Vốn đã nổi tiếng với hàng loạt khu phố sôi động, sầm uất về đêm, song Trung Quốc đang thể hiện quyết tâm biến kinh tế ban đêm thực sự trở thành “mỏ vàng”. Bằng những chính sách thúc đẩy mạnh mẽ, tới đây quốc gia tỷ dân sẽ “chiêu đãi” khách du lịch trên khắp thế giới những khu phố đêm “không ngủ”, dù chỉ một phút.
Thúc đẩy kinh tế đêm “bùng nổ”
Con ngõ Yong Ping trên đường Hengshan ở trung tâm thành phố Thượng Hải là chốn ăn chơi đầy hấp dẫn, không kể ngày đêm. Không chỉ du khách nước ngoài, mà chính người Trung Quốc cũng mê mẩn trải nghiệm cuộc sống đêm cực kỳ sôi động ở con ngõ này.
Họ có thể tìm thấy cả tỷ thứ đồ ăn từ lẩu Trung Quốc truyền thống cho đến những món Âu, Mỹ, kể cả đặc sản từ Peru, Thổ Nhĩ Kỳ… Yong Ping có nhiều nhà hàng, café và khu phức hợp rộng 9,600m2, hoạt động 24h, không phút nào ngơi nghỉ.
|
Trung Quốc có chính sách trợ cấp để thúc đẩy hoạt động kinh doanh ban đêm |
Hay tại Bắc Kinh, Gui Jie (hay còn gọi Ghost Street) được biết đến là con phố ẩm thực xuyên đêm nức tiếng. Có tới hơn 150 hàng quán trên tổng chiều dài 1,5km. Cảnh du khách xếp hàng dài chờ đến lượt được phục vụ là chuyện thường xuyên, dù đó là 22h hay 3 - 4h sáng.
Tới đây, những con phố kinh doanh xuyên đêm như thế sẽ “bùng nổ” khắp các thành phố, điểm du lịch của Trung Quốc. Du khách đến xứ tỷ dân sẽ thỏa sức chi tiền ở những khu phố, trung tâm dịch vụ, điểm vui chơi giải trí xuyên màn đêm, bất chấp thời gian.
Kinh tế ban đêm với các hoạt động dịch vụ, kinh doanh từ 18h tới 6h sáng hôm sau đang được Chính phủ Trung Quốc tìm mọi cách phát triển. Hàng loạt biện pháp thúc đẩy nền kinh tế ban đêm đã được đưa ra với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền.
Theo đó, 10 con phố với các hàng ăn ban đêm, 16 chợ đêm và các cửa hàng tiện lợi mở 24/7 tại Bắc Kinh sẽ là những nơi đầu tiên nhận được trợ cấp để thúc đẩy hoạt động kinh doanh ban đêm.
Các khu phố ban đêm sẽ nhận được khoảng hơn 700.000 USD dành cho việc phát triển kinh doanh, các hộ kinh doanh riêng lẻ sẽ có thể được hỗ trợ tới hơn 70.000 USD. Ngoài ra, các dịch vụ chiếu sáng, hạ tầng giao thông công cộng như tàu điện cũng đã được tăng tuyến, tăng thời gian phục vụ trong đêm…
|
Kinh tế ban đêm với các hoạt động dịch vụ, kinh doanh từ 18h tới 6h sáng hôm sau đang được Chính phủ Trung Quốc tìm mọi cách phát triển |
Cùng với Bắc Kinh, nhiều tỉnh, thành phố khác cũng có kế hoạch đẩy mạnh kinh tế ban đêm như Thượng Hải, Thiên Tân, Hồ Nam, Hà Bắc... Thượng Hải không chỉ ban hành các hướng dẫn cụ thể để thúc đẩy ngành công nghiệp ban đêm bằng cách xây dựng một số khu vực giải trí từ 19h đến 6h sáng, mà còn đề cử các "CEO về đêm" để quản lý hiệu quả.
