(GLO)- Trước tình hình nắng hạn đang diễn biến ngày càng gay gắt, Đảng bộ và chính quyền huyện Kông Chro đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng cũng như các xã, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch phòng-chống hạn.
Theo báo cáo của UBND huyện Kông Chro, vụ Đông Xuân 2015-2016, toàn huyện gieo trồng được 3.404,4 ha cây trồng các loại (đạt 99,98% kế hoạch). Cụ thể: bắp lai 397,8 ha; bắp địa phương 11 ha; lúa 122,3 ha; mì cao sản 509,3 ha; đậu các loại 566 ha; mía trồng mới 1.042,5 ha; rau các loại 512,3 ha; thuốc lá 11,7 ha; dưa hấu 162,7 ha; đậu phộng 11,1 ha. Hầu hết các xã đều gieo trồng đạt chỉ tiêu kế hoạch giao, riêng xã Đak Pling đạt 62,3%, Đak Sông 63,4%, Sró 92% và Chơ Long 61,3%.
Đoàn công tác của tỉnh làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Kông Chro. Ảnh: H.T |
Công tác phòng-chống dịch bệnh tiếp tục tăng cường, không để xảy ra dịch bệnh, nhất là trong mùa khô hạn. Tổng đàn gia súc là 51.450 con (đạt 99,5% kế hoạch, tăng 7,65% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, đàn bò có 33.443 con (bò lai chiếm 33,05% đàn bò), đàn heo 11.604 con, đàn dê 6.095 con.
Để chủ động phòng-chống hạn, huyện Kông Chro đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc; xây dựng phương án về việc thực hiện kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân và kế hoạch triển khai chống hạn năm 2016. Cùng với đó, huyện đã chỉ đạo quyết liệt các ngành, các xã, thị trấn tập trung khuyến cáo nhân dân dừng sản xuất đối với khu vực có nguy cơ bị hạn hán cao (bao gồm diện tích đã bị hạn trong vụ Đông Xuân 2014-2015, diện tích cây trồng cạn không chủ động được nguồn nước). Các biện pháp như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng; sử dụng các loại giống ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt; khơi thông dòng chảy; chuẩn bị máy bơm, nhiên liệu để tưới khi có nguy cơ bị hạn… đã được huyện đề ra. Diễn biến thời tiết cũng được thường xuyên cập nhật, theo dõi để ứng phó kịp thời.
Mới đây, phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm trưởng đoàn, Chủ tịch UBND huyện Kông Chro Phan Văn Trung cho biết, trên địa bàn huyện chưa xảy ra thiệt hại về cây trồng do hạn hán gây ra. Lúa là cây trồng có nhu cầu về nước lớn, song do diện tích chủ yếu nằm ở hạ du các công trình thủy lợi nên đều chủ động được nguồn nước. Ông Trung dự báo diện tích cây trồng trên địa bàn có khả năng bị ảnh hưởng do hạn hán trong thời gian tới vào khoảng 6.191 ha (trong đó có 1.042 ha mía trồng mới, 4.570 ha mía lưu gốc, 509 ha mì cao sản và 70 ha lúa Đông Xuân).
