(GLO)- Sau gần một năm sống chui lủi, cơ cực ở Thái Lan, mới đây 4 người dân tộc thiểu số vượt biên trái phép đã tìm đường trở về với quê hương, buôn làng. Hơn ai hết họ đã hiểu rõ sự thực về cuộc sống “giàu sang sung sướng” ở Thái Lan mà bọn xấu tuyên truyền. Nhận được tin báo từ gia đình những người vượt biên, ngày 16-6 vừa qua, chúng tôi đã có mặt tại Bến xe Đức Long Gia Lai để gặp họ.
Từ thủ đô Băng Cốc-Thái Lan, sau hành trình gian nan suốt 3 ngày đêm bằng nhiều phương tiện khác nhau, Siu Anek (25 tuổi), Siu Bêch (32 tuổi), Siu Toan (22 tuổi) và Rmah Thoát (30 tuổi, cùng trú tại huyện Chư Pưh) về đến Cửa khẩu Cầu Treo-Hà Tĩnh. Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh Hà Tĩnh đã giúp đỡ họ đón xe về Gia Lai. Siu Bêch-làng Pui A, xã Ia Le, huyện Chư Pưh kể: “Tôi đi từ tháng 3-2014, tới tháng 7-2014 mới có việc làm, làm bảng quảng cáo. Tháng đầu họ trả tiền đủ nhưng sau đó hai ba tháng thì không có việc làm. Tôi đi xin người Thái việc làm nhưng họ nói phải có hộ chiếu chứ không Công an Thái bắt họ không bảo lãnh được”.
Lãnh đạo Công an tỉnh tiếp nhận 4 trường hợp vượt biên trở về tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh: T.T |
Trở về, Siu Anek, Siu Bêch, Siu Toan và Rmah Thoát đã đến trình diện với chính quyền địa phương. Thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước “đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại”, họ đã được động viên, tạo điều kiện để hòa nhập trở lại cộng đồng, ổn định cuộc sống. Các đối tượng trở về đã cảm ơn sự khoan hồng, giúp đỡ, tạo điều kiện của Nhà nước, hứa sẽ không tái phạm, chăm lo làm ăn, đồng thời tích cực vận động dân làng không nghe lời bọn xấu lôi kéo, lừa phỉnh. Siu Bêch cho biết thêm, ở Thái Lan còn một số người vượt biên trước đây muốn về với buôn làng nhưng không có tiền, không biết đường về.
Đầu năm 2013, một số làng đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai rộ lên tin đồn ai trốn sang Thái Lan sẽ được người của Liên hợp quốc đón đi Mỹ, hưởng cuộc sống giàu sang sung sướng. Mặc dù được chính quyền và các ban ngành tuyên truyền, giải thích nhưng một số người nhẹ dạ, ôm mộng đổi đời, đã bán nương rẫy, bán gia súc, thậm chí đi vay nặng lãi chờ cơ hội trốn. Chỉ trong một thời gian ngắn đã có một số người bỏ buôn làng, gia đình ra đi. Siu Anek, Siu Bêch, Siu Toan và Rmah Thoát cũng nằm trong số đó.
Sinh ra trong một gia đình kinh tế khá giả ở làng Thơh Nhoeng, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh nhưng Siu Toan không chịu lao động giúp bố mẹ mà lại nghe lời bạn bè rủ rê bỏ trốn sang Thái Lan từ đầu năm 2014. Sang đến đất Thái Lan, Siu Toan mới vỡ mộng, biết bị bọn xấu lừa phỉnh, suốt ngày phải trốn chui vì sợ cảnh sát nước sở tại bắt giam do nhập cảnh trái phép. Trong cơn hoảng loạn nơi xứ người, Toan liên tục gọi điện về gia đình cầu cứu. Vui mừng khi thấy con trở về, ông Rmah Ben, bố Siu Toan nói: “Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã khoan hồng cho con tôi trở về. Từ nay tôi sẽ giáo dục nó, để nó không còn nghe lời bọn xấu vượt biên trái phép.”
Siu Anek ở làng Tao, xã Ia Phang cũng trở về nhà với tâm trạng mừng vui khôn xiết nhưng cũng ăn năn, hối lỗi với vợ con, gia đình. Anek có vẻ ngại ngùng với chúng tôi vì hai đứa con nhìn anh xa lạ, chúng hoảng sợ khi anh đến gần. Ông Y Đhưn Ayun-Trưởng thôn Thơh Nhoeng, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh nói: “Mấy người đã lạc lối đi qua Thái Lan, chúng tôi sẽ thường xuyên gặp gỡ, nhắc nhở họ đừng làm như vậy nữa. Cứ như thế nhiều lần thì Nhà nước sẽ không khoan hồng nữa đâu”.
Trở về trong vòng tay bao dung của dân làng, sự khoan hồng, tạo điều kiện giúp đỡ của chính quyền, những người vượt biên đến Campuchia, Thái Lan đang tích cực hòa nhập cuộc sống với bà con buôn làng. Giờ đây miền đất hứa không đâu xa mà là gia đình, buôn làng mình. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh đối với những ai còn mơ tưởng về cuộc sống sung sướng, giàu sang mà không cần lao động ở nước ngoài như bọn xấu rêu rao, lừa phỉnh.
Đăng Thanh-Thoại Nhân