Khu vườn xinh từ rác thải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngọn đồi cằn cỗi ở ngoại ô TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định được một nhóm người khuyết tật tạo thành khu vườn tái chế từ vật liệu phế thải với nhiều vật dụng hữu ích và cảnh quan đẹp, thu hút rất đông du khách

Cách trung tâm TP Quy Nhơn chừng 20 km về hướng Tây Nam, Vườn tái chế NNC với diện tích khoảng 2.000 m2 tọa lạc ở thôn Long Thành, xã Phước Mỹ được biết đến là mái nhà chung của nhiều người khuyết tật.

Không gian sáng tạo

Đến Vườn tái chế NNC, nhiều du khách tỏ ra thích thú khi thưởng lãm những mô hình ôtô, tàu thuyền… làm từ rác thải như nhựa, giấy, bìa carton... Tác giả các sản phẩm này là những người khuyết tật thuộc Chi hội Khuyết tật Nguyễn Nga. Họ đã cùng nhau đưa ra ý tưởng, sáng kiến để tạo ra những sản phẩm hữu ích từ vật liệu phế thải.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga - Chi hội trưởng Chi hội Khuyết tật Nguyễn Nga, chủ Vườn tái chế NNC - cho biết gần 3 năm trước, khi dịch COVID-19 bùng phát ở địa phương, người người, nhà nhà thay nhau làm từ thiện. Những bếp ăn, suất cơm thiện nguyện hoạt động tích cực, vô tình thải ra môi trường rất nhiều hộp xốp, bao ni-lông, muỗng nhựa…

"Lúc ấy, tôi suy nghĩ liệu có cách nào tận dụng số rác thải đó? Thế rồi, tôi cùng gần 20 hội viên trong Chi hội Khuyết tật Nguyễn Nga lên kế hoạch và bắt đầu tiến hành xây dựng khu vườn tái chế. Từ đó, vật liệu phế thải được "tái sinh" thành những vật dụng hữu ích để mang lại giá trị sử dụng mới trong cuộc sống" - bà Nga nhớ lại.

Để thực hiện ý tưởng, ban đầu, các thành viên Vườn tái chế NNC đi thu gom rác thải về rồi phân loại. Sau đó, họ đưa ra ý tưởng, sáng kiến thực hiện để tái chế đồ dùng từ chai, lọ nhựa, bìa giấy carton, sách báo cũ...

Dần dần, quanh khu vườn tái chế này xuất hiện dãy chuông gió được làm từ hơn 500 chai nhựa, những bình hoa từ chai đựng nước rửa chén hay các mô hình xe trang trí làm từ lõi giấy vệ sinh, hộp bánh. Tiếp đó, các thành viên cùng sáng tạo nên những món đồ trang trí, làm đẹp cho khu vườn như: cây thông mừng Giáng sinh từ nguyên liệu là bao bì mì ăn liền, quả địa cầu đường kính 2 m làm từ xốp…

Hôm chúng tôi đến NNC, anh Phan Huỳnh Anh Toan - quê thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định - đang tỉ mỉ dán những miếng bìa carton đã cắt rời để ghép thành chiếc ôtô đồ chơi. Anh bày tỏ: "Chúng tôi muốn tận dụng những vật liệu thải ra hằng ngày để tạo nên những sản phẩm có ích. Không chỉ làm các mô hình xe giấy đồ chơi, chúng tôi còn muốn tạo nên không gian sáng tạo mới từ việc tận dụng vật liệu cũ đã thu gom".

Những người ở Vườn tái chế NNC còn tận dụng các mảnh vải vụn, chắp vá thành nhiều bộ trang phục, đồ gia dụng bắt mắt. Chị Trương Thị Ngọc Dung, thành viên NNC, thổ lộ: "Tuy việc tái chế vật liệu phế thải khá phức tạp nhưng tất cả thành viên ai cũng vui vì tự chúng tôi cẩn thận làm ra những sản phẩm hữu ích".

