(GLO)- Từ năm 2011 đến nay, huyện Krông Pa đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm đáng kể: nếu năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 50,43% thì đến cuối năm 2014 giảm còn 32,03% (bình quân mỗi năm giảm 4,26%); đời sống người nghèo đã không ngừng cải thiện, diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc.
Nhiều mô hình giảm nghèo mang lại hiệu quả cao
Ông Siu Je-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Krông Pa cho biết: Để thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo, ngoài chú trọng công tác dạy nghề cho người dân, huyện đã triển khai nhiều mô hình khuyến nông, như: lai-cải tạo đàn bò, đàn dê; kỹ thuật thâm canh lúa nước, mì cao sản...; dự án tam nông( IPAD) trên địa bàn 5 xã: Krông Năng, Đất Bằng, Ia Rmok, Ia Hdreh, Chư Drăng; Dự án FLITCH tại các xã: Chư Rcăm, Ia Rsai, Chư Drăng; Dự án cạnh tranh nông nghiệp do Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh thực hiện tại các xã: Phú Túc, Đất Bằng, Ia Mláh và Dự án giảm nghèo bền vững về chăn nuôi bò, dê được triển khai tại 5 xã: Krông Năng, Đất Bằng, Ia Rmok, Ia Hdreh và Chư Ngọc... đều mang lại hiệu quả cao, giúp người nghèo thay đổi phương thức làm ăn, nâng cao năng suất ngày công lao động và tăng thêm thu nhập cho người dân.
Theo thống kê, 4 năm qua, toàn huyện đã triển khai thực hiện gần 30 đề án phát triển sản xuất, dự án, mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Trong đó, đáng kể nhất phải kể đến mô hình giảm nghèo của tỉnh triển khai trên địa bàn huyện từ năm 2012 đến nay ở 4 xã: Chư Ngọc, Ia Hdreh, Ia Mláh và Đất Bằng, với gần 100 hộ nghèo được chọn tham gia về nuôi bò, dê sinh sản và hỗ trợ các loại giống cây trồng.
Trao đổi với P.V, ông Siu Je, cho biết thêm: Sau khi mô hình giảm nghèo được thực hiện trên địa bàn, với cách làm “cầm tay chỉ việc”, nhiều hộ nghèo được hướng dẫn cách làm ăn, cộng với bà con cần cù, chịu khó, thu nhập của những hộ nghèo này đã tăng lên đáng kể. Hộ nghèo Ksor Thu- buôn Drai (xã Ia Hdreh) là một điển hình như thế. Hai vợ chồng không có đất sản xuất đành phải thuê 2 ha đất để trồng mì. Được cán bộ hướng dẫn và hỗ trợ giống mì cao sản, vụ mì 2013 gia đình Ksor Thu đã đạt sản lượng cao, thu được gần 100 triệu đồng. Vụ mì 2014, gia đình anh đã tự biết trồng, chăm sóc, dù thời điểm này mới đang vào thu hoạch chính nhưng anh Thu cho biết là mì của nhà anh cho năng suất cao hơn năm trước.
Đến thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo
Cùng với hỗ trợ về vốn, kiến thức, huyện Krông Pa còn triển khai đồng bộ nhiều chính sách giảm nghèo khác. Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí cho người nghèo và hỗ trợ mua thẻ BHYT cho đối tượng thuộc hộ cận nghèo. Tính riêng năm 2013, tổng số thẻ BHYT đã cấp cho các đối tượng người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số là 50.105 thẻ. Tổng số kinh phí chi trả cho việc mua thẻ BHYT là trên 21 tỷ đồng. Có 1.523 trường hợp thuộc hộ cận nghèo tham gia mua thẻ BHYT, tổng số kinh phí thực hiện BHYT cận nghèo là 196 triệu đồng.
Đặc biệt từ năm 2011 đến nay, huyện Krông Pa đã dành nhiều nguồn lực, huy động nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng hàng trăm căn nhà cho hộ nghèo. Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn đã xây dựng 35 công trình cho 8 xã đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí trên 22 tỷ đồng. Cấp phát các mặt hàng trợ giá, trợ cước, các mặt hàng chính sách vùng dân tộc và miền núi: giống cây trồng, vật nuôi, phân bón. Hỗ trợ trên 2 tỷ đồng tiền điện cho hộ nghèo. Xây dựng 60 công trình giếng khoan cấp nước tập trung, 149 công trình giếng đào giúp người dân có đủ nước sinh hoạt trong cuộc sống. Nhờ đó, góp phần thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo, từng bước giảm dần tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn của huyện. Nếu năm 2011 toàn huyện có 8/14 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 50% trở lên thì đến cuối 2014 còn 4/14 xã có tỷ lệ trên 45%.
“Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, năm 2015, toàn huyện phấn đấu giảm 4-5% hộ nghèo. Để thực hiện đạt kế hoạch đề ra, huyện tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, ưu tiên đầu tư các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất và sinh hoạt, nhằm thực hiện đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo. Tổ chức huy động các nguồn vốn để thực hiện các dự án, chương trình giảm nghèo. Kết hợp các nguồn vốn sự nghiệp để hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hộ nghèo. Tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; hỗ trợ về giáo dục, đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và đầu tư cơ sở hạ tầng ở vùng đặc biệt khó khăn. Hy vọng, từ những việc làm thiết thực trên, mỗi năm huyện Krông Pa sẽ có hàng ngàn hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững”-ông Siu Je-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện nói.
Đinh Yến