Khu BTTN Kon Chư Răng: Giữ rừng gắn với phát triển du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên (BTTN) Kon Chư Răng (huyện Kbang) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm duy trì cảnh quan, gìn giữ đa dạng sinh học, góp phần thúc đẩy du lịch sinh thái của địa phương phát triển.

Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng

Theo kết quả rà soát 3 loại rừng của Sở Nông nghiệp và PTNT năm 2017, rừng Kon Chư Răng có độ che phủ 98,5%, tăng 1,1% so với năm 2004; diện tích rừng giàu tăng 2,9 lần; diện tích rừng trung bình giảm 1,3 lần; rừng nghèo, rừng non giảm 29,5 lần; đất trống giảm 2,4 lần; đất nông nghiệp giảm 4 lần; đất khác tăng 1,6 lần.

 

Lực lượng kiểm lâm viên tuần tra, kiểm soát rừng. Ảnh: N.M
Lực lượng kiểm lâm viên tuần tra, kiểm soát rừng. Ảnh: N.M

Ông Trịnh Viết Ty-Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Kon Chư Răng, cho biết: Để có được kết quả trên, ngay từ năm 2005, Ban Quản lý đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: phân công kiểm lâm viên phụ trách từng tiểu khu (có 14 tiểu khu), tiểu khu nào có nguy cơ bị xâm hại cao sẽ bố trí 2 kiểm lâm viên, trang bị sổ tay ghi chép các thông tin diễn biến của tiểu khu; tuyển dụng người dân tộc thiểu số bản địa có uy tín vào lực lượng bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, chủ động tổ chức lực lượng kiểm lâm tuần tra, kiểm tra rừng, phân công kiểm lâm viên canh gác các đường mòn ra vào rừng; tuyên truyền, vận động người dân vùng đệm không xâm canh, xâm cư, không khai thác, chặt phá rừng, săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã và vận chuyển lâm sản trái pháp luật; ký quy chế phối hợp với 7 chủ rừng giáp ranh trong và ngoài tỉnh…

Trong năm 2017, lực lượng kiểm lâm của Khu BTTN Kon Chư Răng đã thực hiện tuần tra kiểm soát hơn 288 đợt, phát hiện và thu hơn 100 dây bẫy thú; phát hiện và lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 1 vụ săn bắn trái phép, tịch thu 2 khẩu súng săn; phối hợp với 7 chủ rừng giáp ranh tổ chức 3 đợt truy quét và chia sẻ 33 thông tin liên quan; lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng cho 6 thôn, làng vùng đệm với diện tích gần 4.000 ha, đồng thời giúp người dân nâng cao nhận thức, tham gia bảo vệ rừng; tổ chức 8 đợt giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ rừng, BTTN cho hơn 400 lượt học sinh các trường Tiểu học và THCS trên địa bàn xã; tổ chức 6 đợt tuyên truyền cho hơn 240 lượt người dân vùng đệm…

Bên cạnh đó, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cũng được Ban Quản lý chú trọng, phân công lực lượng tuần tra thường xuyên, nhất là ở những vùng trọng yếu dễ xảy ra cháy; bố trí lực lượng trực 24/24 giờ vào thời kỳ cao điểm mùa khô; tổ chức 2 đợt tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy rừng tới các thôn, làng vùng đệm, ký cam kết an toàn lửa rừng tới các hộ gia đình; đặt pa nô tuyên truyền bảo vệ rừng tại các tuyến đường mòn dẫn vào rừng. Nhờ vậy, trong năm 2017, tại Khu BTTN Kon Chư Răng không có vụ cháy rừng nào xảy ra.

“Những năm qua, chúng tôi luôn xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ trọng tâm để bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học phục vụ nghiên cứu khoa học, diễn thể rừng, tham quan, dã ngoại, góp phần phát triển du lịch sinh thái của địa phương”-ông Ty cho biết.

Phát triển du lịch sinh thái

Khu BTTN Kon Chư Răng được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan hùng vĩ, độc đáo có kiến tạo địa chất cổ trên dưới 2 tỷ năm; có khu rừng hỗn giao gồm nhiều loại cây lá kim và lá rộng với nhiều kiểu sinh thái rừng. Đây là những điều kiện rất phù hợp để phát triển loại hình du lịch sinh thái.

Theo thống kê, Khu BTTN Kon Chư Răng có 863 loài thực vật bậc cao (có 18 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam, 7 loài ghi trong sách đỏ thế giới). Hệ động vật có 392 loài, trong đó có 15 loài thú và 14 loài chim được ghi trong sách đỏ thế giới. Cùng với hệ sinh thái đa dạng, Kon Chư Răng còn được biết đến với những con thác đẹp như: 3 tầng, Trại Dầm, Tóc Tiên, 5 tầng… có độ cao từ 20 m trở lên, quanh năm đều có nước đổ từ trên cao xuống. Đặc biệt, thác 50 (thác Chim Én) có độ cao 54 m được các chuyên gia quốc tế đánh giá là một trong những ngọn thác đẹp nhất châu lục.

“Dựa vào những tiềm năng và lợi thế, chúng tôi đã xây dựng xong đề án khai thác du lịch sinh thái tại Khu BTTN Kon Chư Răng để trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, sẽ phát triển nhiều loại hình du lịch như: du lịch tìm hiểu nghiên cứu khoa học; du lịch dã ngoại, tham quan giải trí, nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa bản địa… Một số công ty du lịch trong và ngoài tỉnh đã đến tham quan, khảo sát và đánh giá cao tiềm năng nơi đây đồng thời khẳng định sẽ có hướng đầu tư phát triển du lịch. Trong năm 2017, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đồng ý cho chủ trương xây dựng tuyến đường tuần tra kết hợp du lịch từ phân khu du lịch lên thác 50”-Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Kon Chư Răng cho hay.

Cũng theo ông Ty, dù Khu BTTN Kon Chư Răng vẫn chưa được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa có đường đi vào thác nhưng mỗi năm vẫn có hàng trăm đoàn khách du lịch đăng ký tới tham quan, dã ngoại. “Vì vậy, Kon Chư Răng rất cần được sự quan tâm đầu tư của các cấp”-ông Ty kiến nghị.

Trao đổi với P.V về vấn đề phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang, cho biết: Trong kế hoạch phát triển du lịch của huyện Kbang giai đoạn 2017-2020, huyện xây dựng các điểm du lịch sinh thái như: thác 50, thác 30 (Khu BTTN Kon Chư Răng), thác Dơi, hồ thủy điện An Khê-Ka Nak... Thời gian qua, cùng với việc quảng bá tiềm năng du lịch, Đảng bộ và chính quyền huyện đã tạo mọi điều kiện, cơ hội để các đối tác trong và ngoài tỉnh hợp tác, đầu tư xây dựng, góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch địa phương. Bình quân hàng năm có 500-800 lượt khách đến tham quan, dã ngoại, nghiên cứu văn hóa-lịch sử. Riêng 6 tháng đầu năm 2018 đã có 1.500 lượt khách tới tham quan. Đây là điều kiện thuận lợi để khai thác tiềm năng du lịch ở địa phương.

Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.