(GLO)- Hơn 6 năm làm Chi hội trưởng phụ nữ làng Brông (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah), chị Ksor Đăm đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc tập hợp, thu hút hội viên tham gia sinh hoạt Hội và giúp hội viên từng bước vươn lên thoát nghèo.
Chị Ksor Đăm luôn gương mẫu trong cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: H.L |
Vừa đi thăm đồng về, chị Đăm vồn vã: “Khoảng một tuần nữa, ruộng lúa nước của mình và bà con trong làng sẽ cho thu hoạch nên mình tranh thủ rủ thêm một số chị em cùng ra kiểm tra”. Làm Chi hội trưởng phụ nữ đã hơn một nhiệm kỳ nên chẳng cần sổ sách gì, chị Đăm vanh vách kể tên và hoàn cảnh cụ thể của từng hội viên, phụ nữ trong làng... Nói về những ngày đầu được chị em tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng, chị Đăm bảo: “Lúc đó, mình cũng lo lắm! Trong đầu luôn suy nghĩ, phải làm thế nào để tuyên truyền cho chị em hiểu về quyền, lợi ích khi tham gia phong trào, công tác Hội; làm thế nào để tập hợp, thu hút hội viên tham gia sinh hoạt Hội... bởi 100% hội viên đều là người dân tộc thiểu số, một số chị vẫn còn tâm lý e ngại đám đông…”.
Sau nhiều đêm trăn trở, chị Đăm nhận ra rằng: Để chị em tin tưởng, bản thân phải luôn gương mẫu ngay cả trong cuộc sống lẫn trong phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, chị cũng nắm lại danh sách các gia đình, phân loại hội viên và tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của chị em cũng như lý do vì sao chưa tích cực tham gia các hoạt động do Hội tổ chức… “Hàng ngày, mình đều dành thời gian để gặp gỡ, kịp thời động viên, hỗ trợ, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của chị em, qua đó vận động từng người tích cực phát triển sản xuất, giữ gìn vệ sinh môi trường, ăn chín-uống sôi…”-chị Đăm chia sẻ. Đặc biệt, nhân các ngày lễ, chi hội phối hợp cùng các ban ngành, đoàn thể và chi hội 6 (chi hội kết nghĩa) tổ chức các hoạt động, như: thi nấu ăn, giao lưu văn nghệ, hái hoa dân chủ… qua đó lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Chị Đăm cho biết thêm, chi hội còn duy trì Câu lạc bộ “Nuôi dạy con tốt” để hướng dẫn hội viên, phụ nữ cách chăm sóc sức khỏe gia đình, bản thân; nuôi con khỏe, dạy con ngoan; phòng-chống bạo lực gia đình, phòng-chống các tệ nạn xã hội, vận động xóa bỏ hủ tục. Đến nay, hầu hết hội viên phụ nữ trong làng đều nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường; nhiều hội viên đã chủ động đào hố rác tự hoại trong vườn nhà, di dời chuồng trại chăn nuôi gia súc ra phía sau nhà…
Những năm qua, chị đã vận động được 28 chị tham gia 2 tổ xoay vòng với số tiền 72 triệu đồng giúp cho nhiều chị vay phát triển kinh tế; vận động hội viên đóng góp 5.000 đồng/tháng để giúp hội viên nghèo, đến cuối nhiệm kỳ, chi hội đã vận động được 5 triệu đồng và 500 kg gạo, giúp 7 hội viên nghèo ổn định cuộc sống. Ngoài ra, chị còn vận động thành lập 1 điểm “3 trong 1”, giúp một gia đình hội viên nghèo mượn 2 triệu đồng để mua phân bón cho cây trồng; mua 200 kg gạo và 20 bộ sách vở tặng con em các gia đình khó khăn trong làng đến trường. “Nhờ đó, tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt Hội ngày càng đông. Nếu đầu năm 2011, chi hội chỉ có 50 hội viên thì đến nay chi hội có 82 hội viên/101 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên. Riêng mô hình 1+1 (1 hội viên nòng cốt vận động 1 phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội) đã vận động được 18 phụ nữ vào tổ chức Hội”-chị Đăm cho biết.
“Ksor Đăm là Chi hội trưởng điển hình trong triển khai phong trào công tác Hội. Bằng những cách làm hay, chị đã từng bước tập hợp, thu hút và động viên hội viên, phụ nữ tích cực tham gia các phong trào, công tác Hội. Đây cũng là chi hội 5 năm liền được xếp loại vững mạnh”-bà Phạm Thị Thoa-Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Hưng nhận xét.
Huy Lê