả nước. Vì thế, tôi mong rằng, bằng những hiện vật mình đã sưu tầm, nhiều người sẽ biết đến và cùng chung tay để bảo tồn, phát huy và giữ gìn. Trong tương lai, tôi có dự định sẽ xây một nhà trưng bày để giới thiệu và là nơi trao đổi kinh nghiệm của những người đam mê, tâm huyết đối với cổ vật”.

Ông Trần Thái Bình

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản

Con đường đến với việc sưu tầm cổ vật của ông Trần Thái Bình xuất phát từ niềm đam mê khám phá. Ông đã gom nhặt, thu mua các đồ vật của bà con dân bản. Cứ thế theo thời gian, các hiện vật trong ngôi nhà cứ nhiều dần lên. Lặng lẽ sưu tầm hơn 30 năm qua, đầu năm 2024, ông Bình đã được Liên minh kỷ lục thế giới - Trung ương Hội kỷ lục Việt Nam, Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao chứng nhận xác lập kỷ lục với bộ sưu tập hơn 5.000 hiện vật cổ xưa, đa chủng loại và chất liệu, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Việt Nam. Trong nội dung tôn vinh, ngoài ghi nhận hành trình 30 năm sưu tầm, Tổ chức kỷ lục Việt Nam còn đánh giá cao sự đóng góp rất lớn của ông trong việc tham gia trưng bày các chuyên đề và hiến tặng nhiều hiện vật cho địa phương, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Việt Nam. “Trên cả nước, có rất nhiều người sưu tầm hiện vật lâu hơn tôi, số lượng nhiều hơn tôi và có giá trị kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, tôi nghĩ bộ sưu tập của tôi được ghi nhận bởi sự độc, lạ và hiếm”, ông Bình cho hay.

Ông Trần Thái Bình bên bức tượng Phật ngọc mạ vàng.

Ông Trần Thái Bình bên bức tượng Phật ngọc mạ vàng.

Với ông Trần Thái Bình, việc sưu tầm các hiện vật cổ xưa không chỉ thỏa mãn niềm đam mê của bản thân về cổ vật, mà qua đó lưu giữ những giá trị to lớn về lịch sử, tinh thần, văn hóa nghìn năm của dân tộc. Ông Bình chia sẻ, ai đến với nghiệp sưu tầm đồ cổ cũng đã từng gặp thất bại hoặc ít nhất một lần mua phải hàng giả, hàng nhái. Bản thân ông cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, từ chính niềm đam mê với các hiện vật, ông đã tự tìm hiểu các lĩnh vực về văn hóa, khoa học, lịch sử. Quan trọng hơn, ông học được nhiều từ các chuyến đi trải nghiệm thực tế về các vùng đất. Đến với nghề sưu tầm đồ cổ và có hàng nghìn hiện vật có giá trị, ông Bình nói rằng, để kinh doanh không khó, nhưng với những người sưu tầm phải đặt cái “tâm” lên đầu, việc bán đi một cổ vật mà mình dày công sưu tầm giống như cắt đi khúc ruột.

Ông Trần Thái Bình hiện là thành viên Chi hội Cổ vật Sông Lam thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam. Trước khi được vinh danh Kỷ lục Việt Nam, bộ sưu tập của ông được Bảo tàng Nghệ An khảo sát thực tế và xác nhận có hơn 5.000 hiện vật, trong đó có nhiều bộ sưu tập có giá trị về lịch sử, khoa học và thẩm mỹ. Những năm qua, ông Bình đã có nhiều hoạt động ý nghĩa để lan tỏa các giá trị văn hóa như tham gia trưng bày, hiến tặng một số cổ vật cho Bảo tàng Nghệ An và một số di tích trên địa bàn. Ông cũng từng nhiều lần được Sở Văn hóa và Thể thao, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Bảo tàng Nghệ An tặng Bằng khen, Giấy khen. Ông Hồ Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An cho hay: “Nhiều cổ vật của Nghệ An bị “chảy máu” và lưu lạc ra ngoài. Do đó, một người đam mê, yêu và có trách nhiệm với cổ vật như nhà sưu tầm Trần Thái Bình là rất quý và đáng trân trọng”.

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.