Những cán bộ mà bản chất tốt thì không gì có thể lay động được họ. Chỉ những kẻ lương tâm vẩn đục mới tranh thủ mọi cơ hội để vụ lợi.
Sau khi bản kết luận điều tra trong vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG với giá gần 8.900 tỷ đồng được báo chí đăng tải, trong đó hé lộ lời khai của các cựu quan chức Bộ Thông tin-Truyền thông, MobiFone đã nhận “lại quả” hàng chục tỷ đồng, nhiều người không khỏi rùng mình. Liêm sỉ để đâu, đạo đức chỗ nào?. Không thể tin nổi khi trước đó, chính họ chứ không ai khác, còn đi rao giảng về đạo đức và con đường “đánh mất mình” của người cán bộ…
Lương tâm vẩn đục, nói không đi đôi với làm
PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Ảnh: Hoàng Thái) |
PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh bức xúc, cán bộ của Đảng, người đứng đầu mà tham nhũng số tiền lớn như thế là không thể chấp nhận, cần phải lên án mạnh mẽ. Những cán bộ như ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn đã phải trải qua một quá trình rèn luyện, tu dưỡng mới lên được những vị trí cao như thế, đáng ra họ phải biết liêm sỉ, phải biết tự hào với những gì mình đã đạt được để lấy lợi ích nhân dân, đất nước làm trọng.
“Việc những cựu quan chức nhận lời cảm ơn trị giá hàng trăm nghìn và hàng triệu đô đã cho thấy sự suy thoái trầm trọng trong đạo đức của một bộ phận cán bộ đảng viên hôm nay. Năm 1950, Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu từng bị tử hình về tội biển thủ công quỹ, nhận hối lộ. Nay các cựu quan chức của Bộ Thông tin-Truyền thông nhận số tiền lót tay lớn như thế mà không xử lý nghiêm khắc thì sao đủ sức răn đe, Đảng làm sao mạnh được”, PGS.TS Lê Quốc Lý nêu quan điểm.
PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo, Giảng viên cao cấp, Nguyên Trưởng Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí Tuyên truyền, bày tỏ, là một người dân, một cán bộ đảng viên, ông thấy buồn lòng khi nghe thông tin này. Buồn vì Đảng đã dồn tất cả tâm huyết cho công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là công cuộc phòng chống tham nhũng, thế nhưng hàng loạt cán bộ đảng viên tha hóa biến chất liên tục bị đưa ra ánh sáng, khiến những cán bộ đảng viên chân chính, các tầng lớp nhân dân trong xã hội vô cùng bức xúc, thậm chí căm phẫn. Trong khi cả đất nước phải thắt lưng buộc bụng, thì những cán bộ ở vị trí cao như thế lại ngang nhiên làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức để thỏa mãn ham muốn cá nhân.
Qua vụ việc này, một lần nữa, vấn đề đạo đức cần phải tiếp tục được đặt lên trên hết khi xem xét, đánh giá một con người. Những cán bộ mà bản chất tốt thì khó có gì có thể lay động được họ. Chỉ những kẻ lương tâm vẩn đục mới ngoài miệng thì hô hào trung thành với Đảng, với nhân dân, với Tổ quốc nhưng lại tranh thủ mọi cơ hội để vụ lợi.
Đạo đức luôn là gốc rễ của cán bộ
Nhấn mạnh đạo đức luôn là gốc rễ của cán bộ, PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo cho rằng, hơn lúc nào hết phải quay trở lại tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề đạo đức phải được đặt ra đầu tiên trong tiêu chuẩn đánh giá cán bộ. Sinh thời, Bác đã chỉ ra rằng, đạo đức là cái gốc của người cán bộ đảng viên; là phẩm chất, là yêu cầu không thể thiếu của đảng viên, đặc biệt trong điều kiện Đảng cầm quyền. Bác cũng nhấn mạnh rằng, người cán bộ không chỉ cần có tài mà cần có cả đức trước nhất.
PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo phát biểu tại một Hội thảo. |
“Sâu xa hơn nữa trong vấn đề đạo đức cán bộ chính là chủ nghĩa cá nhân, yếu tố dễ làm cho người cán bộ đảng viên phai nhạt lý tưởng, làm cho cán bộ nảy sinh những căn bệnh tham ô, tư túi, đặt lợi ích của cá nhân lên trên hết. Đứng trước lợi ích, họ sẵn sàng quên đi những giá trị về phẩm chất, lý tưởng, danh dự của người cán bộ đảng viên. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, việc mỗi cán bộ đảng viên, đặc biệt là những cán bộ đảng viên nắm giữ trọng trách, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức không bao giờ là thừa, không bao giờ là cũ”, PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo nhấn mạnh.
Nhưng cũng phải thấy rằng, cùng với việc đề cao yếu tố đạo đức, phải có cơ chế để ngăn chặn bằng được những cơ hội khiến người cán bộ đảng viên dễ đánh mất mình. Trong nhiều sự kiện gần đây, Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có những chỉ đạo rất mạnh mẽ, quyết liệt xung quanh vấn đề lựa chọn cán bộ. Những chỉ đạo ấy cũng là mong muốn của người dân, làm sao để xây dựng được một đội ngũ cán bộ thực sự vì nước nước vì dân, thực sự có đức, có tài, trong mọi trường hợp phải luôn trung thành với lợi ích của nhân dân, của đất nước.
Không có liêm sỉ, không có đạo đức, cán bộ đánh mất mình rất dễ. Con đường từ đỉnh cao quyền lực đến ngục tù tăm tối cũng không phải là xa nếu họ đánh mất mình trước những cám dỗ vật chất.
Hà Thanh/VOV.VN