Kỳ cuối-Cần cộng đồng chung tay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tuyên truyền là giải pháp được đề cập nhiều nhất nhằm thay đổi, tiến tới xóa bỏ tục lệ lạc hậu khiến những đứa trẻ “mất mẹ xem như cũng mất cha”. Nhiều cơ quan, đơn vị đã và đang chung tay giúp những đứa trẻ không may ấy bằng những cách làm thiết thực, cụ thể.  
“Không thay đổi nhận thức, khó thay đổi tục lệ”
Sau khi vợ là chị Ksor H’Nanh (SN 1987) chết năm 2019 do u não, anh Kpă Nhok (tổ 7, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) vẫn ở vậy nuôi 3 đứa con. Anh nhớ lại: Từ lúc H’Nanh phát hiện bệnh đến khi qua đời chỉ 1 tuần, để lại 3 đứa con, đứa con út mới 1 tuổi.
Hiểu hoàn cảnh của anh, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã vận động xây tặng 4 cha con ngôi nhà “Đại đoàn kết” trị giá 40 triệu đồng. Trước đó, vợ chồng anh thuê 5 sào đất trồng mì, tài sản chung không có gì giá trị ngoài ngôi nhà cũ lụp xụp. “Mình thương mấy đứa nhỏ lắm. Nếu lấy vợ khác thì mình sẽ dẫn con theo. Con mình mà, làm sao bỏ được”-anh Nhok bộc bạch.
Tìm hiểu thêm thì được biết, chị H’Nanh cũng mất mẹ từ nhỏ, bố đi lấy vợ khác nên bỏ học sớm, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Phải chăng, vì thấu cảm với hoàn cảnh ấy của vợ mà anh Nhok không máy móc làm theo tục lệ? 
Anh Kpă Nhok (tổ dân phố 7, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) vẫn ở vậy nuôi 3 đứa con sau khi vợ mất từ năm 2019. Tuy nhiên, số người đi ngược lệ tục như anh không nhiều. (ảnh Phương Duyên)-ảnh bài 2.
Anh Kpă Nhok (tổ dân phố 7, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) vẫn ở vậy nuôi 3 đứa con sau khi vợ mất từ năm 2019. Tuy nhiên, số người đi ngược lệ tục như anh không nhiều. Ảnh: Phương Duyên
Song có thể thấy rằng, ngoài những cá nhân có suy nghĩ tiến bộ như anh Nhok thì một bộ phận đồng bào Jrai vẫn bị chi phối bởi tục lệ nói trên. Tuyên truyền để dần xóa bỏ là giải pháp quan trọng cần hướng tới.
Ông Ksor Yin-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo-cho rằng: “Ngày xưa, tục lệ này có thể phù hợp nhưng ngày nay thì không. Tất nhiên cũng có người nhận thức tiến bộ nhưng không là số đông. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp cần giáo dục, tuyên truyền để lớp trẻ hiểu được vấn đề mà thay đổi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Nhiều người vô tâm kèm theo tục lệ thành ra “có vấn đề”. Dù không thể chu cấp nhưng người cha quan tâm thăm hỏi làm chỗ dựa tinh thần cho con cái chứ không nên vô trách nhiệm đổ hết cho nhà vợ. Phía nhà vợ cũng nên xem lại việc chia của cho con rể sau khi vợ mất”.  
Đề cập đến công tác tuyên truyền, ông Ksor Ngak-Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Pa-cho hay: Trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, MTTQ và các đoàn thể thường xuyên lồng ghép chỉ ra sự cần thiết xóa bỏ tục lệ lạc hậu này. Giải pháp là tuyên truyền cho cả phía nhà vợ và người đàn ông, sao cho nhà vợ bỏ tục lệ cũ, nên chia tài sản cho con rể (nếu 2 vợ chồng có tài sản chung) còn người đàn ông thì chăm chỉ làm ăn, không bê tha rượu chè, dành thời gian quan tâm, chăm sóc con cái sau khi vợ mất. 