Hay Thiên Tân cũng đã lên kế hoạch xây dựng 6 khu thương mại đêm, gồm đường phố kiểu Italy, phố ẩm thực, quảng trường, công viên cho các hoạt động giải trí…
Sức mạnh của… “vàng đêm”
Thực tế cho thấy, nhu cầu tiêu dùng về đêm vô cùng lớn, thậm chí cao hơn ban ngày. Như ông Lý Chí Khởi, ủy viên Chính hiệp (tức Mặt trận) thành phố Bắc Kinh cho biết: “kinh tế dịch vụ, tiêu dùng dịch vụ là lĩnh vực rất cần phải nắm lấy, bởi ở các quốc gia phát triển, thống kê cho thấy, hơn 60% tiêu dùng là vào ban đêm”.
Như ở Anh, ngành công nghiệp về đêm đóng góp khoảng 6% GDP với quy mô xấp xỉ 66 tỷ bảng, tạo ra hơn 1,25 triệu việc làm. Trong đó, riêng London chiếm khoảng 40% về quy mô, tương đương 26,4 tỷ bảng và tạo ra việc làm trực tiếp cho 723.000 lao động (theo nghiên cứu của Ernst & Young). Ước tính, kinh tế ban đêm của London sẽ đóng góp gần 30 tỷ bảng mỗi năm vào đầu 2030, tăng 15% so với hiện nay.
Để có được “mỏ vàng” này, từ năm 2016, London đã đề ra hàng loạt chính sách hỗ trợ thúc đẩy khu vực kinh tế ban đêm, kể cả việc cử nhân sự giữ chức vụ “Night Czar" (Nữ hoàng về đêm), với mục tiêu đưa London trở thành thành phố 24h hàng đầu thế giới.
Chức danh tương tự cho những vị trí phụ trách hoạt động kinh tế ban đêm thực ra đã không còn xa lạ tại nhiều thành phố lớn ở châu Âu như Paris, Toulouse (Pháp), Zurich (Thụy Sĩ) hay Amsterdam (Hà Lan)…
|
Ngành công nghiệp về đêm đóng góp khoảng 6% GDP nước Anh |
Trước kinh nghiệm thực tiễn của nhiều nước châu Âu và sự khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc hiện tại, việc thúc đẩy kinh tế ban đêm với những biện pháp mạnh mẽ kỳ vọng sẽ khiến kinh tế ban đêm trỗi dậy ở quốc gia tỷ dân. Điều này cũng cho thấy Trung Quốc đang quyết tâm biến kinh tế ban đêm trở thành “mỏ vàng” thực sự.
Những chính sách thúc đẩy kinh tế ban đêm của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của thế giới. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu các bộ liên quan, các địa phương chủ động nghiên cứu. Tại nước ta, kinh tế ban đêm dù đã có, nhưng để nói đã thực sự được đầu tư quy mô để trở thành chiến lược phát triển thì… câu trả lời chắc ai cũng rõ.
Nếu như trên thế giới, kinh tế ban đêm gồm đủ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, lễ hội, vui chơi giải trí từ 18h cho tới 6h sáng hôm sau, thì hầu như ở Hà Nội, TPHCM, một số điểm du lịch lớn như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang…, việc kinh doanh dịch vụ vẫn đang có giờ “giới nghiêm”. Như tại Đà Nẵng – dù được coi là “thủ phủ du lịch miền Trung”, song thành phố này vẫn khiến du khách lắc đầu bởi “quá tẻ nhạt về đêm”.
|
Kinh tế ban đêm đang được nghiên cứu phát triển tại Việt Nam |
Nhìn vào Trung Quốc, đất nước này đã đi trước Việt Nam về kinh tế ban đêm, đã nổi tiếng với nhiều khu phố đêm sôi động, song để biến “kinh tế 24h” trở thành “át chủ bài” vẫn cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền với hàng loạt chính sách hỗ trợ, ưu đãi, kích cầu tiêu dùng về đêm hấp dẫn. Chiến lược này phù hợp với xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các nước phát triển mạnh về du lịch.
Cho nên nghiên cứu chính sách thúc đẩy kinh tế ban đêm của Trung Quốc là yêu cầu cần thiết và cấp bách đối với những thành phố du lịch lớn của Việt Nam, nhất là những điểm đến nhạt nhòa về đêm như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… Bởi, thờ ơ với kinh tế ban đêm, đồng nghĩa với các điểm đến du lịch Việt đang bỏ qua một nguồn doanh thu khổng lồ.
NHÓM PV (SGGPO)