Ủy ban nhân dân huyện Kông Chro đã đề xuất tỉnh bố trí 4,8 tỷ đồng để xây mới các giếng đào trên địa bàn huyện. Cụ thể: 3 giếng đào tại các làng Tnang, Hle Hlang (xã Yang Trung); 2 giếng đào tại các làng Hơ Ya, Ya Ma (xã Sró); 6 giếng đào tại các làng Kram, Ó, Sơ Kiết, Siêu, Broach, Biên (xã An Trung); 6 giếng đào tại các làng Toang, Lơ Bơ, Hngã, Hlang 2, Hlang 1, Tpôn 2 (xã Yang Nam); 9 giếng đào tại các làng Alao, Tpé 1, Tpé 2, Tpôn 1, Tpôn 2 (xã Chơ Long); 6 giếng đào tại các làng Htỏh, Pyang, Dơng (thị trấn Kông Chro) và 8 giếng khoan tại làng Húp, Huynh Dơng, Hra, Huynh Đak (xã Kông Yang). Ngoài ra, huyện còn đề xuất tỉnh hỗ trợ 3,4 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp, xây mới một số công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung bị hư hỏng tại các làng: H’Ôn, Kliết, Kte, Blà, Krăc, Kchăng (xã Đak Sông); Htiêng, Nhang Lớn và trung tâm xã Đak Kơ Ning; Tbưng, Brang, Mèo Lớn, Mèo Nhỏ (xã Đak Pling); Kươk (xã Sró). |
Ngoài ra, trong số 16 công trình thủy lợi đã được đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện, hiện có 9 công trình đang sử dụng bình thường (đập tràn Đồn Chảo-xã Yang Nam, đập dâng làng Brăng-xã Đak Tơ Pang, đập tràn làng Bờ Ya-xã Sró, đập tràn làng Tkắt-xã Đak Kơ Ning, đập tràn Đak Sơ Rổ-xã Chư Krey, thủy lợi làng Kliết-xã Đak Sông, đập tràn Đak Tnăng-xã Đak Pling, trạm bơm điện An Trung-xã An Trung và đập dâng Djrao-xã Đak Pơ Pho); 1 công trình đang sửa chữa (thủy lợi làng Mèo-xã Đak Pling); 1 công trình mới bàn giao đưa vào sử dụng (thủy lợi làng Vẻh-xã Chư Krey), còn lại đều ở mực nước thấp (hồ chứa nước Tpơng-thị trấn Kông Chro, đập tràn Diounom-xã Đak Kơ Ning, đập tràn làng Châu, Tdinh và Lơ Bơ-xã Chư Krey). Huyện đã chỉ đạo UBND các xã khuyến cáo và người dân đã dừng sản xuất ở những khu vực có nguy cơ thiếu nước hoặc không có nước, tránh thiệt hại xảy ra.
Về nguồn nước sinh hoạt, qua kiểm tra, rà soát, một số thôn, làng trên địa bàn huyện đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt như: làng Htiêng (xã Đak Kơ Ning), làng Trong, Cúc Rờng (xã Đak Pơ Pho), làng Alao (xã Chơ Long). Nguyên nhân là do công trình cấp nước tự chảy bị mất nguồn nước, hư hỏng đường ống dẫn nước hay bể nước bị rò rỉ, hỏng phụ kiện… “Trước thực trạng đó, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng và UBND xã vận động đoàn viên, thanh niên, nhân dân trong làng nạo vét các giếng đào hiện có; khẩn trương sửa chữa, khắc phục hư hỏng đường ống dẫn nước và khơi đào các giếng ở vùng trũng thấp, gần sông suối để lấy nước sử dụng. Nhờ đó, đến thời điểm hiện tại, nhân dân trên địa bàn (kể cả các điểm nóng của huyện về thiếu nước sinh hoạt) vẫn đảm bảo nguồn nước sử dụng hàng ngày. Tuy nhiên, cái khó ở đây là mạch nước ngầm rất ít. Do vậy, nếu đã khô hạn thì có đào sâu cỡ nào cũng sẽ không có nước”-ông Trung phân tích.
Mía trồng mới đang đối mặt với nguy cơ bị thiệt hại do khô hạn. Ảnh: H.T |
Chủ tịch UBND huyện Kông Chro còn cho biết, UBND huyện đã chủ động chỉ đạo các ngành chức năng cùng các địa phương kiểm tra, rà soát, nắm chắc số hộ có nguy cơ bị thiếu đói do hạn hán gây ra. Theo đó, khoảng 1.280 hộ (tương đương 6.959 khẩu) sẽ có nguy cơ thiếu đói nếu nắng hạn kéo dài. Ủy ban nhân dân huyện đã báo cáo tình hình cho UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan và đề nghị tỉnh xem xét bố trí nguồn kinh phí để sửa chữa, nâng cấp, mở rộng, xây mới các công trình cấp nước sinh hoạt bị hư hỏng trên địa bàn huyện và hỗ trợ 313.155 kg gạo cứu đói cho số hộ nói trên trong thời gian 3 tháng (15 kg/khẩu).
Một vấn đề cũng được Đảng bộ và chính quyền huyện Kông Chro đặc biệt quan tâm trong điều kiện khô hạn như hiện nay là phòng cháy, chữa cháy rừng. Theo thống kê, tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện là hơn 118.000 ha với hơn 78.000 ha đất có rừng. Vì rừng khộp là chủ yếu nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Do đó, thời gian qua, huyện đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời, triển khai tốt công tác phối kết hợp trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng trong thời kỳ cao điểm của mùa khô; bảo vệ hiệu quả rừng ở các khu vực trọng điểm như: khu vực làng Krăc (xã Đak Sông), xã An Trung..., quyết không để xảy ra cháy rừng.
Hồng Thi