Tương tự, bà Rơ Ô H’Rin-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đức Cơ-nêu giải pháp nhằm góp phần đẩy lùi tục lệ lạc hậu: Cần đẩy mạnh tuyên truyền để làm rõ trách nhiệm của người cha. Khi đã xác định lập gia đình, dù vợ còn sống hay chết thì vẫn phải có trách nhiệm với con cái. Nếu có lấy vợ khác thì phải có trách nhiệm với con, không thể phó mặc cho nhà vợ. Song, bà Rơ Ô H’Rin cũng cho rằng, tục lệ này đã tồn tại từ nhiều thế hệ nên để thay đổi thì cần phải có thời gian. 
Cần nhiều hơn những tấm lòng
Trong số 12 cháu “Con nuôi đồn Biên phòng”-mô hình do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai (tháng 8-2019), Kpuih Trí là nhỏ tuổi nhất. Trí được Đồn Biên phòng Ia Nan (huyện Đức Cơ) nhận làm con nuôi khi mới 6 tuổi đang chuẩn bị vào học lớp 1. Hiện tại, em học lớp 2 Trường Tiểu học Kpă Klơng. Năm học trước, nhờ sự dìu dắt, chỉ dạy tận tình của các cha nuôi Biên phòng, em đã hoàn thành nội dung học tập và rèn luyện.
Mẹ Trí mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời khi em vừa tròn 3 tuổi. Trí sống cùng bà ngoại ở làng Nú (xã Ia Nan) còn bố thì bỏ về nhà nội cách đó chưa đầy 200 m và không một lần ghé thăm. Bà ngoại rồi các dì, các cậu đều nghèo nên Trí lớn lên trong sự thiếu thốn, còi cọc và thường xuyên đau ốm. “Khi đơn vị xuống làng để khảo sát nhận con nuôi, Trí đang bị ốm, nằm thiêm thiếp trên giường, thương lắm”-Đại úy Phan Trung Tình-Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ia Nan-kể lại.
Trở thành con nuôi của Đồn Biên phòng Ia Nan (huyện Đức Cơ), em Kpuih Trí được các cha nuôi quan tâm, yêu thương và chăm sóc. Ảnh: Anh Huy
Trở thành con nuôi của Đồn Biên phòng Ia Nan (huyện Đức Cơ), em Kpuih Trí được các cha nuôi quan tâm, yêu thương và chăm sóc. Ảnh: Anh Huy
Ông Rơ Chăm La Ni-Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy: “Luật tục Jrai hướng con người đến mục tiêu hoàn thiện cuộc sống, tăng cường gắn kết cộng đồng. Tuy nhiên, đến nay, các địa phương chưa đánh giá và báo cáo đầy đủ, toàn diện về vấn đề trên. Vì vậy, chúng tôi sẽ tổ chức khảo sát để nắm bắt tình hình mọi mặt trong đời sống nhân dân nói chung. Đây là vấn đề xã hội nên có nhiều góc độ tiếp cận, trong đó cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức về Luật Hôn nhân và Gia đình; chính quyền địa phương cũng cần thực hiện tốt chính sách dân tộc vì đa số đối tượng này ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn, hiểu biết hạn chế”.

Những ngày đầu mới về sống chung cùng các chú bộ đội, Trí rụt rè và rất ít khi mở lời. Hiểu được tâm lý con trẻ, những người lính Biên phòng thay nhau chăm sóc, quan tâm và luôn coi Trí như con đẻ của mình. Cảm nhận được tình cảm các chú bộ đội dành cho, em dần mở lòng, vui vẻ trò chuyện cùng mọi người và chủ động thay đổi cách xưng hô, gọi các chú bằng bố xưng con.

Trí bộc bạch: “Các bố rất thương con. Các bố chỉ cho con từ việc đánh răng, rửa mặt, gấp chăn màn mỗi sáng, cách cầm đũa khi ăn cơm, cách đánh vần từng chữ cái, cách ngồi sao cho thẳng lưng... Con cũng rất thương các bố”.

