Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.

Đăk Tơ Pang là địa phương có nhiều nỗ lực giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng tảo hôn. Ủy ban nhân dân xã và các ban, ngành, đoàn thể của xã đã chủ động phối hợp tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em thông qua các hình thức như: tuyên truyền miệng, qua máy chiếu, lồng ghép tại các cuộc họp thôn, làng, các chương trình văn hóa-văn nghệ, băng rôn, tài liệu và đăng tải thông tin trên cổng thông tin của xã, thông qua các câu lạc bộ tại các làng...

Nhờ đó, nhận thức của người dân về hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, quy định của pháp luật được nâng lên.

Cán bộ xã Đăk Tơ Pang (bìa phải) đến từng nhà tuyên truyền người dân về ngăn ngừa tình trạng tảo hôn. Ảnh: Ngọc Minh

Cán bộ xã Đăk Tơ Pang (bìa phải) đến từng nhà tuyên truyền người dân về ngăn ngừa tình trạng tảo hôn. Ảnh: Ngọc Minh

Ông Đinh Hu (làng Đăk Hway, xã Đăk Tơ Pang) kể: Đầu năm 2023, con trai ông là Đinh Văn Két (SN 2006) nói với ông bà là muốn lấy vợ. Hỏi chuyện, ông Hu biết cô gái đó kém Két 1 tuổi, tức chỉ mới 16 tuổi. Vì vậy, ông Hu đã khuyên bảo con trai, đồng thời báo cán bộ xã đến gia đình cô gái khuyên ngăn.

“Theo quy định của pháp luật, độ tuổi kết hôn của nam là từ đủ 20 tuổi trở lên và nữ từ đủ 18 tuổi trở lên. Sau khi được 2 bên gia đình, cán bộ xã giải thích, bọn trẻ đã đồng ý đợi đến khi đủ tuổi mới kết hôn”-ông Hu cho hay.

Theo ông Đinh Luôn-Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tơ Pang: Xã có 3 làng, gần 90% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn là nhận thức hiểu biết pháp luật, nhất là Luật Hôn nhân và gia đình của một bộ phận người dân còn hạn chế; một số tập tục lạc hậu còn tồn tại. Để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, xã đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động.

“Từ đầu năm đến nay, xã đã tổ chức 7 buổi tuyên truyền với 520 lượt người tham dự; đã kịp thời ngăn chặn 2 trường hợp tảo hôn. Nhiều năm nay, trên địa bàn xã không có trường hợp kết hôn cận huyết thống”-ông Luôn thông tin.

Còn ông Nguyễn Xuân Thoại-Chủ tịch UBND xã Đăk Pơ Pho thì chia sẻ: “Vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng dân số và sự phát triển của xã hội. Vì vậy, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật; phát huy vai trò ban công tác Mặt trận, người có uy tín trong việc vận động bà con thực hiện quy ước, hương ước, xóa bỏ các hủ tục.

Đồng thời, tăng cường nắm địa bàn, kịp thời ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm. Từ năm 2023 đến nay, xã không có trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”.

Cùng với trách nhiệm của các xã, thị trấn, giai đoạn 2019-2023, huyện Kông Chro đã phân bổ 420 triệu đồng cho các phòng, ban chuyên môn tổ chức 11 hội nghị tập huấn tuyên truyền, vận động, tư vấn cho hơn 1.000 lượt người nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; biên soạn, cấp phát 3.000 tờ gấp tuyên truyền, phổ biến pháp luật; lắp đặt 22 pa nô, treo 62 băng rôn bằng tiếng Kinh và Bahnar tăng cường công tác tuyên truyền ngăn chặn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kông Chro đẩy mạnh phổ biến kiến thức về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng. Ảnh: Đinh Toại

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kông Chro đẩy mạnh phổ biến kiến thức về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng. Ảnh: Đinh Toại

Huyện thành lập 4 Ban chỉ đạo triển khai mô hình: Can thiệp làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS tại các xã Chư Krêy, Đăk Song, Yang Nam và thị trấn Kông Chro là những nơi có tình trạng tảo hôn cao trong năm 2021 và năm 2022.

Việc triển khai hiệu quả các giải pháp đã góp phần giảm số vụ tảo hôn trên địa bàn huyện Kông Chro theo từng năm. Trong năm 2022, toàn huyện xảy ra 19 trường hợp tảo hôn, năm 2023 là 14 trường hợp. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn huyện chỉ xảy ra 1 trường hợp tảo hôn.

Trao đổi với P.V, ông Đinh Văn Súy-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho biết: Toàn huyện có 12.756 hộ/57.636 khẩu; người DTTS chiếm 74,35% dân số. Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của huyện.

Những năm tới, huyện tiếp tục chỉ đạo cơ quan, ban, ngành, các xã, thị trấn phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về hôn nhân và gia đình, nhất là trong đồng bào DTTS. Đồng thời, phát huy vai trò của các già làng, trưởng thôn, người có uy tín để vận động người dân xóa bỏ hủ tục trong hôn nhân gia đình; vận động cộng đồng “tẩy chay” những đám cưới tảo hôn.

“Bên cạnh việc xử lý hành chính theo quy định của Nhà nước, những trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn bị xử phạt theo hương ước, quy ước của làng nhằm tăng tính răn đe. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình “Can thiệp về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, Câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, “Tổ phụ nữ không có con tảo hôn”; nâng cao nhận thức, từng bước làm thay đổi nếp nghĩ, hành vi trong Nhân dân và trẻ vị thành niên về công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình”-ông Súy nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.