(GLO)- Mỗi khi ngồi trên chiếc đò ngang thô sơ vượt sông Ba theo cuộc mưu sinh, tự người dân xã Ia Rmok, huyện Krông Pa biết tính mạng mình tựa làn khói mỏng manh nếu sông Ba nổi giận. Nhưng không có cầu bắc qua sông, người dân nơi đây vẫn phải nhắm mắt lụy đò. Trong khi các cơ quan liên quan huyện Krông Pa chưa tìm ra giải pháp cụ thể đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân trên những chuyến đò.
9 giờ sáng một ngày cách đây chưa lâu, chúng tôi có mặt tại một khúc sông Ba, ranh giới chia cắt hai xã Phú Cần và Ia Rmok. Theo quan sát, khúc sông này có hai bến đò và hàng ngày có rất nhiều lượt người qua đò. Mới đầu mùa khô nhưng sông cạn mất nửa, trơ những trảng cát dài như vô tận. Bến đò nằm ở một bãi cạn giữa sông, người, xe xiêu vẹo giữa cát lún. Thấy chị Kpã H’Tin ở buôn BLak, xã Ia Rmok đang ngồi đầu đường xuống bến đò, tranh thủ bắt chuyện, chị cho biết: “Con mình sốt, đang nằm điều trị ở bệnh viện huyện, mình tranh thủ về nhà lấy thêm ít đồ cho con. Mình vừa chạy xe máy vượt qua được vùng cát lún leo lên bờ nhưng mà mệt quá nên ngồi nghỉ”. Chúng tôi đi bộ xuống bến và bước lên đò chuẩn bị qua xã Ia Rmok. Con đò chòng chành mỗi khi có bước chân người lên. Con đò thêm nặng nề khi lượng người, xe và hàng hóa lên mỗi lúc một nhiều. Khi đò đã đầy khách, người lái đò điều khiển con đò nặng nề rẽ sóng qua xã Ia Rmok.
Những chuyến đò ngang không được trang bị đầy đủ phương tiện cứu hộ vẫn chở khách qua sông. Ảnh: Nguyễn Tú |
Do chở quá nặng, lại gặp mùa khô lòng sông thu hẹp, nước xiết hơn con đò dường như không muốn vượt sông. Lái đò Kpă Đô phải lội xuống sông đẩy, đoạn nhảy lên đò nổ máy và con đò ì ạch chạy. Đưa mắt nhìn lòng sông rộng mênh mông, phía dưới con sông Ba đầy nước, đục ngầu cuồn cuộn chảy như muốn cuốn trôi tất cả những vật cản nằm trên đường đi của nó và, tôi nghĩ lỡ có người sẩy chân khi qua sông. Con sông không ngần ngại “chở” đi, tôi chợt rùng mình khi có ý nghĩ, nếu tai họa ập đến những con người đang ngồi trên đò ai còn, ai mất? Tổn thất về kinh tế và tinh thần sẽ là bao nhiêu? Khi mà gần 20 chục con người đang trên đò không một chiếc áo phao. Hiểm nguy là thế nhưng nhiều năm nay, hàng ngàn lượt người dân xã Ia Rmok đánh cược tính mạng mình, vượt sông theo cuộc mưu sinh. Nhất là vào thời điểm mùa mưa, nước sông dâng cao, mức độ rủi ro tăng lên gấp bội. Lái đò Rơ Châm Lúc cho hay: “Hàng ngày có hàng trăm lượt người dân qua đò, phí là 10 ngàn đồng một lượt, đi bộ thì không thu, chỉ thu phí xe máy và hàng hóa thôi”. Khi được hỏi: “Đã đi tập huấn lái đò lần nào chưa và vì sao không trang bị áo phao cho mọi người?”, anh cười: “Mình chưa đi tập huấn lần nào cả, còn áo pháo thì mặc mùa mưa thôi, mùa nắng không cần”.
Trong số đó có nhiều người là giáo viên đã nhiều năm theo những chuyến đò “chở chữ” qua sông với mục đích không để trẻ em xã nghèo thất học. Cô Lê Thị Trúc Phương- Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Ia Rmok cho hay: “Vẫn biết là nguy hiểm, có những lúc cũng muốn chuyển trường, ngẫm lại thấy thương các em học sinh bên đó ít chữ nên hằng ngày tôi theo đò qua sông dạy học, giá mà có cầu thì chúng tôi cũng đỡ lo hơn”. Còn anh Nguyễn Văn Thành thì tâm sự: “Tôi là dân buôn bán, hằng ngày qua đò nhiều lượt. Mỗi lẫn qua đò cũng sợ lắm nhưng không có đường nào khác, đành chịu đi đò”.
Ảnh: Nguyễn Tú |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các hộ dân xã Ia Rmok chuyên sản xuất nông nghiệp, hằng năm một lượng lớn nông sản như lúa, mì, bắp, thuốc lá… cần vận chuyển ra ngoài buôn để bán. Tuy nhiên, xe ô tô không vào được đến nơi, dẫn đến việc bị các tiểu thương ép giá. Cũng có khi không có người mua, nông sản bị hỏng phải bỏ đi. Cũng như lâu lâu mới có người chở hàng thực phẩm vào buôn bán giúp nhân dân trong xã cải thiện bữa ăn, còn không các hộ người dân tự cung, tự cấp lương thực, thực phẩm cho gia đình mình. Ông Kros Run-Chủ tịch UBND xã Ia Rmok cho biết: “Xã có hai bến đò do tư nhân hùn vốn mở, đã hình thành từ lâu. Hàng năm đóng cho xã khoảng 12-13 triệu đồng. Chúng tôi nhận thức được những mối nguy hiểm của người dân khi đi đò nhưng nếu cấm đò hoạt động thì người dân không biết qua sông bằng cách nào. Niềm mong mỏi lớn nhất của nhân dân trong xã Ia Rmok (kể cả các xã phía bên này sông Ba) là có một cây cầu thuận tiện cho việc thông thương”.
Được biết, UBND tỉnh đã cho xây dựng cây cầu Bung, có chiều dài 250 mét, với tổng kinh phí là hơn 15 tỷ đồng. Cách bến đò xã Ia Rmok khoảng 10 km. Cầu Bung nhằm mục đích phát triển kinh tế, nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân các xã bên này sông. Thế nhưng cây cầu này đã bị nước cuốn vào năm 2007 khi đang thi công giai đoạn 2. Từ đó đến nay, nhân dân xã Ia Rmok nói riêng, cùng các xã lân cận “đỏ mắt” chờ thi công cầu mới và vẫn phải lụy đò qua sông.
Nguyễn Tú