Còn bà Kpuih H’Phéo, bà ngoại của Trí, mỗi lần lên thăm cháu đều ôm các chú bộ đội rồi bật khóc. Bà khóc vì mừng vui, vì không biết nói gì hơn. Bà bảo: “Nhờ có bộ đội, Trí đã có cha, được ăn ngon mặc ấm, được đến trường để học tập và bà yên tâm không còn phải lo lắng gì nữa. Cuối tuần khi Trí về nhà chơi, mình đều dặn phải nghe lời các bố, phải ngoan, học giỏi đừng để các bố buồn”. 

Ngoài Kpuih Trí, một số trường hợp do ảnh hưởng của tục lệ cũng đang được Bộ đội Biên phòng tỉnh nhận nuôi như: Rơ Mah Sim-con nuôi của Đồn Biên phòng Ia Pnôn (huyện Đức Cơ); Rơ Lan Toen-con nuôi Đồn Biên phòng Ia Chía (huyện Ia Grai). Trở thành con nuôi của đồn, các em sẽ được quan tâm, chăm sóc và chỉ dạy ân cần, con đường đến trường của các em bớt gập ghềnh, chông gai.
Chi đoàn Báo Gia Lai phối hợp cùng Đoàn xã Dun tặng bò cho 4 bà cháu Siu A Yoai-ảnh Mộc Trà
Chi đoàn Báo Gia Lai phối hợp cùng Đoàn xã Dun (huyện Chư Sê) tặng bò cho 4 bà cháu Siu A Yoai. Ảnh: Mộc Trà
Cùng với mô hình của Bộ đội Biên phòng tỉnh, thời gian qua, nhiều tổ chức, hội, đoàn thể triển khai giúp đỡ những trẻ em hoàn cảnh khó khăn có nguyên do từ tục lệ như: giúp sửa nhà, trao sinh kế, hỗ trợ tiền hàng tháng. Trở lại với câu chuyện của 4 bà cháu Siu A Yoai (làng Pan, xã Dun, huyện Chư Sê). Ngay sau khi biết hoàn cảnh của bà, Chi Đoàn Báo Gia Lai phối hợp với Đoàn xã Dun giúp sửa chữa lại căn nhà để bà cháu có thể yên tâm an trú trong những ngày mưa bão; đồng thời, tặng 1 cặp bò giống làm phương tiện sinh kế, hỗ trợ thêm nhu yếu phẩm giúp bà cháu ổn định cuộc sống. Chị Tạ Thị Ngọc Yến-Bí thư Đoàn xã Dun-chia sẻ: “Xã cũng hỗ trợ 4 bà cháu 1 con bò và hiện tại bò đã đẻ 1 con bê. Gia đình bà cũng đã thoát nghèo”.
Hơn 1 năm trở lại đây, biết hoàn cảnh của 3 chị em Kpă Nhiên (làng Bak Kuau), Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Băng (huyện Chư Prông) cũng nhận hỗ trợ hàng tháng cậu em út Kpă Chiu đang học lớp 1. Cùng với số tiền hỗ trợ để mua sách vở, đồ dùng học tập cho Chiu, Hội cũng cử cán bộ thường xuyên ghé nhà thăm hỏi, nắm bắt tình hình học tập và quan tâm, giúp đỡ gia đình những lúc khó khăn.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đức Cơ Rơ Ô H’Rin thông tin: Hiện nay, một số Hội cơ sở đã xây dựng mô hình “Con nuôi Hội Phụ nữ” nhằm giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Thời gian tới, Hội sẽ khảo sát, đánh giá hiệu quả của mô hình và nhân rộng để có thể giúp đỡ nhiều cháu có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, bà Rơ Ô H’Rin cũng cho rằng, mô hình chỉ mang tính hỗ trợ, việc thay đổi nhận thức, xóa bỏ tục lệ từ trong chính cộng đồng Jrai mới là giải pháp căn cơ.
PHƯƠNG DUYÊN-PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.