(GLO)- Thông tin về sự trở về của những người từng vượt biên sang Thái Lan đã làm xôn xao các buôn làng ở xã Ia Le, huyện Chư Pưh. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng chục gia đình có thân nhân vượt biên sang Thái Lan đã đến gặp và bày tỏ nguyện vọng được chính quyền, lực lượng Công an giúp đỡ để con em của họ được trở về với buôn làng. Sau đây là ghi nhận của chúng tôi về hoàn cảnh, tâm tư của những gia đình có người thân còn lưu lạc nơi đất khách.
“Cả nhà chỉ biết đợi nó về”
Siu Lomôn (SN 1983, thôn Ia Tong, xã Ia Le)-một người đàn ông nhanh nhẹn, nói năng lưu loát dẫn chúng tôi đến thôn Kênh Mek thăm gia đình Siu Đơn là anh ruột của Lomôn. Cách đây 2 tháng, Siu Đơn nói dối gia đình vào rừng chặt trụ tiêu rồi vượt biên sang Thái Lan. Hiện Đơn vẫn ở đất Thái. Cùng đi với chúng tôi có Rmah Thoát vừa được hồi hương vào ngày 16-6-2015.
Gia đình Siu Đơn ngày ngày chờ đợi Đơn trở về. Ảnh: T.N |
Thoát kể, thời gian ở Thái Lan có ở chung với Đơn 4 ngày. Khi ấy, trông Đơn tiều tụy, chán nản và thất vọng. Đơn nhờ Thoát nhắn với gia đình rằng rất nhớ nhà và muốn trở về nhưng không đủ tiền. Đơn đang cố gắng lao động, tiết kiệm tiền chỉ với mục đích duy nhất là tìm đường về lại Việt Nam. Bố vợ Đơn, ông Siu Mrdach buồn rầu nhìn cháu Rmah Tum ngồi xem ảnh bố. Siu Đơn trốn ra nước ngoài bỏ lại vợ và 5 đứa con, đứa lớn nhất 12 tuổi, nhỏ nhất mới hơn 1 tuổi.
Mới lên 6, Tum đã biết đỡ đần bà ngoại trông em cho mẹ lên rẫy cùng các chị. Nhưng đôi khi, cháu bỏ ăn, khóc đòi bố. “Những lúc đó tôi chỉ biết nói với nó là bố nó sắp về. Tôi có 1 đứa con gái, nó bắt thằng Đơn về, tôi cũng mừng vì nó chịu khó làm ăn. Ai ngờ nó nghe người ta lừa bỏ vợ con đi như thế. Bây giờ cả nhà chỉ biết đợi nó. Vợ chồng tôi già rồi, xe công nông không ai lái, ruộng rẫy thiếu người làm, vợ con nó buồn nhớ đến héo hon…”-ông Mrdach bùi ngùi chia sẻ.
Siu Lomôn nói, gia đình Siu Đơn thuộc hàng khá giả trong thôn với 1,6 ha tiêu, 2 ha lúa nước, 15 con bò, trong nhà đã sắm được xe máy, xe công nông… Chính Lomôn cũng buồn vì Siu Đơn bỏ ngoài tai những lời nói của em trai, bỏ làng đi chỉ vì lời lừa phỉnh của những kẻ xa lạ.
Đứa trẻ trên nương
A Drơng Chơng (ở thôn Kênh Mek) sang nhượng đất ruộng rồi cùng vợ và con gái 2 tuổi vượt biên sang Thái Lan vào ngày 7-1-2015, bỏ lại cháu A Drơng H’Y mới 7 tuổi ở nhà với ông bà nội. Chỉ thời gian ngắn sau đó, Chơng gọi điện về nhà kể rằng bên Thái Lan cái gì cũng đắt đỏ. Tiền thuê nhà 3 người mỗi tháng tương đương 2 triệu đồng Việt Nam, vợ phải chăm con nhỏ, một mình Chơng đi làm. Công việc bấp bênh, tiền công còm cõi không đủ ăn. Ông Siu Lui, bố Chơng cho biết: “Nó hỏi tôi có cách gì để gửi tiền qua cho nó trở về làng không. Tôi hỏi địa chỉ thì nó không biết. Vì phải trốn Cảnh sát Thái Lan thì làm sao mà gửi về địa chỉ nó ở được. Nếu có cách gì đó thì tôi cũng đi vay mượn gửi để nó tìm người dẫn đường về. Con H’Y nhớ cha mẹ, nhớ em lắm. Tôi rất mong chờ Công an, chính quyền tìm cách và tạo điều kiện cho gia đình con tôi hồi hương”.
Hôm Siu Lomôn dẫn đến nhà Chơng, chúng tôi không gặp H’Y vì em đang lên nương cùng người bác gái. Nhưng hình ảnh đứa trẻ buồn bã, ngày ngày lầm lũi trên rẫy vắng cứ hiện lên trong tâm trí tôi. Và có lẽ đó cũng là nỗi khổ tâm của cha mẹ em-những kẻ đang vất vả tha phương ở đất khách quê người.
“Đừng quay lưng với quê hương”
Đã từng là nạn nhân của trò lừa vượt biên, hơn ai hết, Siu Lomôn hiểu được giá trị của gia đình, của quê hương. Anh bộc bạch: “Hồi đó tôi băng rừng sang trại tạm cư ở biên giới Campuchia. Chúng tôi ở trong những căn lều bé xíu, mưa lớn là bị tạt ướt hết. Mỗi người được phát 1 lon gạo/ngày. Không ai được đi đâu, sống như bị cầm tù. Hơn 14 tháng chờ đợi được đi Mỹ, tôi không còn hy vọng gì và đăng ký hồi hương. Bây giờ, vợ chồng tôi làm công nhân cao su mỗi tháng 8 triệu đồng, trồng thêm 1.400 trụ tiêu, thêm lúa, bắp… Con thứ 2 của tôi học giỏi nhất điểm Trường Tiểu học Kênh Mek.
Tôi được cử làm cán bộ Mặt trận 2 thôn Kênh Mek và Ia Tong. Với những gì đã trải qua, tôi thường nói với bà con đừng nghe lời kẻ xấu vượt biên. Không có sung sướng đâu, không giàu sang đâu, chỉ có tủi hổ, tù túng thôi. Ở nhà làm tiêu, làm cà phê, dù có vất vả cũng là làng mình, gia đình mình. Thôn Ia Tong có 12 người còn mắc kẹt ở Thái Lan. Tôi rất mong họ trở về và nói cho mọi người rằng đừng quay lưng với quê hương mình!”.
Thoại Nhân