Kon Tum: Dân “khát” nước sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Nguồn nước tự nhiên đã khô cạn, buộc nhiều người dân ở huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) phải đi gùi hoặc xin nước về dùng. Người dân khao khát được đầu tư hệ thống nước sạch để ổn định cuộc sống.

Người dân ở thôn 5B, xã Đan Côi đi xin nước về dùng.

Người dân ở thôn 5B, xã Đan Côi đi xin nước về dùng.

Huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) có địa hình đồi núi cao. Nhiều thôn làng đang thiếu nước sạch, cuộc sống của người dân bị đảo lộn.

Thôn 5B, xã Đăk Côi, huyện Kon Rẫy có 126 hộ dân. Nhiều năm trước, nước sinh hoạt của người dân được lấy từ nguồn nước tự nhiên dẫn từ hẻm núi đưa về các bồn chứa lớn ở khu dân cư. Người dân chỉ việc mang can đến bồn lấy về sử dụng. Khoảng hơn 2 năm qua, nguồn nước tự nhiên không còn nên không thể dẫn nước về bồn. Để có nước sử dụng, người dân sử dụng nước suối để tắm, nước sinh hoạt phải lấy tại các cột giếng khoan hoặc xin nước về dùng.

Căn nhà chị Y Pe nằm ngay con đường dẫn vào thôn. Bên hông nhà là bồn chứa nước lớn. Lúc chúng tôi đến, nhiều người dân mang can đến bồn chứa này để xin nước về dùng.

Theo chị Y Pe, nhiều năm trước, bồn nước trên vốn là điểm cấp nước tập trung của cụm dân cư. Do nguồn nước tự nhiên không thể về được bồn nên gia đình đã chi tiền đào giếng, tận dụng bồn này để bơm chứa nước sử dụng. Thấy gia đình chị chủ động được nguồn nước, nhiều hộ mang can, chai đến xin. Chị cũng chia sẻ để người dân cùng sử dụng.

Trong các hộ xin nước nhà chị Y Pe, có hộ ông A Úi (thôn 5B). Ông A Úi cho biết, nước tự nhiên không về được điểm cấp nước tập trung khiến gia đình ông gặp khó. Không còn cách nào khác, ông buộc phải qua nhà chị Y Pe xin nước sử dụng. Gia đình chị Y Pe cũng tạo điều kiện cho người dân dùng chung nguồn nước, tuy nhiên, do quá nhiều người xin nên nguồn nước giếng nhà chị Y Pe không đủ cung cấp.

Theo ông Đào Thanh Sang, Chủ tịch UBND xã Đăk Côi, hệ thống dẫn nước tự nhiên về bồn chứa bị hư hỏng hơn 2 năm nay, khiến khoảng 60 hộ của thôn bị thiếu nước sinh hoạt. Bà con phải đi xa tầm 3km để lấy nước tại các cột giếng khoan. Địa phương mong muốn được đầu tư công trình nước sạch để bà con chủ động nguồn nước.

Tại xã Đăk Tơ Lung (huyện Kon Rẫy), Báo Sài Gòn Giải Phóng từng phản ánh thôn Kon Bỉ thiếu nước sạch. Tìm hiểu thêm từ chính quyền địa phương, nhiều thôn khác của xã này cũng bị thiếu nước. Theo ông Đinh Địa, Chủ tịch UBND xã Đăk Tơ Lung, trên địa bàn, ngoài thôn Kon Bỉ, còn có 2 thôn khác cũng thiếu nước sinh hoạt là Kon Vi Vàng và Kon Long.

Tại các thôn này, bà con sử dụng nguồn nước tự nhiên. Tuy nhiên, sau thời gian sử dụng, nguồn nước này không còn đảm bảo khi mùa khô thiếu nước, mùa mưa thì nước bị đục. Việc thiếu nước làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của bà con. Mùa khô bà con phải đi xách nước từ xa về dùng, tắm giặt thì dùng nước sông, suối. Bà con mong muốn được đầu tư công trình cấp nước để chủ động nguồn nước sinh hoạt, sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Kon Rẫy, cho biết, thời gian qua, huyện đã nỗ lực đầu tư, nâng cấp một số công trình cấp nước để đảm bảo nguồn nước cho người dân sinh hoạt. Bên cạnh một số dự án đã được đầu tư, trên địa bàn vẫn còn nhiều địa phương xảy ra tình trạng thiếu nước vào mùa khô. Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ chỉ đạo các xã, phòng ban liên quan rà soát, đánh giá thực trạng các công trình cấp nước để có hướng đầu tư, nhằm giải quyết tình trạng thiếu nước nói trên.

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.