Cây thông Noel được các thành viên Vườn tái chế NNC làm từ 3.000 vỏ gói mì ăn liền

Cây thông Noel được các thành viên Vườn tái chế NNC làm từ 3.000 vỏ gói mì ăn liền

Du khách nước ngoài tham quan Vườn tái chế NNC
Du khách nước ngoài tham quan Vườn tái chế NNC
Học sinh thích thú với sản phẩm làm từ vật liệu phế thải trưng bày tại Vườn tái chế NNC

Học sinh thích thú với sản phẩm làm từ vật liệu phế thải trưng bày tại Vườn tái chế NNC

Một thành viên NNC tỉ mẩn tái chế vải vụn để tạo ra sản phẩm độc đáo
Một thành viên NNC tỉ mẩn tái chế vải vụn để tạo ra sản phẩm độc đáo
Những chai lọ, bao bì carton, giấy báo cũ, túi ni lông, vỏ kẹo… được biến hóa thành những mô hình, đồ dùng hữu ích

Những chai lọ, bao bì carton, giấy báo cũ, túi ni lông, vỏ kẹo… được biến hóa thành những mô hình, đồ dùng hữu ích

Lan tỏa chuyện tốt đẹp

Hiện nay, NNC có 2 khu vực chính: Khu phân loại, tái chế rác thải từ giấy, nhựa, thủy tinh… và khu tái chế những sản phẩm từ vải vụn. Song song với các hoạt động thu gom, tái chế, khu vườn này còn chuẩn bị khoảnh đất rộng để những người quan tâm cùng đến gieo trồng, chung tay tạo thêm bóng mát.

Việc tái chế vật liệu phế thải thành các sản phẩm hữu dụng chính là cơ hội để người khuyết tật nơi đây thể hiện mình và mang lại thu nhập cho bản thân. Nhờ những sản phẩm đẹp và bắt mắt được tái chế từ vật liệu phế thải, thời gian qua, NNC đã thu hút khá đông du khách, học sinh trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm; từ đó lan tỏa những câu chuyện tốt đẹp về việc chung tay bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa…

Đưa các bé Trường Mầm non Ban Mai (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) đến tham quan Vườn tái chế NNC, cô giáo Đồng Thị Bích Mai cho hay đây là địa điểm mới mà cô cũng như nhà trường lựa chọn để trẻ vui chơi, học hỏi. "Tại đây, các bé không chỉ được chơi đùa mà còn được các cô chú hướng dẫn cách phân loại nguồn rác thải để bảo vệ môi trường. Sau khi nhìn thấy và được giảng giải về những sản phẩm đẹp, bắt mắt tái chế từ rác thải trưng bày ở đây, bé nào cũng tỏ ra rất thích thú" - cô Mai hào hứng.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nga, trong quá trình tham quan NNC, nhiều du khách ưa thích sản phẩm tái chế từ rác thải đã bỏ tiền ra mua. Đây cũng là nguồn thu để các thành viên khu vườn có thêm động lực tạo ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo, hữu ích hơn.

"Trên hết, chúng tôi hy vọng khu vườn tái chế này sẽ là nơi để mọi người trải nghiệm không gian xanh đúng nghĩa với cây xanh, rau sạch. Du khách cũng hiểu thêm về vòng đời của những vật liệu tưởng chừng bỏ đi nhưng thực tế, tự tay ta có thể làm nên các sản phẩm xinh xắn, hữu dụng" - Chi hội trưởng Chi hội Khuyết tật Nguyễn Nga tin tưởng.

Vào thứ bảy hằng tuần, các thành viên Vườn tái chế NNC còn cùng nhau dọn dẹp rác thải ở địa phương. Chị Trần Thị Lệ - ngụ thôn Long Thành, xã Phước Mỹ - cảm phục: “Gần 2 năm qua, người dân chúng tôi đã quen với hình ảnh nhóm người mặc áo xanh í ới gọi nhau nhặt từng chiếc hộp, bao ni-lông... vứt bừa bãi. Dù khuyết tật nhưng họ đã vượt qua rào cản, tình nguyện đem lại màu xanh cho môi trường thì thật là ý nghĩa”.

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.